Ngày Tết và mùa xuân

Con người ta ai cũng thích cái nắng ấm lúc xuân sang, không mấy ưa sự nóng bức của ngày hè, sự tàn tạ của mùa thu hay cái lạnh lùng khi đông đến. Với nhà Phật, với con mắt Thiền, biết nhìn, biết sống, quanh năm lúc nào cũng là một sức sống xuân tràn đầy hoan hỷ.

 

Hằng ngày, đôi khi chúng ta có ít nhiều điều không vui với những người chung quanh. Thình lình nghe tin ai đó đột ngột qua đời, đến viếng thăm, tự dưng trong ta bỏ qua tất cả những khúc mắc, nợ nần tự lúc nào chẳng rõ. Đứng trước sự kết thúc một đời người, con người ta thường nhìn lại và thấy ra nhiều điều. Đợi đến khi kết thúc một cuộc đời mới hay ra thì quá muộn.

Hôm nay, kết thúc một năm, qua đi một tuổi sống thọ của mỗi người, đêm Giao thừa, Tất niên, không ai bảo ai, nhưng trong thâm tâm mỗi người chúng ta bỗng nhiên tự nhìn lại mình, hay ra được nhiều điều cao quý. Sáng mai mùng một Tết, cái gì cũng mới mẻ, mỗi người bắt đầu một cuộc sống mới tốt đẹp hơn cho đời mình.

Bôn ba giữa dòng đời xuôi ngược, vì kế sinh nhai, mỗi một chúng ta đều có hoàn cảnh riêng nên phải sống cách xa mỗi người một ngả. Đến ngày Tết, bà con được có cơ hội đoàn tụ, trở về ngồi lại bên nhau thăm hỏi, ôn lại một năm mình đã sống qua. Những gì đã tốt chúng ta tiếp tục phát huy, những điều chưa tốt thì quyết tâm sửa đổi để sang một năm mới, cuộc sống mình được mới tươi, tốt đẹp.

Ngày xuân chúc nhau sống thọ

326086783_709181074252121_1212762691836301260_n

Trong nhà Thiền, đêm Tất niên còn gọi là Trừ Dạ, Trừ Tịch…Là thời điểm bỏ lại những xấu xa của cái cũ, dẹp trừ sự tăm tối của đêm đen, chuẩn bị chuyển sang thời khắc quang minh, xán lạn. Đêm này, trong chùa thường có buổi Phổ trà. Đại chúng ngồi lại uống trà trong đạo vị, ôn lại những điều tốt và chưa tốt của một năm qua trong đời sống tu tập và Phật sự của mình để phát huy và khắc phục. Cũng trong dịp này, chư vị tôn đức có những lời khai thị, sách tấn đại chúng tiến tu, như chúng ta vẫn thường thấy trong sách còn ghi lại những bài Trừ Dạ Cử…

 

Tại thời khắc Giao Thừa, năm cũ chuyển sang năm mới, đại chúng bắt đầu khóa lễ đầu năm, lễ vía Phật Di Lặc. Một vị Phật biểu trưng cho sự cởi mở, hoan hỷ, tha thứ và đầy lòng bao dung.

 

Bụng lớn hay dung, dung những điều khó dung trong thiên hạ,

Lòng từ hay nhẫn, nhẫn những điều khó nhẫn của thế gian.

Đảnh lễ Ngài cũng là tự răn nhắc mình quyết tâm tu tập đạt được đức tính như Ngài. Đồng thời cùng cầu chúc cho mọi người sang một năm mới được những may mắn hoan hỷ như nụ cười của đức Di Lặc.

Sáng mùng một Tết, bắt đầu một mùa xuân, cái gì cũng tươi mới. Nhà cửa được làm mới, quần áo mới, hoa trái mới, tinh thần mới… Ai ai cũng thận trọng kỹ lưỡng chuẩn bị cho mình một tâm thái thật mới tươi, tốt đẹp nhất. Phải cởi mở, hoan hỷ, vui tươi, không được giận hờn buồn trách. Chúc nhau những sự an lành may mắn…

Giữa tiết trời ấm áp giao hòa lẫn lòng người cho ta cảm nhận một mùa xuân được hiển hiện qua sự mới tươi, vui vẻ, an lành. Nhưng cái gì là chất liệu làm nên một mùa xuân ấy? Nếu chỉ là sự tươi mới của đất trời, của hoa trái, của áo quần thì mùa xuân chỉ được có vài ngày rồi cũng bị cái nóng bức của ngày hè thiêu rụi, sự tàn tạ của mùa thu mang đi và giá lạnh của ngày đông sẽ làm cho đóng băng, trơ trọi. Có cố gắng vui vẻ được vài ngày rảnh rang, thuận lợi rồi lòng người cũng sẽ bận rộn, căng thẳng, buồn vui lẫn lộn giữa bao áp lực của sự đời.

Có chúc nhau muôn vàn câu an lành tốt đẹp cũng khó lấy gì đảm bảo rằng, chúng ta sẽ được toại nguyện như những lời cầu chúc ấy. Chỉ có lắng lòng an tịnh, trí sáng rạng ngời, bỗng nhiên dâng tràn hoan hỷ. Nhìn mọi cảnh sắc, cái gì cũng tươi mới, sinh động. Dù có nhàn hạ hay bận rộn muôn bề, lòng ta cũng được thảnh thơi như mây qua đầu núi, lúc nào chẳng được an lành! Đó chính là chất liệu làm nên sự mới tươi, an vui, thanh thản; là ông chủ làm nên một mùa xuân bất tận.

 

Cho thấy, không đợi Tết đến mới có xuân, mà quanh năm, lúc nào lòng ta hoan hỷ thì mùa xuân hiển hiện. Ngày Tết, nhưng lòng ủ dột thì có khác nào sự lạnh giá của đêm đông? Muốn cuộc sống được tươi vui, hoan hỷ, chúng ta cần biết cách nhìn. Đứng trước một cành mai đang nở rộ, nếu đắm đuối theo nó chừng nào thì lúc tàn, chúng ta sẽ bị khổ đau dằn vặt chừng ấy.

 

Nếu bình tĩnh, khoan thai, ngắm nhìn một cách thanh thản, nhẹ nhàng thì sẽ cảm nhận được một vẻ đẹp thanh cao, sống động. Khi hoa tàn, chúng ta cũng được ung dung, theo duyên tùy hỷ, chẳng chút bận lòng. Cũng thế, giữa vô vàn sai khác của thế sự, trước bao nhiêu phức tạp và bận rộn của cuộc đời, nếu biết nhìn đúng, lúc nào chúng ta cũng có được một mùa xuân trọn vẹn.

Con người ta ai cũng thích cái nắng ấm lúc xuân sang, không mấy ưa sự nóng bức của ngày hè, sự tàn tạ của mùa thu hay cái lạnh lùng khi đông đến. Với nhà Phật, với con mắt Thiền, biết nhìn, biết sống, quanh năm lúc nào cũng là một sức sống xuân tràn đầy hoan hỷ:

“Xuân có trăm hoa, thu có trăng,

Hạ về có gió, tuyết đông giăng.

Ví lòng thanh thản như mây nổi,

Ấy buổi thanh bình chốn thế gian.”

Nếu ngày xuân rực rỡ với muôn hoa khoe sắc thì đêm thu sẽ vằng vặc với ánh trăng thanh, mát làm sao lồng lộng gió lành ngày hạ và tuyết mùa đông giăng mắt đẹp biết dường nào! Trước tất cả cảnh sắc lộng lẫy, an lành ấy, hay dù có tàn tạ, xấu xa, khốc liệt đến mức nào, nếu biết cách tỉnh trí, bình tâm, lòng ta sẽ thanh thản như mây qua bầu trời không chút vướng bận. Mới hay ra, cuộc sống này, chốn thế gian này là nơi thanh thoát, yên bình. Cả đời mình là một mùa xuân bất tận.

Xin chúc cho toàn thể khéo sống để ai ai cũng hưởng được một mùa xuân an vui trọn vẹn suốt cả cuộc đời mình.

TT. Thích Tâm Hạnh