Ngôi chùa xanh mát thanh tịnh, quanh năm đẹp như chốn thần tiên ở Hà Nam

Nắm cách Hà Nội khoảng 70km, chùa Địa Tạng Phi Lai Tự là điểm đến thu hút rất nhiều người, trong đó có cả giới trẻ tới thăm quan bởi vẻ đẹp xanh mát, thanh tịnh, bình yên.
Ảnh:  July Photography

Chùa Địa Tạng Phi Lai Tự tọa lạc tại thôn Ninh Trung, xã Liêm Sơn, huyện Thanh Liêm, Hà Nam. Ban đầu, chùa mang tên chùa Đùng – là ngôi chùa bị bỏ hoang, ít ai biết đến. Đến tháng 12 năm 2015, Đại đức Thích Minh Quang mới về tiếp nhận, tu sửa lại khang trang và đổi tên thành Địa Tạng Phi Lai. Từ đó ngôi chùa thu hút lượng lớn khách thập phương ghé thăm quanh năm.

Ảnh:  July Photography

Chùa Địa Tạng Phi Lai Tự nằm trên một ngọn đồi thấp với không gian rộng và bằng phẳng. Cả quần thể ngôi chùa nằm gọn giữa rừng thông, tạo nên bầu không khí lúc nào cũng mát lành, yên tĩnh. Chùa Địa Tạng Phi Lai Tự có thế tựa lưng vào núi với hai bên tả hữu thanh long – bạch hổ và lưu giữ nhiều cổ vật thiêng liêng mang tính lịch sử.

Ảnh: Trương Đình Minh, July Photography

Đường vào chùa được trải đều bằng những viên sỏi trắng thay vì lát gạch đỏ như thông thường. Ngay trước khu Tổ đường, du khách sẽ bắt gặp Khổ Hải, là 12 vòng tròn được vẽ trên nền sỏi tượng trưng cho 12 nhân duyên của con người. Sỏi trắng mang ý nghĩa của sự thiền định nên được sử dụng rất nhiều trong chùa.

Ảnh: Trương Đình Minh
Ảnh:  July Photography

Tương tự như bố cục của những ngôi chùa truyền thống khác, chùa Địa Tạng Phi Lai Tự gồm có tòa Tam Bảo với tượng Đức Địa Tạng uy nghiêm. Bên phải là nhà thờ Tổ để thờ các vị sư trụ trì theo các đời. Bên cạnh đó, chùa còn có tòa điện nhỏ thờ Phật Bà Quan Thế Âm, Đức Ông và Đức Thánh Hiền, khu nhà ở dành cho Tăng ni – Phật tử ở trong chùa, khu giảng đường nơi các Tăng ni – Phật tử nghe sư trụ trì giảng đạo hàng ngày và diễn ra các khóa tu…

Ảnh: Hồ Duy Anh, Trương Đình Minh, July Photography

Kiến trúc chùa mang đậm nét Phật giáo, với nhiều tiểu tiết hoa văn màu nâu trầm tạo nên một vẻ đẹp trầm mặc, cổ kính. Tất cả những chi tiết chạm khắc như hình hoa sen, hình rồng, hình thần chim Garuda, hình công phượng cùng các linh vật, cổ vật khác đều tái hiện lịch sử từ thời Lý – Trần.

Ảnh: Trương Đình Minh
Ảnh: Nguyễn Thanh Luân

Ảnh: Nguyễn Kế Minh, Trương Đình Minh, July Photography

Với những du khách ghé thăm chùa, ấn tượng lớn nhất chính là khuôn viên của chùa. Dạo một vòng, du khách sẽ cảm giác như tâm hồn được “tưới” xanh bởi trong chùa ngập tràn các khu vườn cây, thảo dược, thuốc chữa bệnh,…tất cả đều được chăm sóc bởi các sư và người dân.

Ảnh: Nguyễn Thanh Luân

Ảnh: Nguyễn Thanh Luân, Trường Đình Minh, Lê Minh Sơn

Khuôn viên được thiết kế, xây dựng theo lối đơn giản nhưng vẫn rất tinh tế, hài hoà giữa cổ điển và hiện đại.

Du khách tới chùa có thể trải nghiệm nhiều hoạt động trong không gian yên tĩnh như thưởng thức trà, đọc sách hay tắm Phật.

Ảnh: July Photography
Ảnh: Trương Đình Minh

Không gian chùa hoàn toàn thanh tịnh, hầu như không có âm thanh gì ngoài tiếng lá cây xào xạc, tiếng chuông gió leng keng trong veo. Bước chân vào chùa, tâm hồn như được tách biệt ra khỏi những suy nghĩ bộn bề thường nhật, bỗng nhiên nhẹ bẫng, trong trẻo và bình an.

Ảnh: Nguyễn Kế Minh
Ảnh: Trương Đình Minh

Mỗi mùa, Địa Tạng Phi Lại Tự lại đang đến cho du khách những cảm nhận, trải nghiệm khác nhau. Mùa xuân với muôn sắc hoa, nhiều không gian mang hình ảnh của Tết cổ truyền; mùa hè với không khí mát mẻ, cây cối xanh mướt; mùa thu là mùa của các lễ hội lớn như Vu Lan, lễ Vía Đức Địa Tạng Bồ Tát, Trung Thu,….; cuối cùng là mùa đông với các buổi trồng cây xanh quanh chùa.

Chính vì khung cảnh đẹp yên bình và nhiều hoạt động, Địa Tạng Phi Lai Tự không chỉ có những người lớn tới thắp hương, cầu bình an…mà còn thu hút rất nhiều các bạn trẻ tới vãn cảnh, chụp ảnh hay tham dự các khoá tu.

Ảnh: July Photography

Ảnh: Lê Minh Sơn, Nguyễn Thuỳ Trang

Ảnh: July Photography

Thùy Chi
Nhà báo