Nghe pháp thoại với một trái tim rộng mở

Pháp thoại giống như những cơn mưa thấm sâu vào tâm thức ta và tưới tẩm những hạt giống trí tuệ, từ bi sẵn có trong ta. Chúng ta hãy để pháp thoại đi vào mình một cách cởi mở như đất tiếp nhận những cơn mưa tươi mát của mùa xuân.

 

Pháp là những lời dạy của Bụt. Nếu chúng ta tham dự một khóa tu ở một trung tâm tu học, hoặc tham dự chung với một nhóm hay một lớp học địa phương do một vị giáo thọ hướng dẫn, chúng ta sẽ có cơ hội được nghe pháp thoại.

“Tùy thời nghe pháp có năm công đức”

Ảnh: Huyền Không Sơn Thượng.

Ảnh: Huyền Không Sơn Thượng.

Thực tập

Chúng ta nên đến sớm trước buổi pháp thoại để có đủ thời gian tìm cho mình một chỗ ngồi ổn định và thiết lập thân tâm trong trạng thái an lạc. Chúng ta nên nghe pháp thoại với một trái tim rộng mở và một tâm hồn lắng yên cho giáo pháp thấm sâu vào mình. Nếu chúng ta chỉ nghe bằng trí năng, đem tâm so sánh, phán xét, phân biệt những gì ta đang nghe với những gì ta nghĩ là ta đã biết hoặc đã nghe ai nói qua thì chúng ta đánh mất cơ hội tiếp nhận những thông điệp mà người nói muốn trao truyền cho ta.

Pháp thoại giống như những cơn mưa thấm sâu vào tâm thức ta và tưới tẩm những hạt giống trí tuệ, từ bi sẵn có trong ta. Chúng ta hãy để pháp thoại đi vào mình một cách cởi mở như đất tiếp nhận những cơn mưa tươi mát của mùa xuân. Bài giảng có thể chỉ là điều kiện để cho cây hiểu biết và thương yêu của chúng ta được đơm hoa kết trái.

Vì sự kính pháp và tôn trọng người đang nói pháp, chúng ta nên ngồi nghiêm trang trên ghế hoặc trên bồ đoàn mà không nằm hoặc ngồi ngửa nghiêng. Nếu trong khi nghe pháp thoại thấy mỏi, chúng ta có thể thay đổi tư thế trong chánh niệm, thực tập thở sâu, nhẹ nhàng xoa bóp trong một hai phút để đưa nguồn không khí mới lên não và đến những bộ phận mệt mỏi của cơ thể.

Không được nói chuyện hoặc làm ồn trong khi nghe pháp thoại. Không được bỏ ra giữa buổi pháp thoại, nếu rất cần đi thì phải tránh làm động tâm người khác tới mức tối đa.

Trích từ “Gieo trồng hạnh phúc”.