Ngày Phật thành đạo mùng 8 tháng chạp: Hiểu về giác ngộ, sống vị tha

Ngày 8.12 âm lịch hằng năm là ngày Phật thành đạo, nhiều chùa tổ chức lễ kỷ niệm ngày Phật thành đạo. Vậy ngày Phật thành đạo có nguồn gốc, ý nghĩa thế nào?

Ngày Phật thành đạo là sự kiện quan trọng của Phật giáo. Nhiều chùa gần đây tổ chức ngày lễ Phật thành đạo với tinh thần hân hoan, hạnh phúc.

Nguồn gốc ngày Phật thành đạo

Chia sẻ về nguồn gốc ngày Phật thành đạo, TT.TS Thích Chân Quang, trụ trì chùa Thiền Tôn Phật Quang (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết, thái tử Siddhartha (Tất Đạt Đa) từ nhỏ đã được vua cha Suddhodana (Tịnh Phạn) kỳ vọng nối ngôi để trở thành một vị vua tài ba, cai trị cả cõi đất này. Tuy nhiên, tâm hồn của thái tử lúc nào cũng khắc khoải và thôi thúc về chí nguyện xuất gia tu hành, để tìm ra con đường hạnh phúc mãi mãi cho chúng sinh. Năm 29 tuổi, trong đêm 8.2 âm lịch năm 595 TCN, ngài đã bỏ kinh thành Ca – tỳ – la – vệ để đi xuất gia.

Ngày Phật thành đạo mùng 8 tháng chạp: Hiểu về giác ngộ, sống vị tha- Ảnh 1.

Ban đầu, ngài tìm đến học với các vị đạo sư danh tiếng nhất thời bấy giờ, rồi ngài tự mình tu theo lối khổ hạnh luyện thân. Sau 6 năm tu khổ hạnh, dù thân thể ngài trở nên tiều tụy, cái chết đã cận kề, nhưng sự giác ngộ vẫn chưa xuất hiện nên ngài từ bỏ và chọn con đường thiền định.

Ngài tìm đến cội cây assatha (bồ đề) ở Gaya, làng Uruvela (nước Magadha) để ngồi thiền. Ngài nhanh chóng nhập vào sơ thiền mà ngài đã chứng được năm 12 tuổi, rồi nhập sâu dần vào nhị thiền, tam thiền, tứ thiền…

“Khi sao mai vừa lên ở lưng trời vào rạng sáng ngày 8.12 âm lịch năm 589 TCN, ngài đã chứng được đạo quả vô thượng bồ đề. Lúc đó, chư thiên các tầng trời đều hướng về khu rừng Uruvela để chiêm ngưỡng khoảnh khắc Đức Phật thành đạo”, TT.TS Thích Chân Quang chia sẻ.

Ý nghĩa lễ Phật thành đạo

Theo vị thượng tọa, với sự kiện này, ngài đã mang đến cho nhân loại sự giác ngộ. Đây là đỉnh cao tột cùng trong tâm linh mà con người có thể đạt được. “Giác Ngộ chứa đựng tất cả những gì hoàn hảo nhất, vừa là đạo đức toàn thiện không còn lỗi lầm, vừa là trí tuệ mênh mông thấu hết mọi điều và cũng là hạnh phúc tuyệt đối vắng bóng hoàn toàn khổ đau”, thượng tọa giải thích.

Ngày Phật thành đạo mùng 8 tháng chạp: Hiểu về giác ngộ, sống vị tha- Ảnh 2.

Người dân, Phật tử dự lễ Phật thành đạo tại Thiền Tôn Phật Quang

Tại Thiền Tôn Phật Quang, vào dịp này, 30 năm qua, được sự ủng hộ của các cấp chính quyền và giáo hội ngày lễ Phật thành đạo được tổ chức trang nghiêm vào ngày 6, 7, 8.12 âm lịch với nhiều hoạt động như: tụng kinh, thuyết pháp, quy y tam bảo, lễ xuất gia, tọa đàm giao lưu với khách mời, chương trình văn nghệ… Đặc biệt, lễ chính thức diễn ra lúc 4 giờ sáng ở đại tượng lộ thiên để tái hiện lại khoảnh khắc Đức Phật chứng đạo.

Trụ trì chùa Thiền Tôn Phật Quang cho rằng, không chỉ người đệ tử Phật, mà tất cả chúng ta đều phải có trách nhiệm bảo tồn và phát huy những giá trị cao đẹp mà Đức Phật đã để lại.

Ngày Phật thành đạo mùng 8 tháng chạp: Hiểu về giác ngộ, sống vị tha- Ảnh 3.

TT.TS Thích Chân Quang, trụ trì Thiền Tôn Phật Quang

Vị trụ trì cho hay, để làm được điều này, trước hết, chúng ta phải học để hiểu về ý nghĩa của sự giác ngộ, rộng hơn là hiểu về hệ thống giáo lý đồ sộ mà Đức Phật đã dạy trong suốt 45 năm thuyết pháp.

“Mỗi người nên siêng năng thực hành giáo lý, bố thí, thương người, tu dưỡng, biết thấy lỗi của mình, biết tôn trọng mọi người, tôn kính những bậc đáng kính… Ngoài ra, mỗi người phải siêng năng đem đạo lý đến cho nhiều người còn lang thang đau khổ, chưa biết gì về tam bảo thiêng liêng”, TT.TS Thích Chân Quang chia sẻ.

Sau cùng, vị trụ trì chùa Thiền Tôn Phật Quang nhấn mạnh, bổn phận quan trọng cao quý nhất để bảo tồn sự giác ngộ là bản thân mỗi người phải cố gắng tu tập – mà cốt lõi là thực hành bát chánh đạo, sống đạo đức vị tha và tinh tấn thiền định hướng về giác ngộ vô ngã.

Nguồn Báo Thanh niên