Nghĩ từ việc Giáo hội kỷ luật tu sĩ: Giữ hình ảnh Phật giáo trong cộng đồng
Việc xử lý tu sĩ sai phạm nằm trong khuôn khổ quy định của Hiến chương Giáo hội cũng như nội quy Ban Tăng sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, phù hợp luật Phật và được xem là động thái rất cần thiết của Giáo hội. Tất nhiên, với người phật tử và những ai yêu mến đạo Phật, đón nhận thông tin xử lý tu sĩ, nhất là vị thầy mình từng yêu mến sẽ luôn là nỗi buồn. Nhưng khi một người có những sai phạm, gây ảnh hưởng không tốt đối với cộng đồng, xã hội, chắc chắn sẽ phải bị điều chỉnh. Kỷ luật khi đó là một tiếng chuông nhắc nhở đương sự và cả những người khác, nhằm soi rọi lại mình trên mọi ứng xử, lối sống, để trở nên phù hợp nhất với vai trò mình đang nhận về, phát nguyện chọn lấy.
Trong bất kỳ tổ chức nào cũng sẽ có người tốt và người chưa tốt, có người ít phạm lỗi và người phạm nhiều lỗi đến mức phải thi hành kỷ luật. Để ổn định tổ chức và nhân tâm, những quyết định kỷ luật, thanh lọc phải được ban hành, điều mà người đứng đầu nào cũng thấy khó khăn, cân nhắc. Ngay trong gia đình, chỉ một vài thành viên, đôi khi ông bố nghiêm khắc cũng phải ra quyết định xử phạt đứa con chưa tốt, không phải vì ghét bỏ mà đó vẫn là tình thương. Một tu sĩ có thể sai nhưng cả một tổ chức sẽ luôn có những vị thánh tăng, hiền tăng đang nỗ lực phụng hiến cho cuộc đời, đáng để ta nương tựa tinh thần.
Lịch sử hàng ngàn năm đã chứng minh, Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc, thăng trầm cùng đất nước.
Thời chiến loạn, nhà sư có khi còn cởi áo cà sa để khoác chiến bào. Thời bình, người tu sĩ, phật tử chân chính dấn thân vào đời với phương châm tốt đạo, đẹp đời. Vì hiểu rõ lý duyên sinh nên người con Phật chọn lẽ sống hài hòa, từ con người, muôn loại đến môi trường, tất thảy đều biết ơn, yêu thương. “Phụng sự chúng sinh là thiết thực cúng dường chư Phật”.
Lời dạy này đã được tăng ni, phật tử ứng dụng vào công tác từ thiện xã hội, mỗi năm thực hiện an sinh trên nhiều mặt hoạt động: tặng quà, cứu trợ đồng bào bị thiên tai, khám chữa bệnh cho người nghèo, góp vào các nguồn quỹ do Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp phát động…
Còn nhớ, thời điểm đại dịch Covid-19, tăng ni, phật tử không ngại nguy khó khoác áo blouse vào tâm dịch, tổ chức trao lương thực, thực phẩm cho những khu cách ly, vùng phong tỏa…
Trở lại với việc kỷ luật tu sĩ. Đó chỉ là một vài cá nhân trong số hàng chục ngàn tu sĩ Phật giáo sống thiện lành và đang chung sức xây dựng cuộc đời bằng lòng từ bi, trí tuệ của người học Phật. Do vậy, đâu đó, tăng ni, phật tử lại nhắc nhở nhau sống đạo, thắp sáng đèn thiền để nối gót tiền nhân, theo Phật, sống thiện sống lành như tổ tiên ngàn năm…
Cư sĩ Lưu Đình Long- nguồn Sài Gòn Giải Phóng