Ngẫm về tình yêu

Hôm nay ngày Lễ tình nhân, đọc báo thấy nói “biết yêu một người thì sẽ yêu được cả thế gian”.

 

Nghe hay quá, nhưng chữ “biết”kia thật không đơn giản. “Biết” chắc phải nâng lên thành thấu cảm, say mê mới đủ lý lẽ để trái tim dành trọn cho một người.

Chứ nhiều chàng trai (cô gái) không chỉ “biết” yêu một người mà yêu hơn một người thì chẳng phải sẽ thiếu “thế gian” cho họ yêu hay sao.

Lạ lắm, có những lập luận cho rằng có nhiều người phụ nữ có đầy đủ những phẩm chất, tố chất để xứng đáng có được hạnh phúc nhưng cuộc đời lại chẳng hề hạnh phúc? Vì họ chỉ yêu theo giấc mơ của chính mình…

Còn đàn ông thì sao?

Có lẽ là như thế, nhưng thực tế ai chẳng mơ, chẳng mong ước, chẳng sở hữu và giam giữ ước mơ đó cho trọn vẹn thanh xuân.

Vấn đề là nhận thức được những thay đổi vô thường và bất thường của tình yêu để chấp nhận và chuyển hướng tình yêu sang chính mình và sang những nơi cần sự có mặt tình yêu của mình.

“Giật mình mình lại thương mình xót xa”.

Không yêu được ai (nơi thế gian) và không yêu được chính mình thì còn gì xót xa hơn nữa.

tinhyeu

Tình yêu thời đại này vẫn đặt trong mối tương quan rất lớn của điều kiện kinh tế và tính dục, tức các điều kiện xã hội và bản năng.

Nói cụ thể thì mỗi người phải đảm bảo tự chủ được cuộc sống của mình, bên cạnh một nhân duyên tốt đẹp được vun đắp giữa hai người, thậm chí hai gia đình hai dòng họ.

Truyền thống xã hội này vốn tạo dựng ra tình yêu của hai người và đặt nó đứng giữa hai họ.

Nên tình yêu là tìm cách vượt qua những giới hạn bản thân, gia đình, dòng họ, kể cả lỗi lầm của nhau, để học cách tha thứ, thậm chí buông bỏ, tháo cái xiềng hôn nhân cho nhau khi đã hết duyên, không thể níu kéo.

Không có tình yêu nào chỉ có một màu như mong ước. Cho nên nói thế nào về tình yêu có lẽ cũng chỉ là lý thuyết.

Nhìn ở góc độ xã hội sâu xa của các mối quan hệ trong họ ngoài làng, thì những “trai thanh gái lịch” kia cũng đang phải trưởng thành và xây dựng cuộc sống của mình theo ý muốn chủ quan của cha mẹ.

Cách giáo dục gia đình ở ta rất khác. Lúc con nhỏ không giáo dục chúng ý thức độc lập tự chủ mà luôn bao bọc, chiều chuộng, thậm chí làm thay. Rồi khi chúng lớn lên lại mong chúng trả ơn cho cái sự bao bọc chiều chuộng ấy bằng cách hướng chúng sống theo tọa độ của chính mình, phải học ngành này, phải vào nghề kia, phải yêu những đứa ngoan hiền, tài năng như kỳ vọng.

Ôi, mất 18, 20 năm nuôi dạy, rồi tính phí bằng cách “đánh cắp” cả cuộc đời của con bằng tọa độ kỳ vọng do mình xây lên. Trái ý nghịch lòng thì hoặc bỏ rơi, hoặc đau khổ.

Nếu truyền cho con sự độc lập tự chủ từ nhỏ, thì đến tuổi trưởng thành tự nó quyết định sướng khổ đời nó. Hãy buông xuống những áp lực dành cho con trong việc học, việc làm, việc yêu ai, kể cả nó có phạm pháp ra tù vào tội, hãy để pháp luật thi hành. Đừng bọc lụa cho tình yêu sai cách.

Xã hội này đã đủ điều kiện khai phóng để cùng cha mẹ tạo dựng ý thức độc lập tự chủ cho con?

Nhìn hiện trạng thì thấy còn quá chậm.

Tình yêu của những đứa trẻ có được sự độc lập tự chủ sẽ xây lên xã hội và thời đại của chính nó.

Khi vào đời chúng sẽ tìm và xây tổ tình yêu theo thiết kế của chúng. Mỗi ngôi nhà là một tổ ấm hay tổ lạnh thì chúng cùng biết hưởng thụ và chịu đựng.

Tình yêu, nên tách nó ra khỏi chữ “hạnh phúc”. Đôi khi đau khổ vẫn phải không ngừng yêu. Yêu để thấy cuộc đời không đóng sầm cánh cửa trước mặt mình, khi ấy hạnh phúc sẽ lại hé lộ.

Tình yêu cần đối tác, cần sự sửa chữa sai lầm, nhưng hạnh phúc là sự bình an nội tại. Có họ hay không có họ trong đời mình vẫn phải hạnh phúc. Nếu không học cách thích nghi và chấp nhận như vậy thì không chỉ đau khổ mà còn đánh mất bản lĩnh độc lập, tự chủ của chính mình.

Cha mẹ nên ngừng xây nhà và xây cả tình yêu cho con, đó là cách hướng tới sự tự chủ cho con.

Ngày tình yêu, tặng quà cho nhau cũng vui, giống như thêm một chút muối vào bát canh đang nhạt.

Thích Thanh Thắng