Nghe pháp tôn trọng, nhưng chớ vội tin
Nghe Pháp là từ thường gặp trong kinh. Đa văn là nghe Pháp nhiều, một trong những hạnh lành. Ngày nay, nghe Pháp không chỉ nghe giảng mà còn là đọc, tụng, nghiên cứu, thảo luận, biên khảo giáo pháp.
“Một thời Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật, thành La-duyệt cùng với chúng Đại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi người.…
Bấy giờ, sau khi tùy nghi an trú ở thôn Am-bà-la, Ðức Thế Tôn lại bảo A-nan: Hãy sửa soạn để đi thôn Chiêm-bà, thôn Kiền-đồ, thôn Bà-lê-bà và thành Phụ-di. A-nan đáp: Thưa vâng. Rồi xếp y ôm bát, cùng đại chúng theo hầu Thế Tôn, theo con đường từ Bạt-kỳ đi lần đến các thành khác, đến phía Bắc thành Phụ-di, nghỉ lại trong rừng Thi-xá-bà.
Phật nói với các Tỳ-kheo:
– Ta sẽ nói cho các ngươi nghe Bốn đại giáo pháp. Hãy lắng nghe, hãy suy ngẫm kỹ.
– Bốn pháp ấy là gì? Nếu có vị Tỳ-kheo nào nói như vầy: Này chư Hiền, tôi từng ở tại thôn kia, thành kia, nước kia, đích thân theo Phật được nghe, được lãnh thọ giáo pháp này. Nghe như vậy thì các ngươi cũng không nên vội tin, cũng không nên bài bác. Hãy nương theo Kinh mà xét chỗ hư thật. Nương theo Luật, nương theo Pháp mà xét rõ gốc ngọn. Nếu thấy lời nói ấy không đúng Kinh, không đúng Luật, không đúng Pháp, thì các ngươi hãy nói lại người kia rằng: Phật không nói như thế, ngươi đã nhớ lầm chăng? Bởi vì chúng tôi nương Kinh, nương Luật, nương Pháp. Mà lời ngươi vừa nói trái với Chánh pháp. Vậy này Hiền sĩ, ngươi chớ có thọ trì và chớ đem nói cho người khác. Hãy từ bỏ nó đi. Trái lại nếu xét thấy lời kia đúng Kinh, đúng Luật, đúng Pháp thì hãy nói với người kia rằng: Lời ngươi vừa nói, đúng là lời Phật nói. Vì chúng tôi nương Kinh, nương Luật, nương Pháp. Mà lời ngươi vừa nói phù hợp với Chánh pháp. Vậy Hiền sĩ! Hãy cẩn thận thọ trì và rộng nói cho người nghe, chớ có từ bỏ…”.
(Kinh Trường A-hàm, kinh Du hành, số 2 [trích])
Nghe Pháp là từ thường gặp trong kinh. Đa văn là nghe Pháp nhiều, một trong những hạnh lành. Ngày nay, nghe Pháp không chỉ nghe giảng mà còn là đọc, tụng, nghiên cứu, thảo luận, biên khảo giáo pháp. Thời Phật tại thế, đã có người nghe Pháp rồi ghi nhớ, cảm nhận và truyền đạt lại sai với bản ý của Thế Tôn. Những ai rơi vào trường hợp này, Đức Phật liền cho gọi đến trước đại chúng để kiểm tra, chỉnh sửa, xác chứng, có lúc người nói sai ý Phật còn bị quở trách nặng nề
Từ đó, Đức Phật dạy mọi người không nên chủ quan, chớ có vội tin dù người nói khẳng định đã nghe từ chính miệng Ngài. Nghe xong một thời giảng, đọc qua một trang sách, cần kiểm chứng xem những gì vị ấy nói có đúng với Kinh, hợp với Luật. Nếu đúng với Kinh Luật thì thọ trì và đem nói cho người khác, còn không đúng thì mạnh dạn từ bỏ. Đây là cách ứng xử khách quan, khoa học, tôn trọng sự thật. Cần vượt qua tất cả nhãn mác và thành trì, từ tổ sư, cao tăng, đại sư, thiền sư cho đến tôn sư… kể cả nhân danh nghe từ miệng của Đức Phật, nếu không đúng với Kinh Luật thì vẫn không theo.
Nghe Pháp với định kiến là một thiệt thòi. Không ít người nghĩ rằng những gì mà tôn sư nói ra đều là chân lý. Tôn sư lại luôn hùng hồn “trong kinh Phật dạy rằng…” mà lắm khi chẳng nói rõ kinh nào. Đệ tử nhắm mắt tin càn, sư phụ tha hồ phóng ý nên mới có hiện tượng một số vị thuyết pháp tùy hứng, tùy tiện như hiện nay.
Thành ra, người nghe Pháp cần khó tính hơn để người thuyết Pháp phải nghiêm túc, nói đúng ý Phật, đây là một trong những cách bảo vệ Chánh pháp. Đại chúng thì không phải ai cũng có thời gian và khả năng để đối chiếu với Kinh Luật. Nhưng hàng ngũ xuất gia, cụ thể là những ban ngành chuyên môn của Giáo hội cần phản biện kịp thời, nếu pháp sư nào mà giảng sai ý Phật thì mạnh dạn phê phán và bác bỏ nhằm giữ gìn sự tôn nghiêm của Chánh pháp.