Chùa Linh Ứng nằm trong quần thể khu danh thắng quốc gia Kim Sơn, thuộc xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Lộc. Chùa không rõ được xây dựng từ thời nào, nhưng còn tấm bia khắc vào vách đá ghi trùng tu thời vua Bảo Đại, đến năm 2006 được khôi phục lại trên nền móng cũ.

Ngôi chùa nằm tại vị trí sơn thủy hữu tình, ở khoảng giữa của cửa Ngọc Kiều động và Kim Sơn động, xung quanh bao bọc bởi các dãy núi đá hùng vĩ.

Chùa Linh Ứng tựa lưng vào vách núi.

Theo Đại đức Thích Tĩnh Hải, ông được bổ nhiệm về làm trụ trì ở chùa Linh Ứng từ năm 2009. Ngày ông mới về, ngôi chùa còn rất hoang sơ. Ông đã thấy những đàn khỉ hoang về các núi đá ở gần chùa và xuống sân nhà chùa.

“Thời gian đầu, khi khỉ xuống tôi lấy đồ cho chúng ăn. Đàn khỉ hoang rất sợ người, tôi chỉ bỏ đồ ăn xuống sân rồi đi vào bên trong, đàn khỉ mới dám lại gần. Khoảng một thời gian sau đàn khỉ quen dần và thường xuyên về chùa”, thầy Hải cho biết.

Cũng theo thầy Hải, thời gian đầu đàn khỉ về không nhiều. Khoảng 5 năm trở lại đây khi các dãy núi xung quanh chùa được cấp phép khai thác mỏ đá (cách chùa bán kính khoảng 1km có tới 5 mỏ đá), tiếng nổ mìn phá đá ảnh hưởng tới cảnh quan, mất dần môi trường sống của các loại động vật, nên những con khỉ phải tìm nơi trú ngụ và kiếm thức ăn.

Thầy Hải đang vãi ngô cho khỉ xuống ăn.

Thầy Hải nhớ lại, một lần, tiếng mìn phá đá nổ liên tục, một đàn khỉ khoảng hai chục con chạy toán loạn về chùa. Thầy thấy có một con khỉ vừa xuống sân chùa đã lăn đùng ra chết nên mang con khỉ đó đi chôn.

Biết bọn chúng có thể bị thương hay bị đói nên thầy Hải vào trong chùa lấy ra một chậu hạt ngô cho đàn khỉ ăn.

Từng đàn khỉ xuống ăn ngô dưới sân chùa.
Có thời điểm đàn khỉ xuống cả trăm con.

“Ngày nào tôi cũng cho ăn, mỗi bữa cho ăn cũng hết hơn một yến ngô hạt. Lâu dần thành quen, cứ đến giờ quy định là đàn khỉ lại xuống chùa, ăn song chúng lại lên núi.

Thông thường vào mùa đông khỉ xuống ăn sẽ đúng giờ hơn, dao động từ 7h-8h sáng. Mùa hè, trên núi có nhiều loại quả nên chúng về thất thường không theo giờ cố định. Tuy nhiên đàn khỉ cứ về lúc nào là tôi lại cho ăn lúc đó”, thầy Hải cho biết.

Hoạt động khai thác đá làm ảnh hưởng tới cảnh quan, môi trường sống quanh khu danh thắng Kim Sơn.

Cũng theo thầy Hải, có những hôm số lượng khỉ rủ nhau về chùa lên tới hơn 100 con.

Để có thức ăn nuôi khỉ trong những năm qua, thầy Hải đã động viên các phật tử.

Thầy kể, nhiều phật tử đến chùa phóng sinh theo truyền thống Phật giáo. Bản thân thầy nhận thấy việc phóng sinh có nhiều vấn đề nên đã phân tích thay vì mua các loại con vật để phóng sinh thì nên hỗ trợ mua ngô, lúa cho khỉ ăn thì sẽ tốt và thiết thực hơn.

“Du khách về tham quan khu danh thắng Kim Sơn rất thích được ngắm những con khỉ hoang đùa nghịch trên vách núi, cành cây. Đây cũng là điểm nhấn để phát triển du lịch ở địa phương. Qua đây, chúng tôi cũng đề nghị các cấp chính quyền cần hạn chế tối đa việc cho khai thác các mỏ đá và phải có biện pháp bảo vệ đàn khỉ không bị mai một và dần biến mất”, thầy Hải nói.

Thầy Hải chia sẻ, đây là đàn khỉ hoang, lại có số lượng lớn hàng trăm con nên việc nhà chùa cho ăn những năm qua cũng chưa thể thuần hóa được. Khỉ vẫn sợ khi có người lại gần, chính vì vậy vẫn có việc đàn khỉ xuống chùa phá phách đồ thờ cúng.

Lê Dương-Vietnamnet