Ngoại nhiều con, nhiều cháu mà giờ ngoại cô đơn

Đứa cháu gái chưa bao giờ quên cái dáng ngồi co của bà ngoại nó. Như sáng nay, chạy xe qua phố, thấy một bà già ngồi xo lo ở góc chợ bán mấy thứ lặt vặt. Mọi âm thanh xô bồ, ồn ã của phố xá dừng lại trước mẹt rau của bà già.

Ngoại nhiều con, nhiều cháu mà giờ ngoại cô đơn - Ảnh 1.

Ngôi nhà của ngoại với giàn trầu không và khoảng sân xanh rêu

Nó bất chợt gặp lại những hình ảnh đã từ rất lâu. Thân thuộc. Nhưng xa vợi. Con người ta thật lạ. Khi biết ý thức sự khắc nghiệt của thời gian, những người thân yêu đã thành muôn năm cũ.

Nó trở lại ngôi nhà ngoại rất nhiều năm về trước. Đi qua cánh cổng sắt hoen gỉ thường sẽ thấy ngoại ngồi trên cái ghế đẩu con con. Ngoại xõa mái tóc bạc trắng như cước lấm chấm đen phía chót đuôi như thể phơi ra hết những cô đơn, ngóng đợi. Ngóng ai đó bất chợt rỗi rãi đến thăm ngoại. Nhưng ngoại biết chẳng có đứa con, đứa cháu nào rảnh rỗi.

Chúng có gia đình riêng của chúng, cần lo toan. Những cuộc mưu sinh xa xứ của chúng có khi đằng đẵng vài năm hoặc có thể biết đâu đấy là mấy chục năm. Nhìn ngoại buồn rượi, những nếp nhăn xô nhau trên gương mặt già nua, nhăn nhúm.

Ngoại nhiều con, nhiều cháu. Mà giờ ngoại cô đơn. Ngoại thơ thẩn ngồi tết lại mái tóc phơ phơ bạc rồi chít thành một vòng tròn trên đầu. Tưởng chừng ngoại bện lại hết những cô đơn không cách gì khỏa lấp để nén thật chặt trong lòng.

Niềm vui của người nhà quê thường đơn giản. Với bà Vức bán thịt đầu ngõ, bà hớn hở, niềm nở mỗi ngày khi bán hết cả phản thịt. Bà ngồi gác chân lên ghế đếm tiền xột xoạt.

Với chú Ngọ hàng xóm, niềm vui của chú khi ngày nào cũng nghe tiếng máy xát gạo inh inh tai, quần áo bám đầy bụi trấu. Niềm vui của mẹ là khi bán được cả đàn lợn hay cái bụng của con bò cái ì ạch đến kỳ sinh nở hoặc sau một mùa vất vả, bồ lúa đầy thóc, mẹ chẳng còn thấy đời cơ cực nữa.

Riêng ngoại, niềm vui đơn giản chỉ cần có ai đó đến thăm ngoại, nghe ngoại kể chuyện. Những câu chuyện ngày xửa ngày xưa của ngoại. Ngoại vẫn nhớ, rất rõ, như mới ngày hôm qua. Ngoại thường kể mỗi tối trước khi đi ngủ cho hai chị em nó nghe.

Nhưng đám trẻ mới lớn đâu có thích nghe chuyện của người già. Nào là chuyện từ hồi nạn đói năm bốn lăm, đứa em sau ngoại tức ông trẻ của mấy đứa nó chết vì đói, lâu quá rồi, giờ mất nấm, làm mộ gió cúng vọng thôi. Nào là chuyện từ hồi chống Pháp, chống Mỹ. Làng ta chết nhiều quá.

Ngoại vừa kể, vừa kê tay lên trán như thể nhớ lại những năm tháng đầy đau thương ấy. Con bé vùng vằng: “Bà đừng kể nữa. Cháu không muốn nghe”. Ngoại thở dài. Đứa em gái nằm cạnh ngoại nói nó sợ ma, ngoại chết rồi thành ma thì sợ lắm, không dám ngủ trong nhà này đâu. Ngoại bần thần bảo hai đứa: “Bà chết rồi, đất lấp đầy, biết gì nữa mà bây sợ”.

Sáng nào, ngoại cũng dậy từ rất sớm. Có lẽ khi gà còn chưa gáy, bếp lửa đã bập bùng dưới gian chái ẩm thấp. Tàn tro bếp bay phất phơ bám trên mớ tóc bạc.

Ngoại mắt ướt nhèm khi hai đứa cháu ngủ dậy vội vàng đạp xe về nhà nó cách nhà ngoại chừng nửa cây số mà không thèm để ý ngoại đã vất vả chuẩn bị cho tụi nó mấy món ăn sáng, cũng không hề ngoái lại nhìn khói cay mắt ngoại.

Đi quanh một đời người, bằng cách này hay cách khác, con người luôn làm tổn thương nhau. Người lớn làm tổn thương con trẻ bằng những câu mắng nhiếc thậm tệ khi chúng làm trái ý hoặc khi chúng học hành không bằng con nhà người ta.

Ngoại hay tủi thân. Có lẽ người già thường thế. Ngoại sống một mình nên dễ cô đơn, nghĩ ngợi. Ngoại luôn để cánh cổng sắt không khóa chỉ để chờ đợi, nghe tiếng xe đạp lộc cộc của hai đứa cháu gái qua ngủ cùng ngoại.

Nhưng nhiều hôm, con bé càu nhàu với mẹ, nó không muốn qua nhà ngoại. Nó bày đủ lý do. Sang nhà ngoại, nó không tập trung vào bài học được dù nhà ngoại tận trong xóm rất yên tĩnh.

Ngoại trồng một giàn trầu không. Ngày nào cũng thấy ngoại bỏm bẻm nhai trầu. Những dây trầu xum xuê bám trên tường vôi cũ, nhằng nhịt trên sân gạch rêu xanh. Ngoại muốn để những nỗi khuây khỏa tuổi già lấp đầy khoảng sân trước nhà.

Căn nhà ngói năm gian, cũ kỹ mà ngoại vẫn thường kể ngày xưa ấy ông bà còng lưng đúc từng viên gạch xây nhà. Mấy chục năm qua đi, ông ngoại đã về với đất. Căn nhà vẫn đứng vững dẫu đã bạc màu thời gian.

Đứa cháu gái nhớ cái dáng khom khom chống gậy của ngoại bước xuống bậc thềm. Lần đó, sức khỏe ngoại yếu. Bác gái đón ngoại về ở chung. Ngoại nhớ nhà, nhất định đòi về. Ngoại quen rồi, quen đến từng viên gạch bám rêu trên sân đã nứt khi nào, từng cây cỏ dại theo kẽ nứt mà vươn lên, lan đầy sân.

Ngoại rớt nước mắt, lụi cụi nhổ từng nhánh cỏ dại li ti. Ngoại bảo sân nhà mọc đầy cỏ dại có nghĩa là người không còn, nhà bỏ hoang. Nhà cần có hơi ấm của ngoại cũng giống như ngoại cần có những mảnh xưa cũ, thân thuộc của ngôi nhà. Con người ta dù có đi bất cứ đâu sẽ chẳng bao giờ rời xa được những thứ đã trở thành một phần máu thịt của mình.

Nó đến bên gánh hàng ế ẩm của bà già nọ, mua hết mấy thứ đồ lặt vặt. Bà nhìn nó, móm mém cười. Nó bất giác gọi: “Ngoại ơi”. Nó hiểu những điều đã qua không bao giờ trở lại được. Hình bóng ngoại và khoảng sân xanh rêu đầy cỏ dại đã ở lại trong miền ký ức xưa cũ nào đó, xa, thật xa, không thể trở về. Chỉ còn khắc khoải một miền nhớ thương.

ĐỖ NGỌC BÍCH