Nghĩ rồi thôi

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1239 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Lâu lắm rồi tôi không có cảm giác nhớ nhà. Không phải vì quá bận, không phải vì phai nhạt tình cảm với gia đình, không phải vì vô tâm vô tứ,…

 

Tôi thử hơn một lần tìm lý do cho điều đó nhưng không có lý do gì cả. Chính xác hơn là không tìm ra được cho mình lý do thỏa đáng nào. Chỉ đơn giản là lâu lắm rồi tôi không có cảm giác nhớ nhà.

Lâu lắm rồi. Có những thứ mà lâu lắm rồi tôi chưa lặp lại. Tất cả chúng ta ai cũng có những điều đã làm và lâu lắm rồi chưa làm lại, những nơi đã đến và lâu lắm rồi chưa đến lại, những người đã gặp và lâu lắm rồi chưa thấy đâu,… Đôi khi dù được nhắc nhở rằng có cơ hội thì hãy đi đi, gặp đi, làm đi, biết đâu lại không có lần sau nữa. Biết là vậy, nhưng có một mãnh lực nào cứ kéo rời tôi ra khỏi những điều đó. Càng lớn lên thêm, những mãnh lực vô hình ấy càng nhiều. Ví dụ như…

Hồi còn sinh viên, mỗi lần đi từ Sài Gòn về nhà, phương tiện duy nhất của tôi là tàu hỏa. Thứ phương tiện với xác suất an toàn hơn xe khách và rẻ tiền hơn máy bay. Nguyên nhân chủ yếu là điều kiện không cho phép tôi lựa chọn khác. Bốn năm đại học, đi đi về về giữa gần một ngàn cây số, tôi đã kịp thử qua hết đủ mọi loại tàu, đủ mọi hạng tàu.

Tàu TN với băng ghế gỗ cứng ngắc, ghế nhựa kê thêm dọc lối đi. Vé tàu rẻ. Khách đa phần là dân lao động nghèo. Toa tàu ken đặc người và đồ đạc. Ngồi trong toa, gió và nắng từ bên ngoài lùa thẳng vào qua lớp cửa lưới. Ban đêm, khách lót chiếu lót báo nằm ngủ tràn ra từ trên ghế cho tới sàn tàu, có người còn nằm cả dưới gầm ghế.

Tàu SE sang hơn, có ghế nệm, cửa kính, điều hòa, có cả toa giường nằm. Chỗ ai nấy ngồi. Thời đó, tôi hay đi tàu này vì giá vừa phải. Mỗi tội cái ghế lúc nào cũng ngắn hơn cái lưng tôi, khoảng ghế lại hẹp, ngồi vài tiếng người cứng đờ, nhức nhối.

Đi tàu, vừa là một cuộc hành xác, vừa là một cái thú tiêu khiển đặc biệt. Hồi đó, tôi luôn chọn những chuyến tàu khởi hành từ Sài Gòn lúc tối để đến Đà Nẵng vào trưa hôm sau. Giấc ngủ trên tàu luôn gián đoạn, chập chờn, bồng bềnh và luôn phải bù lại bằng một giấc ngủ trái giờ, khi đã yên vị ở nhà, trong căn phòng cũ của mình vào ngày hôm sau.

Thế nhưng, tôi vẫn luôn thích những chuyến tàu đêm. Những chuyến tàu đêm luôn bớt dài đi hơn những chuyến tàu chạy ban ngày. Hồi ấy, mong muốn duy nhất chỉ là nhanh tới nhà, nhanh thoát khỏi toa tàu ngai ngái một thứ mùi đặc trưng. Mùi tàu hỏa là thứ mùi kỳ lạ. Nó hỗn mang, với vô số thứ mùi trộn lẫn, mùi mồ hôi, mùi đồ ăn thức uống, mùi lưu cữu lâu năm của những chiếc ghế bọc vải cũ, mùi khai theo gió dội vào từ khoang vệ sinh đặt đầu toa mỗi khi mở cửa. Thứ mùi rung lắc theo nhịp xập xình toa tàu, đong đưa theo nhịp bước của những người di chuyển giữa hai hàng ghế.

Một năm đôi lần di chuyển, tôi dần học cách thích nghi với những chuyến tàu đêm, thích nghi với những giấc ngủ chập chờn, học cách giết thời gian qua mỗi hành trình. Hồi ấy điện thoại tôi chưa có 3G, 4G, tôi bèn mang theo sách. St. Exupéry rồi Paul Theroux với câu chuyện về những cuộc du hành, trên cánh máy bay và trên chính con tàu. Những dòng chữ trôi qua trước, trong ánh sáng đèn hiu hiu của khoang tàu, tiếng loa phát thanh đều đều nhàm chán mỗi lúc tàu vào ga, thỉnh thoảng chen giữa bản nhạc Tàu anh qua núi của cô Ánh Hoa luôn luôn chưa kịp hát hết bài đã bị ngắt đột ngột khi tàu lăn bánh tiếp. Những dòng chữ trôi qua theo tiếng tàu xập xình đều đặn. Có khi mỏi mắt, gấp sách, nhìn ra cửa sổ, tôi bắt gặp ánh trăng rằm sáng rỡ và sao lấp lánh giữa bầu trời mênh mông. Ánh trăng rọi xuống, tráng bạc những mảng núi non lô xô, lấp loáng hồ ao, vẽ nên những hình thù cây cối kỳ dị.

Hay đôi lúc toa tàu lượn qua một góc sườn núi, rồi thình lình biển hiện ra trước mặt, lấp lánh ánh sáng bạc, nhấp nhoáng ánh đèn tàu cá ngoài khơi xa. Hoặc có lần tàu chạy ngang qua cánh đồng thanh long, hàng triệu bóng đèn vàng thắp bừng lên một vùng bình địa mênh mông, hắt sáng rực vào cả khoang tàu. Rồi tàu lướt đi qua, ánh sáng mất hút, đêm lại tối đen. Trăng lại hiện ra, chen giữa triệu triệu vì sao nhấp nháy giữa một vùng mênh mông tối thẫm, đoàn tàu như chạy theo bóng trăng, hay bóng trăng chạy theo đoàn tàu?

Tàu đi trong đêm, lướt qua thẫm tối của rừng, mênh mông của đồng, rì rào sông biển, thảng hoặc ánh sáng của tụ lạc, quần cư, cảnh này nối tiếp cảnh kia, lúc nhanh, lúc chậm. Chuyến tàu mang tôi ra khỏi thành phố nhộn nhịp, trước khi kịp mang tôi quay về thành phố kém nhộn nhịp hơn, đã thảy tôi vào hành trình của đêm đen như bất tuyệt, với những thứ khó tìm thấy ở điểm khởi đầu hay kết thúc. Chuyến tàu đủ dài để cho đám lữ hành mang cảm giác mong tới ga, chờ đợi khi kết thúc hành trình, để đến đích, về nhà. Tôi ngồi trên tàu, nhìn đêm trôi, rồi ngày tới, đi qua những Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, và đến nhà. Đích đến là nhà, là điểm kết lại của mong chờ.

Lâu lắm rồi tôi không có cảm giác nhớ nhà. Không phải vì tôi không còn yêu cái nhà của mình, mà đơn giản chỉ là không thấy nhớ. Đừng hỏi lý do vì tôi cũng không biết.

Lâu lắm rồi tôi không đi tàu. Khi đã đi làm, có thu nhập đủ để đi máy bay, tôi luôn chọn cuộc hành trình vỏn vẹn một tiếng đồng hồ với phương tiện ấy hơn là kiên nhẫn với chuyến tàu chầy đêm đến ngày. Nhưng khi rút ngắn hành trình của mình lại trong sự tiện nghi, tôi bỗng không còn bao nhiêu hứng thú để đọc Exupéry hay Paul Theroux. Tôi ngủ, bỏ mặc xung quanh.

Đôi lúc, bất chợt, tôi nhớ những chuyến tàu băng dài qua đêm mà mình đã đi. Đi qua những đêm dài trôi cùng trang chữ của Exupéry, của Paul Theroux trong một chuyến hành trình để mơ về đôi ba chuyến hành trình khác; trong tiếng xập xình của bánh sắt, tiếng xì xầm chuyện trò và mùi ngai ngái; trong thứ ánh sáng nhợt nhạt và thi thoảng gác sách vì mỏi mắt, chuếnh choáng nhìn qua cửa kiếng, bắt gặp ánh trăng soi đầu lên những hình thù không rõ địa danh… Đôi lúc, bất chợt, tôi nghĩ đến việc muốn ra ga mua vé lên tàu và lặp lại hành trình bản thân từng nhiều lần trải qua, để về nhà. Nhưng cũng chỉ tới đó, hơn vài lần nghĩ rồi thôi. Làm như con người ai cũng vậy, đến khi càng lớn lại càng nhiều thêm những lần nghĩ rồi thôi.

Đến một lúc, để lặp lại những điều mà mình từng làm một cách rất dễ dàng, có phải người ta cũng cần đến một ít động lực và nhiều hơn quyết đoán?