Ngồi chơi với cỏ

Bài đăng trên giai phẩm Giác Ngộ Xuân Giáp Thìn 2024 - Mỹ thuật: Tống Viết Diễn/BGN

Sau tháp sư phụ tôi có một khoảnh đất hoang. Dường như chẳng ai lui tới. Nơi đó cỏ mọc um tùm, đôi khi còn có cả một bộ da rắn bị bỏ lại.

 

Tôi hay ra sau tháp sư phụ ngồi một mình. Lúc đó, tôi thấy mình không còn là “trụ trì” nữa, không đồ chúng, không Phật tử. Tôi trút luôn cả quá khứ, vị lai,… để được hòa với cỏ.

Nếu không bị lũ muỗi quấy rầy – và đặc biệt, những trách nhiệm đang chờ chực trong kia – tôi có thể ngồi đó cả ngày. Lặng lẽ vô danh…, buông cả bản thân mình, rỗng rang vô sự.

Nhắc đến “sự nghiệp” trụ trì, thỉnh thoảng tôi cũng thở dài, nghĩ đến vị thầy mà tôi nương tựa tu học trong gần 20 năm. Thầy than trụ trì cũng là cái nghiệp, “tui bị mắc cái nghiệp trụ trì”, thầy nói. Tuy thầy không giải thích, nhưng tôi hiểu đó là cái nghiệp “bị đồ chúng quấy phá, như cây đại thọ mà cả bầy chim chóc tập hợp lại thì vẫn bị cái họa khô gãy”.

Rõ ràng, không phải tự dưng mà Đức Phật dạy: “Các thầy Tỳ-kheo, muốn cầu yên tĩnh, vô vi và an lạc, thì các thầy hãy thoát ly mọi sự ồn ào và bối rối, ở đơn độc và ở một cách thư thái. Người ở yên tĩnh thì chúa trời Đế Thích và chư thiên đều tôn kính. Vì thế mà các thầy hãy thoát ly đồ chúng của mình, và đồ chúng của người, ở đơn độc, thư thái và thanh vắng, dùng ‘tư duy tu’ mà cắt đứt gốc rễ đau khổ” (kinh Di giáo).

Giờ ai cũng ngầm hiểu “trụ Pháp Vương gia, trì Như Lai tạng” là định nghĩa lý tưởng của “trụ trì”, chứ trên thực tế, trụ trì phải lo toan bao thứ, từ những thứ (tạm gọi) lớn lao như: xây dựng, tổ chức, giáo dục, quản lý, phát triển, đối nội, đối ngoại…, cho đến những thứ tủn mủn như: tiền điện, tiền nước, tiền hoa quả, tiền thợ thầy, kể cả xử lý tranh cãi, xử lý bếp núc,… Gượng gọi đó là “Phật sự”, nhưng kỳ thực chỉ toàn “phiền não sự”. Trong cảnh đó, chỉ những ai thật giỏi, thật tinh tấn mới giữ được chánh niệm – “mất chánh niệm là mất công đức”…

Tôi lại nhớ đến sư đệ của mình. Một lần, vẻ như không chịu nổi nữa, sư đệ vứt cái áo lên ghế, quay người cẳm rẳm: Chùa toàn mấy-cái-thứ-gì-đâu không! Tôi thoáng chựng người lại, rồi chợt hiểu sư đệ đang bực chuyện mấy đứa “tưng tưng” thích gì làm nấy mà tôi mới nhận vào chùa ở. Xuất thân nào là nát rượu, nào là tà nhập, nào là thất học… mấy “đứa” đó một sớm một chiều dĩ nhiên không dễ gì mà thuần. Tôi thấy tụi nó cũng như cỏ dại ven đường, không ai chăm sóc, cứ tự nhiên mà lớn, tự nhiên ra hoa. Hoa dại thường be bé, quê quê, nhưng như vậy kể cũng tuyệt lắm rồi.

Tôi quở sư đệ rằng chùa cũng như bệnh viện. Bệnh viện ngoài người ta chữa thân, bệnh viện chùa thì mình chữa tâm. Nếu “ngon lành”, không mang tâm bệnh thì dễ gì họ vào chùa. Khỏe và ổn thì họ phải ở ngoài bươn chải, phải kiếm tiền, phải thi thố với đời nữa chứ. Ai đâu vô chùa ở, phải đánh chuông, quét rác, ăn chay – ăn chay rát ruột cạo đầu rát da.

Cuộc đời này cũng như đám cỏ, có thứ cho hoa, có thứ cho gai. Không có gì như ý hết. Nhưng cỏ cũng phải sống và mình cũng phải sống. Dù bị giẫm, bị chèn, bị hạn, bị bão dập tơi bời… cỏ vẫn cứ len lỏi sống, len lỏi vươn lên. Mình cũng vậy, len qua nỗi buồn, len qua niềm vui, len qua tất cả mà tồn tại, mà hiện hữu – và hiện hữu đẹp, cho hoa thay vì cho gai!

Tôi học được ở cỏ sự biểu hiện vô tư, an nhiên, kham nhẫn. Bị gió đưa gió đẩy thì cũng chỉ lào xào, đôi khi xao động không thành tiếng, rồi thôi. Ngồi với cỏ, tôi thấy mình như được gột rửa, lắng dịu. Hẳn sẽ vẫn còn đó một cái tôi, nhưng là một cái-tôi-thanh-sạch…, vắng bặt những tạp niệm. Không thể nói mình vô ngã, vì tôi vẫn thấy cỏ là cỏ và tôi là tôi. Nhưng tôi học được bài học về cái cao cả của sự vô danh. Khi không bị mắc kẹt vào quá khứ, không bị trói buộc bởi những tham muốn, ước vọng tương lai, tôi thấy mình chân thật nhất. Tuyệt nhiên không có nỗi buồn hay nỗi day dứt, khổ đau nào. Sự hiện diện của tôi không cần được ghi nhận, và những gì tôi làm không cần được vinh danh…

Niềm kiêu hãnh của cái sự không danh phận là một niềm kiêu hãnh tột cùng, một sự kiêu hãnh không tên. Nhưng cỏ đó, đến cả cái sự kiêu-hãnh-vô-danh cũng không cần. Nên tôi thấy tôi thanh sạch cùng cỏ, bình yên khi ngồi với cỏ. Tôi ngồi với cỏ – trăng lên, kìa vô biên xứ chợt hiền như thơ. Tôi ngồi với cỏ trăng mơ, vô sở hữu xứ bất ngờ diệu tâm. Thấy tôi đang nở đóa rằm, thấy trăng đang dõi âm thầm xuống tôi. Tôi ngồi với cỏ tôi chơi, và tôi-trăng-cỏ thanh thơi một lòng…

Lòng tôi đã bao lần xao xuyến, bao lần xúc động,… để rồi bật khóc trước một đóa hoa dại. Tôi thấy mình bé nhỏ hơn cả loài hoa cao cả vô danh ấy. Trong cô đơn đau khổ, tôi vẫn thèm ai đó han hỏi một câu, hay mong ai đó chìa tay ra cho tôi nắm lấy, cho tôi tựa vào, chẳng màng đến sự tôn nghiêm nào nữa. “Rất có thể ta sẽ gục đầu vào tay ai đó. Trong một chiều mưa rơi. Thành phố sũng đầy nước mắt. Và ta sẽ tan ra… Thành phố một chiều không có tình yêu. Cơn mưa trút vào căn phòng nhỏ. Căn phòng không hình thù. Ta lang thang tìm một bàn tay nào để nắm… (Cho thành phố những ngày mưa – thơ Đỗ Thiền Đăng).

Tôi là thế, nhưng cỏ thì không thế, cỏ tự tìm lấy điểm tựa cho riêng mình mà không mong chờ ai ban cho cả!

Cuộc sống thực ra không dễ dàng gì. Nó vẫn trôi đi, lừng lững, chầm chậm, nhưng mạnh mẽ khủng khiếp. Nó có thể cuốn ta vào một cuộc vui vô hậu, vui bất chấp – để rồi sau đó là một nỗi trống rỗng, giày vò tận cùng; nó cũng có thể nhấn chìm ta vào một nỗi buồn sâu thẳm, một nỗi nhục nhã, bất lực ê chề. Bản chất của cuộc đời là gì ngoài niềm vui sướng và đau khổ? Nên có những khi tôi thấy mình như đang cuống cuồng tìm kiếm hay cuống cuồng trốn chạy. Tìm kiếm cái hài lòng và trốn chạy cái bất như ý. Tôi không an nhiên như cỏ!

Nhưng tất cả những thứ mà tôi tìm kiếm hay trốn chạy đều không có thật, giống như cuộc đời này. Như vậy tôi kiếm đâu ra một điểm tựa? Tôi nghĩ đến hình ảnh Tổ Bồ-đề-đạt-ma suốt chín năm ngồi quay mặt vào vách. Tư thế khác thường đó không phải biểu hiện cho việc quay lưng lại với đời, mà vì ngài chưa tìm thấy một điểm tựa nào vững chãi hơn nội tâm an tịnh của ngài.

*

… Một bữa, sau trận mưa gió dữ dội, cây đu đủ sau vườn chùa gãy ngang thân, đổ rạp xuống; những trái đu đủ còn non xanh văng đầy trên đất. Tôi cúi xuống định nhặt trái lên thì nhận thấy một thảm bình yên cỏ dại vẫn còn nguyên hoa. Chúng không hề hấn gì sau cơn gió dữ. Cây cao thì đổ rạp, cỏ thấp lại bình an. Tự dưng tôi nhận ra bản ngã của mình, càng cao thì càng dễ bị tổn thương, dễ bị đổ gãy. Trèo cao té đau. Bản ngã ưa trèo, chỉ thích ở cao, và càng cao thì té càng đau. Thấp thấp một chút thì bớt đau, mà buông luôn bản ngã thì giải thoát. Bài học thật đơn giản, nhưng cũng thật khó biết bao!

Tôi cúi xuống, cúi xuống thật gần. Chưa đủ, tôi ngồi bệt xuống, rồi tôi nằm hẳn xuống với cỏ. Tôi đã thấp như cỏ và bắt đầu suy nghĩ về cái nhân duyên lạ lùng bởi cái sự rơi xuống của một hạt cỏ, sự nảy lên của một thân cỏ, rồi ra hoa, rồi khoe sắc… Cỏ đã nói với tôi điều gì? Trong cái vô cùng tận của thế giới này, giữa tam thiên đại thiên thế giới này, tại sao tôi lại gặp và nằm xuống bên ngọn cỏ ấy, bên đóa hoa bé bé quê quê ấy,… vừa đúng vào cái thời điểm nó đang trổ hết, dâng hết. Nó đang tận hiến mà không cần ai nhắc đến, không cần tiểu sử, chẳng cần vinh danh.

Tôi mỉm cười khi nghĩ đến hình ảnh lão thi sĩ ngang tàng họ Cao cúi đầu bái lạy đóa hoa mai. Lão thi nhân đã giác ngộ được điều gì chăng? Vừa hay, tôi cũng muốn được quy y cỏ dại, bởi tôi đã nghe trong thân cỏ và trong lòng đất âm âm một nguồn pháp nhiệm mầu. Tự vô lượng kiếp, Đức Phật đã biểu hiện qua vô số dạng thức để hóa độ chúng sinh, trong đó có sông ngòi, ao hồ, suối giếng, núi rừng, cây cỏ… Có khi nào, đám cỏ đang hoa này cũng chính là hiện thân của Phật và Ngài dạy cho tôi bài học về sự cúi xuống, về sự buông bỏ, về sự tận hiến, về Ba-la-mật: Yết đế yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ-đề tát-bà-ha.

Vạn Giã, ngày vía Đức Phật A-di-đà, 2023