Ngắm mộc miên tuyệt đẹp ở chùa Trung Hành

Miếu và chùa Trung Hành tọa lạc tại phường Đằng Lâm, Quận Hải An, thành phố Hải Phòng.

Empty

Tương truyền ở Trung Hành có tứ vật gồm ngôi cổ miếu, chùa, đình và cả văn chỉ hàng huyện. Cho dù một trong 4 báu vật ấy đã mất đi do sự tàn phá của chiến tranh và thiên nhiên nhưng vẫn là những di sản quý. Đây là các di tích văn hoá đã được Bộ Văn hoá thông tin ra quyết định xếp hạng di tích lịch sử và nghệ thuật kiến trúc cấp quốc gia vào năm 1993.

Khu di tích là nơi lưu giữ nét xưa cổ kính, mang nhiều giá trị văn hóa lâu đời của dân tộc.

Empty

Xưa kia Miếu – chùa Trung Hành là nơi Ngô Quyền đóng quân và huy động sức người sức của, đánh quân xâm lược Nam Hán năm 938, mở đầu kỉ nguyên độc lập lâu dài của đất nước.

Là một trong số 17 làng, xã có hệ thống bố phòng, tích chứa quân lương của Ngô Quyền, nên Trung Hành được các triều đại kế tiếp phong sắc, công nhận việc thờ tự đức vương Ngô Quyền.

Empty

Đặc biệt Trung Hành là vùng đất địa linh, nhân kiệt – nhiều người đỗ đạt, hiện còn được ghi lại trên văn bia, gia phả các dòng họ. Ngạn ngữ có câu: “An Dương – Trung Hành; Kim Thành – Quỳnh Khê, thế ngôn chi đa sĩ” nghĩa là: làng Trung Hành, huyện An Dương, làng Quỳnh Khê huyện Kim Thành đời truyền có nhiều quan.

Cách miếu Trung Hành chừng 30m về bên trái, cùng hướng Tây với ngôi miếu cổ thờ Ngô vương là chùa Trung Hành, tên chữ là Hưng Khánh tự.

Qua khoảng sân rộng với hồ nước và tượng Quan Thế Âm Bồ-tát ở giữa là tới cổng tam quan cổ kính. Tam quan là một kiến trúc thiết yếu của mọi ngôi chùa, đó là biểu tượng cho ý nghĩa cao siêu của Phật pháp.

Empty

Phía sau phật điện là vườn bia, nhà thờ tổ. Bóng cây cổ thụ ở khu vực cổng chùa, xung quanh vườn tháp toả bóng xanh tươi, tạo ra sự hoà sắc nhịp nhàng, tôn thêm vẻ cổ kính của khối kiến trúc chùa Trung Hành.

Cổng chùa đồng thời là gác chuông có hai phần chính. Cổng giữa 2 tầng 12 mái, lợp ngói cổ, hai lớp, hai lối bên xây kiểu 2 tầng 8 mái. Kiến trúc cổng chùa mang ý nghĩa dịch học sâu sắc, biểu thị ba thành phần cơ bản của vũ trụ là: trời – đất và con người. Trên nóc cao của tầng giữa treo quả chuông đồng cao 1,4m đúc năm Minh Mạng thứ ba (1823).

Mieu Trung Hanh (27)

Toà Phật điện chùa Trung Hành hiện diện đầy đủ dáng vẻ, vị trí các pho tượng cơ bản như: Tam thế, A Di Đà, Văn thù, Phô hiền, Hộ thiện trừ ác…

Đáng quan tâm nhất là nhóm hiện vật bằng đá mang niên đại nghệ thuật nhà Mạc thế kỷ XVI khá tiêu biểu. Với phần đế cách điệu hình búp sen của ba pho tượng tam thế. Đặc biệt tại đây còn lưu giữ pho tượng vị hoàng đế nhà Mạc được tạc bằng đá, pho đặt ở cuối Phật điện, toàn thân phủ một lớp sơn dày, trông thoáng qua giống như tượng gỗ.

Empty

Hoạt động lễ hội diễn ra tại khu vực Miếu – chùa Trung Hành được mong chờ nhất trong năm. Lễ hội bắt đầu từ ngày 17/1 âm lịch, xưa có tục múa roi, diễn lại khí thế xung phong diệt giặc của quân ta và sở trường dùng roi của quân đội thời Ngô Quyền.

Lễ hội ngày càng thu hút nhiều du khách và phật từ khắp mọi miền tổ quốc về dâng hương, hành lễ, là một phần không thể thiếu trong văn hóa tín ngưỡng của người dân Việt Nam.

Empty

Tháng Ba, khi những vạt nắng đã trở nên vàng ươm, sóng sánh rót xuống vạn vật, cũng là lúc những bông hoa gạo bắt đầu nở đỏ. Hoa như đang thắp lửa, đỏ rực một vùng trời. Trước chùa, từng cánh, từng cánh hoa gạo rơi rắc lác đác trên mặt đất thành một thảm đỏ rực rỡ càng tăng thêm vẻ đẹp trầm mặc, cổ kính của ngôi chùa.

Miếu – Chùa Trung Hành, không chỉ là nơi có kiến trúc, văn hóa, sinh hoạt tín ngưỡng quan trọng mà còn là nơi có cảnh đẹp, là điểm thăm quan, chụp ảnh của khách du lịch gần xa mỗi tháng ba về.

Empty
Empty
Empty
Empty
Empty
Empty
Hoa gạo đỏ một góc trời nơi miếu - chùa Trung Hành

Hoa gạo đỏ một góc trời nơi miếu – chùa Trung Hành

Vũ Thị Loan – Nguyễn Thành Trung