Ngôi chùa 283 năm tuổi ở Bình Dương

Chùa Hội Khánh (Bình Dương) là di tích lịch sử cấp quốc gia với 283 năm tuổi. Đây là nơi cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh từng tới hoạt động, gây dựng phong trào yêu nước một thời gian khá dài từ năm 1923-1926.

01

Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc – thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh – từng đi đến nhiều nơi để tổ chức hoạt động cứu nước. Trong những tài liệu mật của mật thám Pháp ghi lại được lưu giữ trong một ngôi chùa cổ ở tỉnh Bình Dương là chùa Hội Khánh. Ngôi chùa này cũng là nơi cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc từng tới hoạt động, gây dựng phong trào yêu nước.

02

Chùa Hội Khánh tọa lạc dưới chân đồi, cách trung tâm TP.Thủ Dầu Một 500 m về hướng Đông, đường Bác sĩ Yersin (phường Phú Cường) là một công trình kiến trúc tôn giáo, nghệ thuật lớn nhất Bình Dương, được công nhận di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia ngày 7/1/1993.

03

Chùa Hội Khánh là ngôi chùa cổ hàng trăm năm tuổi. Chùa do Đại Ngạn thiền sư xây dựng năm 1741 với kiến trúc kiểu Nam Bộ trùng thềm trùng lươn – tức là nối sát nhau liên tục.

04

Chùa xây dựng từ thế kỷ XVIII (1741), 1861 chùa đã bị giặc Pháp thiêu hủy. Đến năm 1868, chùa được xây dựng lại ở vị trí hiện nay với diện tích xây dựng 1.211 m2. Năm 2007 chùa xây dựng thêm ngôi tháp 7 tầng cao 27 m và tái tạo lại Phật tích “Tứ động tâm”.

05

Cấu trúc chùa gồm tiền điện, chính điện, hậu tổ, giảng đường, đông lan, tây lan. Cổng chùa được đắp những hình nổi làm bằng sành sứ màu, sau này chùa còn được xây thêm tháp đựng kinh sách. Tháp khá cao và nhìn như một Tàng kinh các theo kiến trúc chùa cổ như kiểu Thiếu Lâm tự.

06

Sau cách mạng Tháng Tám năm 1945, chùa Hội Khánh là trụ sở Hội Phật giáo cứu quốc tỉnh Thủ Dầu Một, đã góp nhiều công sức tâm huyết kể cả xương máu của các nhà tu, Phật tử nhà chùa. Trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của nhân dân địa phương từ 1953, chùa là trụ sở Phật giáo yêu nước tỉnh Bình Dương và đến 1983 chùa Hội Khánh là trụ sở của tỉnh Hội Phật giáo Bình Dương.

07

Tuy đã được sửa chữa, trùng tu nhiều lần nhưng về cơ bản đây là ngôi chùa hiếm hoi vẫn còn giữ được phần lớn kiến trúc ban đầu. Nét nổi bật của ngôi cổ tự này là giá trị phong phú về mặt lịch sử văn hóa, nghệ thuật kiến trúc, đặc biệt phần lớn những di tích, cổ vật hàng mấy trăm năm được bảo tồn lưu giữ cho đến nay.

08

Hội Khánh còn được xem là ngôi chùa tiêu biểu cho đặc điểm chung của các ngôi chùa cổ Bình Dương.

09

Về cấu trúc chùa gồm bốn phần chính: Tiền điện – chánh điện, giảng đường kiến trúc này có 92 cột gỗ quý, Đông lang và Tây lang chùa bố trí theo kiểu “sắp đôi” nối liền nhau với kiến trúc “trùng thềm, trùng lương”. Đây là biến tấu đặc biệt trong kiến trúc theo truyền thống chùa cổ xứ Nam Kỳ.

10

Chánh điện với kèo cột, vách gỗ và ba bộ cửa bức màn, còn có gần 100 tượng gỗ, các vị La Hán và thập điện Minh Vương dáng vẻ khác nhau được tạo bằng gỗ mít sơn son thép vàng. Đặc biệt có hai bức phù điêu chạm hình 18 vị La Hán và các vị bồ tát, tạo nên một công trình điêu khắc tuyệt mỹ, có giá trị nghệ thuật cao mang đặc trưng của phong cách điêu khắc gỗ Bình Dương xưa.

11

Về phần liễn đối, thơ văn còn lưu giữ phong phú, giá trị khó có ngôi chùa nào sánh kịp. Nhiều người cũng nhắc đến câu đối của cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc còn lưu ở chùa Hội Khánh, với ý nghĩa ngôn từ hàm súc của thiền học: “Đại đạo quảng khai thố giác khuê đàm để nguyệt. Thiền môn giáo dưỡng, qui mao thằn thụ đầu phong” (Tạm dịch: mở rộng đạo lớn như sừng thỏ như mò trăng đáy nước. Nuôi dưỡng mái chùa như lông rùa như cột gió đầu cây).

12

Năm 2008, Phật đài quy mô lớn, cao 22 m được xây dựng ở khu đất phía trước chùa. Tầng trệt là dãy nhà chiều dài 64 m, chiều ngang 23 m dùng làm trường Phật học, thư viện… Tầng trên tôn trí đại tượng đức Bổn sư Thích Ca nhập Niết bàn cao 12 m, dài 52 m. Đây là công trình mỹ thuật đáng tự hào của Phật giáo Bình Dương, được khánh thành trọng thể vào ngày Rằm tháng Hai năm Canh Dần (30/3/2010) mừng 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.

13

Chùa Hội Khánh là nơi cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc từng tới hoạt động, gây dựng phong trào yêu nước một thời gian khá dài (từ năm 1923-1926).

14

Trong thời gian ở tại chùa Hội Khánh, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đi đến các vùng lân cận để truyền bá Hội Danh dự yêu nước, đàm đạo về Y thuật, Phật học… Những hoạt động yêu nước, tấm lòng nhân hậu, thương người của cụ Phó bảng đã để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân nơi đây.

15

Sáng 27/11, tỉnh Bình Dương tổ chức Lễ giỗ lần thứ 95 cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc tại chùa Hội Khánh. Trong ảnh là Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Lộc Hà thắp hương viếng Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.

Theo Báo Tiền Phong. 

Hương Chi