Nghiệp báo của việc sát sinh

Hầu như mỗi ngày, bà người Mỹ gốc Hoa lớn tuổi ấy đều đến ngôi chùa ở San Francisco, vội vàng lễ Phật, đốt nhang, cúng dường thực phẩm trên bàn thờ, quét dọn chung quanh chùa rồi hấp tấp ra về.

Sau khi quan sát thông lệ này qua nhiều năm và khi bắt đầu biết bà nhiều hơn một chút, một ngày nọ tôi mới ngỏ lời khen bà về lòng mộ đạo và sự thành tâm của bà.

“Ồ không phải đâu, không phải đâu!”, bà trả lời. “Ông không biết chứ vợ chồng chúng tôi có cơ sở làm ăn ghê sợ lắm. Vị sư ở đây, là người thầy tâm linh của chúng tôi, đã nói với tôi là chúng tôi nên bán cơ sở làm ăn này đi nếu không thì sẽ phải gặp quả báo ghê gớm, nhưng chúng tôi cũng chưa thể nào rời bỏ cơ sở làm ăn này được. Tôi chỉ cố gằng làm chút ít công đức nhưng tôi biết là vẫn chưa đủ”.

Rồi sau đó tôi mới biết vợ chồng bà làm chủ một cửa hàng đặc sản nổi tiếng về gà vịt quay ở khu phố Tàu. Họ đã phát tài với công thức nấu nướng đặc biệt có việc giết tươi các con vật ngay trước khi đưa chúng vào ngọn lửa nướng, cho nên thịt chúng đặc biệt tươi và ngon ngọt hơn.

 

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Chỉ một vài tuần sau cuộc trò chuyện đó, ngôi nhà sang trọng của họ tại khu vực Marina (gần biển) đã bị bốc cháy trong đêm khuya. Các ổ khóa cửa chính và song sắt cửa sổ vốn được gắn để bảo vệ chủ nhà và tài sản quý giá của họ đã làm chậm buớc tiến của đội cứu hoả. Những người lính cứu hỏa đã tìm thấy hai vợ chồng tụm vào nhau ở phía sau căn nhà và bị nướng đến chết. Trận hỏa hoạn chết người 13 năm về trước cho thấy rõ ràng, đối với những người theo đạo Phật, hệ thống nhân và quả gọi là nghiệp báo.

Phật giáo, tôn giáo lớn nhất ở Trung Hoa, được hiện diện rõ nét trong cộng đồng người Mỹ gốc Hoa tại San Francisco. Giáo lý căn bản của Đạo Phật dạy nên tôn trọng tất cả sanh mạng và tôn trọng hệ thống đạo đức dựa trên tương quan nhân quả giữa hành động của cá nhân và những điều trải qua sau này.

Mặc dù các thương gia ở phố Tàu tham gia giết hại loài vật sống đã cố gắng dùng nền tảng văn hóa của họ để bào chữa cho việc làm của họ, nhưng họ chỉ trình bày quan điểm một chiều. Trung Hoa vốn có một truyền thống văn hóa lâu đời về quyền của loài vật, truyền thống đó trên căn bản là truyền thống của Phật giáo nhưng không nhất thiết là chỉ riêng của Phật giáo. Vì vậy việc giết hại các loài vật cũng thật ghê tởm đối với rất nhiều người Hoa và người Mỹ gốc Hoa. Thật vậy, đã có rất nhiều người đến gặp riêng tôi và nhờ tôi trình bày quan điểm của họ một cách công khai. Vấn đề căn bản trong việc giết hại các loài vật là làm sao chúng ta có thể biện hộ cho hành động tạo nên đau đớn khổ sở tột cùng như vậy. Các lập luận truyền thống của Phương Tây cho rằng loài vật không thật sự bị khổ đau vì chúng không có linh hồn. Lập luận này hoàn toàn khác ngược với những kinh nghiệm bản thân của chúng ta với loài vật nên rất ít người thật sự tin vào lý luận đó.

Theo truyền thống Phật giáo Trung Hoa thì ngay cả những hình thức loài vật thô sơ nhất cũng có nhận thức, cảm biết đau đớn, và có tiềm năng để giác ngộ trong tương lai. Nếu chúng ta hành hạ chúng và không tôn trọng quyền sống trọn cuộc đời tự nhiên của chúng thì chúng ta sẽ thọ nhận hậu quả nghiệp báo đau khổ.

Sự hiểu biết nhiều nền văn hóa là điều thiết yếu cho sự sống hòa hợp trong cộng đồng chúng ta. Tuy nhiên, những người đồ tể sát hại loài vật tươi sống ở phố Tàu cần nhận thức rằng một thành tố quan trọng trong nền văn hoá của họ cũng bài bác việc làm của họ. Một vị thánh nhân Trung Hoa có viết:

Tất cả chúng sanh – loài người hay loài vật

Đều muốn sống và sợ chết

Đều sợ nhất là lưỡi dao người đồ tể

Chém cắt thân thể ra từng mảnh nhỏ

Thay vì tàn nhẫn và độc ác,

Tại sao không ngưng giết hại và trân quý mạng sống?

Dịch từ bài viết Animals for Dinner: A Karmic Tale của GS Ronal Epstein