chùa Châu Thới Bình Dương.jpg

Chùa Châu Thới tọa lạc tại ngọn núi cùng tên (Châu Thới), thuộc phường Bình An, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương, cách không xa TP.HCM hay Đồng Nai. Ngọn núi này được mệnh danh là thắng cảnh giữa vùng đồng bằng, cao 82m so với mực nước biển.

 

chùa Châu Thới Bình Dương.jpg
Chùa Châu Thới là một quần thể kiến trúc cheo leo trên ngọn núi đá, trước mặt là hồ nước tự nhiên, xung quanh là cây xanh bao phủ. Tất cả hài hoà, tạo nên một khung cảnh sơn thủy hữu tình. Nơi này từng được xếp hạng danh thắng quốc gia vào ngày 21/4/1989. 
chùa Châu Thới Bình Dương.jpg

Theo tài liệu của Bảo tàng tỉnh Bình Dương, trên đỉnh núi Châu Thới có một ngôi chùa được xây dựng từ năm 1612, do hòa thượng Khánh Long đứng ra tổ chức xây dựng. Đến nay, chùa đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần và trải qua nhiều đời hòa thượng trụ trì.

Từ xưa Châu Thới đã nổi tiếng là một ngôi chùa linh thiêng, gắn với nhiều truyền thuyết, đặc biệt là câu chuyện về hòn đá thần hay “ông Tà”. Chuyện kể rằng, năm 1971, khi sư trụ trì cho mở đường, xây bậc cấp từ chân núi lên chùa đã phải phá rất nhiều đá. Tới bậc thứ 170, có một tảng đá lớn chắn ngang đường. Những người thợ không thể di chuyển hay phá vỡ hòn đá được.

Sau đó, sư trụ trì yêu cầu giữ nguyên hòn đá vì cho rằng đây là vật trấn yểm, là “vị thần” giữ chùa. Hòn đá cứ nằm giữa đường như vậy cho đến nay. Sư trụ trì đã dùng sơn viết lên trên mấy chữ Hán: “Tà lão trung sơn”, tức “ông Tà giữa núi”. Người dân trong vùng gọi đây là “ông Tà” hay “hòn đá thần” và thờ cúng rất trang trọng.

chùa Châu Thới Bình Dương.jpg

Chùa Châu Thới không chỉ là điểm đến tâm linh của người dân, đây còn là nơi nhiều du khách tìm đến ngắm cảnh và hòa mình vào bầu không khí yên bình, thanh tịnh giữa núi đồi. Ngôi chùa nằm cách TP.HCM khoảng 30km về hướng Đông Bắc, chỉ mất gần 1 tiếng đồng hồ lái xe.

chùa Châu Thới Bình Dương.jpg

Chùa cách thành phố Thủ Dầu Một 20km về phía Tây, tiếp giáp với sông Đồng Nai và nằm trên trục đường lớn nối TP.HCM – Bình Dương – Bà Rịa Vũng Tàu. Nhờ có vị trí thuận lợi nên ngôi chùa thu hút rất nhiều khách du lịch đến tham quan và cúng viếng. Khi di chuyển đến dưới chân núi, du khách có hai sự lựa chọn, gửi xe tại đây và leo 220 bậc thang để lên chùa, hoặc chạy xe men theo con đường dẫn thẳng đến chùa.

chùa Châu Thới Bình Dương.jpg

Đầu tháng 8 vừa qua, bộ ảnh về khung cảnh chùa Châu Thới được đăng tải trên mạng xã hội đã thu hút sự quan tâm từ nhiều người. Được biết, chủ nhân bộ ảnh này là nhiếp ảnh gia Nguyễn Văn Hữu (36 tuổi, đang sinh sống tại Hà Nội).

Trong chuyến du lịch Biên Hòa (Đồng Nai), anh Hữu được người quen giới thiệu về chùa Châu Thới. “Khi tìm tới đây, mình rất bất ngờ với vị trí độc đáo của ngôi chùa. Khung cảnh ở đây thanh bình, đẹp tựa chốn bồng lai”, anh Hữu chia sẻ.

chùa Châu Thới Bình Dương.jpg

Hiện chùa Châu Thới là một quần thể vô cùng đa dạng, phong phú về mặt kiến trúc và tâm linh. Chùa gồm các khu: ngôi chánh điện, điện thờ Ngũ Hành Nương Nương, Thiên Thủ Thiên Nhãn, Diêu Trì Kim Mẫu, Linh Sơn Thánh Mẫu và điện thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế.

Năm 1996, chùa xây dựng thêm một bảo Tháp cao 22m với tổng cộng 4 tầng, vừa giúp tăng thêm tính thẩm mỹ cho cả quần thể, vừa mở rộng thêm không gian trưng bày cho du khách tới tham quan.

chùa Châu Thới Bình Dương.jpg

Ngôi chùa có tông màu chính là màu vàng hoàng kim bắt mắt, ngay từ phần thiết kế của phần mái chùa đã thu hút và góp phần làm nổi bậc vẻ uy nghiêm, cổ kính của nó. Trên đỉnh mái có 9 con rồng hướng ra nhiều phía khác nhau, mặt tiền cũng được ghép gốm, sứ với tạo hình tứ linh, thủ quyền, Đức Phật đản sinh.

chùa Châu Thới Bình Dương.jpg

Bước vào bên trong khuôn viên chùa, du khách có thể chiêm ngưỡng những pho tượng trang nghiêm, được đúc tạc kĩ xảo. Đặc biệt phải kể đến tượng Quan Thế Âm được đúc bằng đồng và đá cẩm thạch. Khi nhìn từ trên cao, điểm nhấn của ngôi chùa chính là 2 bức tượng Quan Thế Âm màu trắng ở 2 góc trái, phải của quần thể chùa. Cả 2 bức tượng đều toát lên vẻ uy nghiêm nhưng cũng không thiếu nét hiền hậu, bác ái.

Ngoài ra, chùa Châu Thới còn lưu giữ 3 pho tượng Phật bằng đá cổ, tượng Quan Âm được làm bằng gỗ mít với tuổi đời hơn 100 năm.

chùa Châu Thới Bình Dương.jpg

Ngôi chùa còn gây ấn tượng với kiến trúc độc đáo khi sử dụng các mảnh gốm sứ đa màu sắc để tạo hình 2 con rồng dài hơn chục mét ở đầu đao của mái chùa. Hiện tại ở chùa có tổng cộng 9 con rồng với các đầu hướng về các hướng khác nhau. Nhìn từ trên cao, hình ảnh những chú rồng uốn lượn góp phần tô điểm thêm cho vẻ đẹp trang nghiêm, cổ kính của ngôi chùa.

chùa Châu Thới Bình Dương.jpg

Tọa lạc tại vị trí cao trên đỉnh núi, khi đến viếng chùa Châu Thới vào buổi sáng, du khách như thể thấy mình đang ở chốn thần tiên. Bên dưới là vực sâu, hồ nước tĩnh lặng, bốn bề là không gian yên tĩnh, bên trên đầu là gió thoảng mây bay.

Do nằm gần các khu vui chơi, nghỉ mát như: chùa Tam Bảo, suối Lồ Ồ, núi Bửu Long (Biên Hòa), vì thế du khách rất thuận tiện mỗi khi tham quan, viếng chùa.

chùa Châu Thới Bình Dương.jpg

Anh Trung Tính (23 tuổi, Bình Dương) là người thường xuyên đến chùa vào ngày cuối tuần hoặc mỗi khi có thời gian rảnh. “Mình rất thích không gian ở chùa. Đến đây, mình không chỉ chiêm ngưỡng kiến trúc mà mình còn cảm nhận được không gian thanh tịnh, mát mẻ, dường như mọi gánh nặng, muộn phiền đều được xoa dịu đi vậy”, anh Tính nhẹ nhàng chia sẻ.

Như Khánh (Ảnh: Nguyễn Văn Hữu)