Ngắm linh vật rồng – Biểu tượng tinh thần và văn hóa cung đình Huế

Cặp linh vật rồng trước Bia Quốc học Huế được sắp đặt theo tư thế "lưỡng long chầu nguyệt" - Ảnh: Công Lý

Cặp linh vật rồng trước Bia Quốc học Huế được sắp đặt theo tư thế “lưỡng long chầu nguyệt” – Ảnh: Công Lý

Đón chào năm mới – Xuân Giáp Thìn 2024, linh vật rồng đã xuất hiện ở mỗi tỉnh thành với những đặc điểm riêng biệt. Trong số đó, linh vật rồng tại cố đô với chủ đề “Tinh hoa đất trời – Chuyển mình bứt phá” là biểu tượng tinh thần, đậm chất văn hóa, nghệ thuật cung đình Huế. 

Được biết, linh vật rồng Tết Giáp Thìn 2024 tại TP.Huế lấy ý tưởng từ rồng thời nhà Nguyễn, có chiều cao 7m và chiều dài 35m, được đặt tại không gian phía trước cổng Trường Quốc học Huế, bia Quốc học cạnh bờ sông Hương và đường Lê Lợi. Cặp linh vật rồng này có nét uyển chuyển nhưng vẫn giữ sự uy nghi vốn có.

Theo đơn vị thiết kế, vảy rồng được nghiên cứu mô phỏng ngói thanh lưu ly Huế, loại ngói được sử dụng phổ biến cho các công trình cung điện, lăng tẩm và đền chùa cố đô. Mỗi chiếc vảy rồng được đơn vị thiết kế đính kết bằng tay trong hàng trăm giờ.

Các nhà thiết kế, nghệ sĩ và các nghệ nhân tham gia vào quá trình tạo hình linh vật rồng 2024 chia sẻ rằng họ muốn truyền đạt thông điệp về sức mạnh, sự quả cảm và kiên nhẫn, những phẩm chất cần thiết để vượt qua mọi khó khăn và đối mặt với thách thức trong năm mới.

* Bên cạnh đó, linh vật rồng thứ hai được đặt trước trụ sở UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng thu hút sự chú ý của du khách. Linh vật rồng này được lấy cảm hứng từ hình ảnh “Ấn Quốc gia tín bảo” – bảo vật của triều Nguyễn kết hợp với tứ “Cá chép hóa rồng” với dáng rồng “Phi long tại thiên” (rồng bay trên trời) mang khí thế hiên ngang.

"Vượt Vũ môn, cá chép hóa rồng" là biểu trưng cho niềm hy vọng năm mới, Huế sẽ tiếp tục chuyển mình, phát triển và bứt phá

“Vượt Vũ môn, cá chép hóa rồng” là biểu trưng cho niềm hy vọng năm mới, Huế sẽ tiếp tục chuyển mình, phát triển và bứt phá