Ngày giờ tốt xấu đầu năm

Vì lo lắng cho tương lai nhiều bất trắc, rất nhiều người trong đó có không ít Phật tử muốn biết vận mệnh của mình, nên việc xem tử vi, bói toán ngày càng phổ biến.

Giới làm ăn buôn bán cũng dựa vào bói toán để quyết định công việc đầu tư và làm ăn. Những người khác từ việc mua nhà, dựng vợ, gả chồng, cho đến việc tang ma… đều tìm đến những người coi bói toán để tham vấn, dựa vào những lời khuyên đó mà làm theo. Tử vi, bói toán đang lan rộng ra nhiều người, nhiều giới và nhiều nơi.

Cái mà mọi người thường gọi là “vận mệnh”, theo quan điểm của nhà Phật là “nghiệp lực”. Nghiệp lực có nhiều dạng, có thể thay đổi và có loại không thay đổi. Có một số ông thầy bói, nhà tiên tri có khả năng đoán được vận mạng trong thời gian ngắn, hoặc lâu xa hơn, nhưng thật không đoán nổi số mạng của các bậc chân tu đạo hạnh, hoặc những vị đang nỗ lực tinh cần tu tập. Có một vài vị thầy coi số, tử vi cũng dựa vào việc toán số này mà khuyên người làm lành, lánh dữ, ăn chay, làm phước; nhưng cũng có một số người lợi dụng lòng mê tín mà trục lợi, tạo nên sự sợ hãi cho người xem. Rất nhiều vị thầy coi bói không trúng, coi tử vi không nhằm, bảo rằng ngày đó tháng đó sẽ bị tai nạn, bị rủi ro, bị chết… làm cho cả gia đình phải sợ hãi, lo toan. Ngược lại, nhiều người cứ làm phước, làm lành, tu nhân tích đức, không coi thầy bói nào, không coi ngày giờ năm tháng gì, ấy thế mà cuộc đời cứ hanh thông!

Cái mà mọi người thường gọi là “vận mệnh”, theo quan điểm của nhà Phật là “nghiệp lực”.

 

Cái mà mọi người thường gọi là “vận mệnh”, theo quan điểm của nhà Phật là “nghiệp lực”.

 

Quý vị cần lưu ý rằng, do niềm tin mù quáng, khiến con người mất hết khả năng phán đoán và trí thông minh, thường gọi là mê tín. Mê tín đem lại những tai hại không thể lường được, lắm lúc dẫn đến một kết thúc bi thảm, có thể làm hại cuộc đời con người, có thể làm tan nát cả gia đình, có thể làm băng hoại xã hội. Ví dụ, trước khi cưới hỏi cho con, bố mẹ thường xem tuổi đôi trai gái có hợp hay không? Ở trường hợp này, nếu tuổi đôi trẻ hợp thì tốt rồi, nhưng nếu không hợp cố tách chia, tìm người hợp tuổi để cưới gả, và kết quả dẫn đến tình cảm hai người mới không gắn kết, và dấu chấm hết là chia tay! Ngược lại, có một số tuổi tuy không hợp, nhưng rồi họ sống đến đầu bạc răng long, con cháu đông vầy, rất là hạnh phúc.

Theo quan điểm Phật giáo, vấn đề tai họa hay phước báu, sung sướng hay khổ cực, bất hạnh hay may mắn, giàu có hay nghèo khổ đều do thiện nghiệp hay ác nghiệp được chính chúng ta gieo trồng trong hiện kiếp hoặc nhiều kiếp quá khứ. Sự nỗ lực hay lười biếng trong đời sống hiện tại là một trong những yếu tố rất trọng yếu có thể thay đổi hoặc ảnh hưởng đến vận mạng đời này hoặc đời sau. Cái gọi là hoàn cảnh cũng bao gồm cả di truyền của cha mẹ, bối cảnh văn hóa, văn minh, nuôi dưỡng, giáo dục, mối quan hệ huyết thống như anh em, họ hàng; và mối quan hệ xã hội như thầy bạn và cả những người xung quanh. Tất cả đều ảnh hưởng đến vận mạng của mình và người. Dù cho nhân được gieo ở đời trước là xấu, dẫn tới hoàn cảnh hiện tại xấu, nhưng nếu có sự tu tập về đạo đức, luyện tập thân thể, trau dồi kiến thức thì vận mạng cũng sẽ biến đổi theo chiều hướng tốt.

Ngài Trí Khải đại sư, trong bài tựa cuốn Đồng Mông Chỉ Quán, có kể rằng: Có một chú Sa-di trẻ ở cùng chùa với một vị thầy đã chứng quả A-la-hán. Vị thầy biết trong vòng một tuần nữa Sa-di này sẽ bệnh chết, không thể tránh khỏi, bèn cho chú về thăm nhà. Trên đường về nhà, chú thấy một ổ kiến trên bờ đê đang bị một dòng nước xoáy đe doạ cuốn trôi đi. Chú Sa-di trẻ động lòng thương lũ kiến đang nháo nhác, ra sức đắp lại chỗ đê có thể bị vỡ để cứu ổ kiến. Cứu được ổ kiến, chú Sa-di tiếp tục lên đường về thăm nhà và sau một tuần trở lại chùa an toàn. Vị thầy thấy học trò mình trở lại chùa, khí sắc lại còn hồng hào hơn xưa, rất lấy làm lạ, bèn hỏi chú Sa-di, tuần lễ vừa qua đã làm những gì.  Sau một hồi nhớ lại, chú Sa-di đã tường thuật cặn kẽ đầu đuôi chuyện cứu ổ kiến thoát chết. Vị thầy đã kết luận là do chú Sa-di phát tâm từ bi rộng lớn cứu ổ kiến cho nên đã chuyển nghiệp, đáng lẽ phải chết trong vòng một tuần, nhưng rồi lại sống an toàn và còn tiếp tục sống thọ trong nhiều năm nữa.

Từ câu chuyện trên, chúng ta thấy rằng không có một cái gì là cố định, không có một cái gì là định mệnh hay số mệnh, tâm thức chúng ta biến chuyển từng sát na và do đó nghiệp thức lẫn nghiệp quả cũng thay đổi từng sát-na. Nếu các ông thầy bói, tử vi, tướng số nói những gì xảy ra trong tương lai mà chúng ta tin, tức là chúng ta cho rằng muôn sự muôn việc là thường chứ không phải là vô thường, là định pháp chứ không phải là bất định pháp, tức là chúng ta mù quáng mà phủ nhận định luật nhân quả và nguyên lý vô thường do đức Phật dạy.

HT. Giác Dũng