Ngôi chùa trên mây
Chùa Linh Quy Pháp Ấn nằm ẩn hiện trên ngọn đồi 45, xã Lộc Thành, Thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Phong cảnh nơi đây được ví như chốn bồng lai tiên cảnh thanh tịnh, yên bình vô cùng. Thiên nhiên khí hậu hài hòa tươi mát được bao bọc bởi cây cối xanh tốt.
Để đến chùa Linh Quy Pháp Ấn từ Thành phố Bảo Lộc di chuyển theo đường Trần Phú, qua ngã ba Đại Bình đi vào Lộc Thành, chạy tiếp hỏi đường đến chùa Niết Bàn. Từ đây bạn có thể tìm đến chùa Linh Quy Pháp Ấn, đoạn đường từ dưới chân đồi đi lên chùa khá khó khăn nên đi xe tay côn hoặc xe số cho khỏe ga. Bạn cũng có thể gửi xe ở dưới chân đồi để leo bộ lên, đó sẽ là một hành trình thử sức bền khá thú vị.
Leo lên tới đỉnh chùa bạn sẽ không bị thất vọng bởi thực sự cảnh vật rất mê hoặc lòng người, “trăm nghe không bằng một thấy” và khi thấy rồi không dám tin vào mắt mình vì khung cảnh quá ngoạn mục. Thiên nhiên xanh mướt một màu tạo cảm giác trong lành, tâm hồn thư thái nhẹ nhàng như đang bồng bềnh chốn tiên cảnh.
Đây là một địa điểm chụp ảnh lý tưởng, đến đây không chỉ được ngoạn cảnh mà bạn có thể lưu lại những bức ảnh vô cùng “chất”. Nhiều khách du lịch chiêm ngưỡng cảnh vật qua những bức ảnh mà phải thốt lên “đây là cảnh ở Việt Nam sao, thật không thể tin”. Vì vậy địa điểm này thu hút rất nhiều bạn trẻ cũng như khách du lịch cả nước.
Điểm nhấn của chùa Linh Quy Pháp Ấn là cánh cổng Thần Đạo độc đáo. Có thể nói từ cánh cổng mở ra mọi khung cảnh góc nhìn thiên nhiên đặc trưng của Bảo Lộc. Có tất cả 3 cổng được bố trí xung quanh sân đá vuông có lan can. Khoảng sân này cũng là nơi diễn ra các nghi lễ trang nghiêm đầy linh thiêng. Bước vào sân cổng Thần Đạo ngắm cảnh bạn nhớ bỏ giày dép ở ngoài, vì theo tiền lệ các nhà sư trong chùa khi hành lễ không mang giày dép để giữ vệ sinh chung cũng như sự trong sạch từ lúc vào cho tới lúc đi.
Đứng từ cổng trời ngắm khung cảnh hùng vĩ của núi rừng, nhất là lúc bình minh và hoàng hôn cảnh đẹp “rụng tim” khó cưỡng lại. Những buổi sớm ánh nắng yếu ớt trong làn sương mờ ảo bao trùm lên cả một không gian mênh mông, những quả đồi từ xa như đang khoác lên mình tấm áo voan mềm mỏng đầy thướt tha.
Nếu bạn muốn ngắm cảnh bình minh trên chùa có thể xin nghỉ lại qua đêm để sang hôm sau kịp thức giấc đón bình minh.
Trong khuôn viên chùa còn có vườn sỏi trắng, điểm xuyết những chậu cây cảnh nhỏ, cách bài trí dựa theo triết lý thiên định làm nên một nét riêng nơi cửa Phật.
Kiến trúc bên trong ngôi chùa hoàn toàn được làm bằng vật liệu gỗ và được thiết kế theo lối kiến trúc truyền thống kết cấu hình giá chiêng vững chãi, hệ thống cột trụ đều tăm tắp. Nền được lát đá phẳng mịn sạch sẽ tạo cảm giác mát lạnh. Đồ đạc trong chùa rất đơn sơ, trang trí không có nhiều, chính giữa gian chùa đặt tượng Đức Phật tạc bằng đá trắng. Xung quanh bài trí một số đồ vật đơn giản, lọ hoa thờ, mõ, chiêng đồng, phía trên che bức mành thưa như một tấm lọng.
Từ dưới chân chùa đi lên bạn phải vượt ra rất nhiều bậc thang bằng đá, ngay trước mái hiên chùa đặt một tượng hình Phật thủ rất lớn bằng đá đem lại cảm giác không gian tâm kinh huyền bí.
Vào các dịp cuối tuần hoặc ngày lễ trong các địa điểm du lịch Đà Lạt thì lượng khách đến đây tham quan vãn cảnh là đông hơn cả, nên mọi người chú ý giữ nghiêm không gian thanh tịnh, thu gom rác trước khi rời đi để bảo vệ cảnh quan cũng như môi trường tự nhiên. Khoảng thời gian thích hợp để tới thăm thú vãn cảnh là vào mùa khô từ tháng 2 đến khoảng tháng 6 hàng năm, thời tiết khô ráo khí hậu mát mẻ cảnh vật khởi sắc. Đặc biệt bạn không khó để “bắt” cảnh hoàng hôn, cảnh bình minh trong sương sớm.
Đến với chùa Linh Quy Pháp Ấn bạn sẽ được thả hồn vào không gian thanh tịnh, an nhiên nơi cửa Phật, cùng với đó chiêm ngưỡng thiên nhiên kỳ thú hấp dẫn vô cùng. Sống trong môi trường như vậy cảm giác con người như được gột sạch bụi trần, tách biệt với cuộc sống xô bồ ồn ào, tâm trí có dịp được tĩnh lại chiêm nghiệm cuộc đời.
Ngoài ra, bạn có thể đến chùa Linh Quy Pháp Ấn tham gia nghe giảng sư, lễ Vu Lan, lễ Phật Đản, để thêm hiểu triết lý đặc biệt mà nhà chùa muốn chuyển tải tới đại chúng:
“Muôn vật luôn biến đổi
Vạn sự nương nhau thành
Tĩnh lặng vui bậc nhất
Bồ-đề tâm tối thượng”
Mỗi sớm tinh mơ từ khi mặt trời chưa ló sau chân núi, các sư thầy đã sửa soạn trang phục, chuẩn bị đồ pháp bảo để ra sân tiến hành nghi lễ.
Luyến Nguyễn