Nghiệp cần được hiểu như thế nào?
Mỗi người hiểu về nghiệp theo mỗi kiểu khác nhau tùy vào nhận thức và trải nghiệm bản thân, nhưng phần lớn vẫn chịu ảnh hưởng của cách hiểu trong dân gian về khái niệm của từ này.
Theo đó, hầu hết mọi người đều chấp nhận nghiệp như là một định nghiệp hơn là một năng lượng hành hoạt của tâm thức. Họ thường nói “tôi khổ là do nghiệp của tôi” như thể nghiệp quá khứ hoàn toàn thống trị đời sống hiện tại và cả tương lai của mình. Nếu vậy, Đức Phật chẳng thể đóng góp được gì đối với việc chuyển hóa khổ đau của mỗi người. Sự thật, sự đóng góp của Đức Phật và đạo Phật cho nhân gian này quá lớn lao, trong đó có sự đóng góp của học thuyết về nghiệp. Do vậy, ta cần nhìn lại để xác định đâu là ý nghĩa đích thực của giáo lý nghiệp theo lời Phật dạy.
Nghiệp thường được hiểu theo khái niệm “nông nghiệp”
Rằng ai muốn biết nhân xưa,
Hãy xem hoàn cảnh bây giờ chịu đây.
Muốn biết quả báo sau này,
Xem điều tội phước ta nay đang làm.
Nếu nói rằng ta gặt những gì đã gieo, có lúc ta thấy nhiều lúc dường như trái ngược với những gì ta chứng kiến và trải nghiệm trong cuộc sống. Ta hành động với tâm lành, ví dụ ta biếu vài đồng tiền lẻ để vào bát của một người đi xin và đó là tất cả những gì ta có trong lúc ấy với trọn tâm lành, người ấy quay lại mắng ta “nhìn người sáng sủa bảnh bao vậy mà sao keo thế, có mấy đồng tiền lẻ thôi à?”.
Làm sao để giải thích sự “trái ngang” có vẻ như không theo một quy luật nào cả thế này, trong khi đó, những gì ta biết về nhân quả là một quy luật? Vấn đề là ở chỗ, nếu ta nhìn sự vận hành của luật nhân quả theo kiểu “nông nghiệp”, thì yếu tố thời gian mang tính quyết định từ khi gieo nhân đến lúc hái quả. Hạt giống xuống đất, sau một thời gian nhất định, ta thu hoạch vụ mùa. Ta cũng nghĩ rằng khi tạo tác một hành động thiện ác nào đó, sau một thời gian nhất định ta tự quy định theo cảm tính của mình, ta mong có được kết quả. Nếu chưa thấy có kết quả, ta vội nghi ngờ có điều “không ổn” với luật nhân quả, tệ hơn nữa là kết nhận luật nhân quả không đúng hoặc không có mặt để chi phối hành động và kết quả hành động như Đức Phật đã dạy.
Vậy Đức Phật thật sự nói về giáo lý nghiệp là gì?
Nghiệp là tác ý
Thay vì cứ chăm chăm nhìn nghiệp là kết quả của hành động tạo tác trong quá khứ, Đức Phật chuyển hướng, mở ra cho chúng ta một lối nhìn mới vào giáo lý nghiệp. Ngài nhấn mạnh, nghiệp là tác ý. Hành động nào do tâm ý làm động cơ – ở mức độ ý thức cũng như ở tầng sâu hơn của tiềm thức và vô thức – đều tác thành nghiệp. Câu kinh có thể gọi là “tuyên ngôn” về giáo lý nghiệp được trích dẫn nhiều nhất là: “Ta là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Phàm nghiệp nào ta sẽ làm, thiện hay ác, ta sẽ thừa tự nghiệp ấy” (Tăng chi bộ kinh, chương Năm, phẩm VI, kinh số 57 : Sự kiện cần phải quán ; Tăng chi bộ kinh, chương Năm, phẩm XVII, kinh số 161: Trừ khử hiềm hận). Khái niệm nghiệp được hiểu là hành động thiện ác và quả báo tương ứng vốn đã có trong truyền thống Bà-la-môn từ lâu rồi, cái mới của Đức Phật là chỉ ra tầm quan trọng của tâm ý với vai trò động cơ và động lực trong quá trình tạo nên hành động ấy, chứ không phải bản thân hành động. Nói cách khác, Đức Phật đặt tầm quan trọng của người chỉ huy, lãnh đạo và điều động chứ không phải người thực hiện công việc.
“Này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng suy tư là nghiệp; sau khi suy tư, tạo nghiệp về thân, về lời, về ý”. (Tăng chi bộ kinh, chương VI, phẩm VI, kinh số 63). Trong ba loại thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp thì ý nghiệp đóng vai trò quan trọng nhất (Trung bộ kinh số 56: Kinh Ưu-bà-ly). Chính tầm quan trọng của tâm trong quá trình tạo nghiệp nên Đức Phật dạy Rahula hãy luôn luôn phản tỉnh trước khi làm một nghiệp nào đó về thân, khẩu hay ý. Ngài nói “này Rahula, sau khi phản tỉnh nhiều lần, hãy hành thân nghiệp. Sau khi phản tỉnh nhiều lần, hãy hành khẩu nghiệp. Sau khi phản tỉnh nhiều lần, hãy hành ý nghiệp.[…] Hành động nào có thể đưa đến tự hại, có thể đưa đến hại người, có thể đưa đến hại cả hai; thời nghiệp này là bất thiện, đưa đến đau khổ, đem đến quả báo đau khổ, ta nên tránh” (Trung bộ kinh số 61: Kinh Giáo giới Rahula).
Viêc gi cũng do tâm dẫn đầu, tâm điều khiển, tâm tạo. Nếu một người nào đó nói hay hành động với tâm thanh tịnh, hạnh phúc sẽ theo sau như bóng không rời hình. (Pháp cú kệ số 2)
Tác ý là nghiệp được Đức Phật nhắc đi nhắc lại vô số lần trong các bài giảng của Ngài được ghi lại trong kinh điển, đủ biết đây là ý nghĩa nòng cốt nhất của giáo lý nghiệp trong hệ thống giáo lý của Ngài. Nếu ta hành động về thân, miệng và ý với chủ tâm càng bất thiện, như tham, sân và si, chính bản thân mình càng chịu nhiều độc hại, khổ đau, bất kể những gì đến với mình từ bên ngoài. Nếu ta hành động với chủ tâm thiện, như từ bi và trí tuệ, tâm ta được mạnh mẽ, bao dung hơn, kiên nhẫn hơn và nhờ đó, ít bị tổn thương hơn, tâm an lạc, thảnh thơi, hạnh phúc, bất kể những gì xảy đến với mình từ con người và môi trường bên ngoài.
Có khi người ác có thể may mắn và giàu có
Đức Phật chú trọng vào vai trò của chủ ý, chỉ đạo và thủ lĩnh của tâm ý hơn là hành động và các tình huống bên ngoài, điều này mở ra cho chúng ta một lối nhìn mới, nhận thức rõ rằng, không hẳn sống thiện gặp thiện lành, mà người ác có thể may mắn, giàu có. Đúng vậy, với thủ đoạn, lọc lừa, với xảo trá điêu ngoa, với cách sống chụp giựt, những người này có thể làm giàu không chính đáng một cách dễ dàng. Thế nhưng, dù sống với khối tài sản lớn, quyền thế lớn, tâm hồn họ không lúc nào được thanh thản, hạnh phúc an vui mà bao khổ đau, lo sợ, bất an vây bủa. Đó là chưa kể quả báo tương ứng từ những hành nghiệp ấy, chắc chắn sẽ đến và khi nào đến, chỉ là vấn đề thời gian mà thôi.
Điều này cũng có nghĩa khi ta hành động với chủ tâm thiện lành, không có nghĩa ta tránh được những tai ương, rủi ro, khó khăn trong cuộc sống ngay tức thời, nhưng có một điều chắc chắn rằng, dù bất cứ điều gì đến với mình, tâm ta thanh thản, nhẹ nhàng và an ổn. Còn quả báo tốt đẹp từ nhân thiện lành, không cầu cũng đến khi đúng thời điểm của nó. Khi tâm ý thiện lành làm động cơ cho các tạo tác về thân, miệng và ý, ta có nội lực nhiều hơn, vững chãi hơn để duy trì tâm ở trạng thái cân bằng, ít chao đảo, nhờ đó tâm bình thản và không hao tốn năng lượng để kềm chế và làm lặng đi những xung động trong tâm thức. Tâm an ổn là tâm tự tại, hạnh phúc, an vui. Vậy mới biết khổ vui là trạng thái chủ quan của tâm chứ không phải do hoàn cảnh đem lại. Giàu có, tài sản nhiều chưa hẳn là hạnh phúc và nghèo nàn chưa chắc đã là khổ!
Là con người, như mọi sanh linh khác, ta già đi, đau đớn trong bệnh tật và kết thúc một giai đoạn sống bằng cái chết. Bệnh là một phần của sự sống, là sự thay đổi, già nua của thân ngũ uẩn vật lý này. Chết cũng là một phần sự sống, là bản lề giữa kiếp sống này và kiếp sống khác, có gì xấu ở đây mà quy cho nó là kết quả của một nghiệp xấu ác? Bệnh, chết, dù xảy ra ở thời điểm nào trong cuộc đời mình, cũng không phải là nghiệp xấu; phản ứng tiêu cực, kháng cự và không chấp nhận những sự thật khách quan này mới là đang tạo nghiệp xấu. Ta không có quyền chọn lựa không già, không bệnh, không chết. Điều ta chọn lựa một cách khôn ngoan là thái độ ta đón nhận những sự thật này như thế nào để thân bệnh mà tâm không bệnh, thân mất mà tâm tiếp nối chuyển giao nhẹ nhàng từ kiếp này sang kiếp khác. Thay vì kháng cự, ta thỏa hiệp, thuận theo; thay vì oán trách và muốn nó khác đi, ta nên khách quan nhìn nó là một quy luật đi ngang qua mọi sự vật hiện tượng, trong đó có bản thân mình, cuộc sống mình cũng như cuộc sống bao người thân quanh ta.
Các định luật nhân quả
Trong các bản luận tạng, sớ giải các kinh như Sớ giải kinh Trường bộ (chú giải kinh Đại bổn), Sớ giải bộ pháp tụ (chú giải Pháp tập luận), Nhập A-tỳ-đạt-ma luận (tóm tắt A-tỳ-đạt-ma), các luận sư cho rằng, Đức Phật không chỉ dạy định luật nhân quả mà còn nói định luật này rất chi tiết, rõ ràng về sự thể hiện ở các cấp độ khác nhau vận hành trong vũ trụ.
Cấp độ căn bản và đơn giản nhất là định luật vật lý (Utu Niyāma), liên quan đến tiến trình của những sự vật vô cơ, các hiện tượng vật lý như thời tiết, mưa, gió, nóng, lạnh. Ví dụ trời mưa thì lạnh, nắng thì nóng cũng là một dạng thức sơ đẳng của nhân quả. Những thiên tai như bão lụt… không phải là quy luật của nghiệp báo. Khoa học có các môn học nghiên cứu về quy luật nhân quả này như vật lý, hóa học hoặc khí tượng học.
Định luật tâm lý (Citta Niyāma) là định luật nhân quả về tâm, tâm lý như ý niệm, ý tưởng, tưởng tượng, hồi ức, trí nhớ, tư tưởng, trực giác và những kết quả tương ứng. Những trạng thái tâm lý, những diễn biến tâm lý nội tâm theo trình tự nhân quả tương quan đưa đến phán đoán, nhận thức, suy luận, chi phối sinh hoạt hữu thức hay vô thức của con người đều thuộc phạm vi của định luật này.
Một định luật nhân quả chi phối con người ở phương diện xã hội và đạo đức là định luật nghiệp (Kamma Niyāma). Mỗi người đều có những trải nghiệm sinh động về quy luật nhân quả này: nếu tác ý thiện, thì kết quả tương ứng là thiện, nếu tác ý ác, kết quả tương ứng là ác. Đức Phật dạy, “tác ý là nghiệp và nghiệp được thể hiện qua ba phương diện: ý nghĩ, lời nói và hành động” (Tăng chi bộ kinh, chương VI, phẩm VI, kinh số 63). Như vậy, chủ ý của tâm là yếu tố quyết định trong cơ chế vận hành của quy luật này. Tự kiểm chứng lại những trải nghiệm của bản thân, ta thấy: Khi tâm tác ý thiện thì thân tâm thư thái nhẹ nhàng, an vui…., khi các tâm sở bất thiện có mặt thì thân tâm ta nặng nề, bất an, nóng nảy, trì trệ, bối rối, bất an….
Định luật quy pháp (Dhamma Niyāma) là định luật nhân quả bao quát và toàn triệt nhất về sự vận hành của vạn pháp trong thế giới hữu vi. Định luật này bao gồm tất cả các quy luật vận hành của thế giới tự nhiên và xã hội. Mọi pháp hữu vi đều thay đổi, đều mang tính cấu thành không có chủ thể và cùng nương nhau tồn tại trong mối liên hệ duyên sinh: do cái này có, nên cái kia có; do cái này không, nên cái kia không. Do cấu thành, nên vạn pháp thay đổi; do thay đổi, mà không có một thực thể cố định. Do thay đổi là bản chất, ai cố chấp cho là thường còn là tự chuốc lấy khổ đau…
Như vậy, về phương diện đạo đức và luân lý xã hội, trong năm quy luật nhân quả trên, con người chỉ có thể can thiệp vào định luật nghiệp. Với chủ tâm, động cơ và động lực con người đặt vào trong hành động mà kết quả tương ứng được tạo thành. Trên hành tinh này chỉ có con người mới có khả năng tự định hình trong tâm về hành động mình sắp làm một cách có ý thức đầy đủ để đưa đến kết quả mình có thể dự liệu được, nên Đức Phật gọi con người là loài tối thắng giữa các loài hai chân. Định luật nghiệp mở ra một không gian thoáng đãng cho chúng ta phản ứng, tự sắp xếp, điều chỉnh những tập khí của thân, miệng và ý. Cái quý giá nhất của đời sống con người là tiềm năng của mỗi cá thể mà chính bản thân người ấy cũng không thể hiểu hết. Như vậy, định luật nghiệp là cơ chế nhân quả vận hành từ trong tâm ra đến thân, từ phương diện đạo đức đến xã hội, đã được Đức Phật chỉ ra và nhấn mạnh. Chính định luật này mở ra cơ hội cho mỗi người chúng ta phát huy tối đa tuệ quán của mình đến mức cao nhất và tất nhiên là chịu trách nhiệm hoàn toàn về cuộc đời mình.
Thay lời kết
Trong năm định luật trên, đã có bốn định luật xảy ra theo tiến trình nhân quả khách quan chứ không theo nghiệp báo ứng tùy vào sự tác ý chủ quan trong tâm thức con người. Những hành động và phản ứng tâm lý có ý thức, mang tính đạo đức, luân lý (thiện-ác, tốt-xấu…), những quyết định, những chủ đích, những hành động có đầu tư ý chí của mỗi cá nhân mới tạo ra sự báo ứng của nghiệp. Như vậy, chúng ta cần hiểu và phân biệt rõ đâu là nhân quả khách quan, đâu là nghiệp báo chủ quan. Phạm vi của các định luật nhân quả khách quan rất rộng lớn. Nếu chúng ta không thấu triệt dễ sinh ra ngộ nhận, cái gì cũng đổ thừa cho nghiệp thì không chính xác, lại tạo tâm lý nặng nề khi nghi ngờ về giáo lý nghiệp mà mất phương hướng và động cơ để chuyển hóa trong cuộc sống.
Nếu nói rằng tất cả mọi thứ đều là nghiệp của mình nghĩa là ta đơn giản hóa cuộc sống sinh động này thành một màu đơn điệu trên một trục nhân-quả diễn ra trên mặt phẳng của không gian có thể quan sát và thời gian có thể tính đếm mà thôi. Làm như vậy, ta đồng thời “vô hiệu hóa” các định luật nhân quả khách quan của vật lý, chủng tử, vạn pháp và tâm lý mà chỉ thấy sự vận hành của mỗi một định luật nhân quả của nghiệp mà thôi. Thật ra, quy luật của nghiệp nhân và nghiệp quả chỉ là một trong năm định luật tác động, vận hành vạn pháp trong vũ trụ.
Quá trình “lọc máu cho tâm” mới chính là hành trình tạo nghiệp thiện của mình vậy!
Hằng Như