Nghệ thuật làm dịu cơn giông bão
Nếu bạn biết cách thực tập, bạn sẽ có thể làm phát sinh năng lượng của vững chãi, và bạn có thể cầm tay một người khác để truyền cho người ấy năng lượng vững chãi của bạn. Bạn có thể giúp người ấy vượt qua được cơn giông bão; biết đâu có thể bạn cứu sống được một mạng người.
Khi một cơn giông tố đến, nó ở một thời gian, rồi nó đi. Một cảm xúc cũng giống như thế, nó đến, nó ở lại một lúc, rồi nó đi. Một cảm xúc chỉ là một cảm xúc. Chúng ta không chết vì một cảm xúc. Chúng ta mạnh hơn một cảm xúc nhiều. Vậy khi bạn để ý biết một cảm xúc bắt đầu đi lên, thì điều quan trọng là bạn ngồi xuống cho vững vàng, hay bạn nằm xuống, vì nằm cũng là một vị thế vững vàng. Rồi bạn tập trung sự chú ý vào cái bụng của bạn. Ðầu của bạn giống như một ngọn cây trong một cơn bão. Tôi không ở lại trên ấy đâu.
Hãy chú ý xuống thân cây, ở đấy vững chãi hơn. Khi bạn đã tập trung vào bụng, hãy chú ý xuống vùng nằm ngay dưới rốn, và bắt đầu thở trong chánh niệm. Thở vào thở ra cho sâu, ý thức sự phồng lên xẹp xuống của bụng. Sau khi thực tập như vậy trong vòng mười, mười lăm hay hai mươi phút, bạn sẽ thấy bạn mạnh lên; đủ mạnh để đương đầu với cơn bão. Trong vị thế ngồi hay nằm ấy, nhớ nắm lấy hơi thở như thể một người đang trôi trên biển níu lấy cái áo phao. Sau một thời gian, cơn xúc cảm sẽ đi qua.
Người không thực tập chánh niệm là người đi trong giấc mơ
Ðây là một cách thực tập rất có hiệu quả, nhưng xin nhớ một điều: Ðừng đợi đến khi bạn có cảm xúc mạnh mới thực tập. Nếu bạn đợi, bạn sẽ không nhớ cách thực tập. Bạn phải thực tập bây giờ, hôm nay, khi bạn đang cảm thấy bình thản – khi bạn không phải đối diện với một cảm xúc mạnh. Ðây là lúc bạn nên bắt đầu sự thực tập. Bạn có thể thực tập mười phút mỗi ngày.
Hãy ngồi xuống và thực tập thở vào thở ra, chú ý vào cái bụng. Nếu bạn làm như vậy trong ba tuần, hai mươi mốt ngày, sự thực tập này sẽ trở thành một thói quen. Rồi khi cơn giận nổi lên, hay khi một niềm tuyệt vọng tràn ngập tâm hồn, tự nhiên bạn sẽ nhớ lại cách thực tập. Một khi đã thành công, bạn sẽ có niềm tin vào sự thực tập, và bạn sẽ có thể nói với cảm xúc: “Ðược rồi, nếu ông trở lại, tôi sẽ làm đúng như vậy.” Bạn sẽ không còn lo sợ bởi vì bạn đã biết cách phải xử lý ra sao.
Hãy thực tập đều đặn. Một khi sự thực tập đã trở thành thói quen, bạn sẽ cảm thấy thiếu thốn một cái gì nếu hôm đó bạn không thực tập. Thực tập sẽ đem lại an lạc và vững chãi. Ðây là cách tự bảo vệ hay nhất mà bạn có thể có được. Tôi luôn luôn nghĩ rằng năng lượng của chánh niệm là năng lượng của Bụt, của Thượng đế, của Thánh thần, nằm sâu trong ta và che chở cho ta. Mỗi khi bạn tiếp xúc với hạt giống chánh niệm và thực tập hơi thở có ý thức, năng lượng của Thượng đế, năng lượng của Bụt sẽ hiện hữu để che chở cho bạn.
Khi bạn đã học cách thực tập, có thể bạn sẽ muốn chỉ cho một người bạn khác, một người trong họ hàng, hay con bạn, nếu bạn có con, làm thế nào để thực tập. Tôi biết nhiều bà mẹ cùng thực tập với con. Họ cầm tay con và nói: “Cưng ơi, thở với mẹ. Thở vào, con thấy bụng phồng lên. Thở ra, con thấy bụng xẹp xuống.” Họ hướng dẫn cho con cùng thở với họ, cho đến khi người con qua được cơn cảm xúc.
Nếu bạn biết cách thực tập, bạn sẽ có thể làm phát sinh năng lượng của vững chãi, và bạn có thể cầm tay một người khác để truyền cho người ấy năng lượng vững chãi của bạn. Bạn có thể giúp người ấy vượt qua được cơn giông bão; biết đâu có thể bạn cứu sống được một mạng người. Ngày nay có quá nhiều người trẻ không biết cách xử lý những cảm xúc của họ. Số lượng những người tự tử đã quá lớn. Ðây là một cách thực tập đơn giản, nhưng vô cùng quan trọng.
Thiền Sư Thích Nhất Hạnh