Ngài Sivali – Vị thánh tăng có tài lộc bậc nhất
Mấy năm gần đây, do sự giao lưu và trao đổi văn hóa giữa các nước Phật giáo trở nên thuận tiện và dễ dàng, việc thờ cúng tôn tượng của Thánh Tăng Sivali cũng khá phổ biến trong giới Phật tử Bắc truyền ở Việt Nam; tuy nhiên ít người hiểu rõ về cuộc đời của vị Thánh đệ tử “đệ nhất tài lộc” này của Đức Phật.
Vị Thánh đệ tử có tài lộc đệ nhất
Đại Phật sử liệt kê bốn mươi vị Thánh đệ tử ở bên cánh tả của Đức Phật Thích-ca do ngài Mục-kiền-liên đứng đầu và bốn mươi vị Thánh đệ tử bên cánh hữu do ngài Xá-lợi-phất đứng đầu trong đó có ngài Sivali. Ngài được Phật Thích-ca ban danh hiệu là vị Thánh đệ tử có tài lộc đệ nhất. Và ngài cũng có lẽ là người ở trong bụng mẹ lâu nhất-bảy năm bảy ngày-do nghiệp lực kiếp trước của ngài. Cuộc đời ngài được ghi lại trong Đại Phật sử như sau:
Một trăm ngàn kiếp về thưở quá khứ dưới thời Đức Phật Liên Hoa Thắng Như Lai (Padumuttara), lúc bấy giờ ngài là một cư sĩ cùng với những người khác đến dự pháp hội thuyết pháp của Đức Phật. Khi thấy Đức Phật ban danh hiệu ‘tài lộc đệ nhất’ cho một vị Tỳ-kheo, Ngài cũng muốn được như vị Tỳ-kheo kia nên thỉnh Đức Phật về nhà thiết lễ cúng dường rất lớn suốt trong bảy ngày. Đối trước Đức Phật, ngài phát nguyện: “Bạch Đức Thế Tôn! Với phước báo của sự cúng dường này, con không cầu phước báu giàu có sung túc, con chỉ mong sẽ được trở thành vị đệ tử tài lộc đệ nhứt trong Tăng đoàn của Đức Phật thời tương lai, giống như vị Tỳ-kheo được Đức Thế Tôn thọ ký bảy ngày trước” và được Đức Phật thọ ký rằng “Nguyện của ông sẽ được thành tựu dưới thời Đức Phật Gotama (Phật Thích-ca)”.
Qua nhiều đời, ngài thác sanh trong cõi trời và người. Đến thời Đức Phật Tỳ-bà-thi (Vipassi), ngài thọ sanh tại một ngôi làng gần thành phố Bandhumati. Lúc bấy giờ, người dân thành phố Bandhumati cùng ‘đua’ với vua của họ để sắm lễ vật cúng dường Đức Phật, nhưng họ thiếu hai món là mật ong và sữa đông; vì vậy họ sai một người đứng canh ngay con đường dẫn vào thành phố. Lúc đó, có người đàn ông-sau này là ngài Sivali- mang bình sữa vào phố bán để mua vài món đồ. Dọc đường, ông thấy một tổ ong. Tiếp tục lên đường với sữa và mật ong trong tay, ông gặp người đang đứng canh mua sữa và mật ong kia, người đó hỏi mua với giá một đồng tiền. Ông ta nghĩ “những thứ này không đáng giá bao nhiêu tại sao ông ta lại trả tiền cho ta cao như vậy”. Nghĩ thế, ông không bán. Người mua lại trả giá lên hai đồng tiền, ông cũng không bán. Biết người này đang cần và để tăng giá cao, ông vẫn cứ nói: “Không bán với giá này”. Người mua cứ trả giá tăng dần tăng dần đến một ngàn đồng tiền. Thấy lạ, ông hỏi: “Những thứ này chẳng đáng giá là bao sao ông chịu mua với giá quá cao như vậy?”. Khi nghe người mua kể việc người dân thành phố đang ‘đua’ với vua của họ để cúng dường Phật, nếu không có hai món này họ sẽ thua nhà vua, ông hỏi “Vậy chỉ có người thành phố mới cúng dường Đức Phật, còn người nhà quê như tôi đây có cúng dường Đức Phật được không?”. Sau khi nghe người nọ giải thích rằng ai cũng có thể cúng dường, ông nói: “Người dân thành phố của ông đang cúng dường Đức Phật, vậy có ai cúng dường một ngàn đồng tiền trong một ngày không?”, “Không”, “ Này ông bạn, ông có biết là mật ong và sữa của tôi đang mang đây đáng giá một ngàn đồng tiền không?”, “Tôi biết.”, “Vậy thì ông hãy báo cho mọi người rằng có một người nhà quê sẽ đích thân cúng hai món này lên Đức Phật, các ông không phải tìm kiếm nữa và xin ông hãy làm chứng cho tôi rằng hôm nay tôi là người cúng dường vật đáng giá và đắt tiền nhất”.
Khi thấy Đức Phật thọ thực xong, ông đảnh lễ bạch Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Hôm nay, mọi người dân của thành phố Bundhamati đều biết con cúng dường cho Ngài. Con nguyện nhờ phước báo này mà con sẽ nhận được nhiều tài lộc, có nhiều tùy tùng và danh tiếng trong kiếp sau”. Đức Phật thọ ký cho ông rồi trở về chùa.
Quả báo từ kiếp trước
Sau khi mãn kiếp, ngài thác sanh nhiều kiếp khác trong cõi trời và cõi người. Trong thời Đức Phật Thích-ca, ngài thác sanh làm con trai của công chúa Suppavasa, dòng họ Koliya Thích- ca.
Kể từ khi mang thai ngài, mẹ ngài hằng ngày nhận hàng trăm món quà và trở nên giàu có hơn. Để khảo sát phước báo trong quá khứ của công chúa, các hoàng thân đã đem các hạt giống đến cho công chúa chạm tay vào rồi đem gieo trồng và các hạt giống nảy mầm vô số, mỗi hạt nảy cả ngàn mầm. Khi đem lương thực vào kho, họ lại nhờ công chúa chạm tay vào cánh cửa của nhà kho, nhờ vậy mà kho lương thực cứ vơi lại đầy. Khi họ phân phát thức ăn cho mọi người, vừa múc thức ăn vừa nói: “Đây là do phước báo của công chúa”, thức ăn cũng không bao giờ thiếu. Cứ như thế, những điều kỳ lạ cứ xảy ra trong suốt thời gian bảy năm công chúa mang thai ngài.
Một ngày nọ công chúa chuyển dạ, cơn đau bụng làm cho công chúa mệt lả và uể oải nhưng công chúa không rên mà chỉ niệm Phật, Pháp, Tăng và tưởng nhớ ân đức của Tam bảo. Đến ngày thứ bảy, công chúa bàn với chồng là muốn thỉnh Phật về nhà cúng dường, nhờ chồng thưa mọi chuyện với Phật và dặn chồng phải nhớ kỹ những gì Phật nói để kể lại cho nàng nghe. Hoàng tử-chồng của công chúa đến gặp Phật và trình bày đầu đuôi sự việc. Đức Phật nói “Nguyện cho công chúa được mạnh khỏe và mẹ tròn con vuông”. Khi Đức Phật nói như thế thì ở nhà công chúa hạ sanh một bé trai một cách an lành, mọi người ai nấy đều vui vẻ, sai người đi báo cho hoàng tử biết. Hoàng tử đảnh lễ đức Phật ra về gặp người hầu trên đường đi. Về đến nhà, công chúa lại yêu cầu chồng đi gặp Phật một chuyến nữa để thỉnh Phật và chúng Tăng về nhà thọ trai trong vòng bảy ngày. Đứa trẻ được sanh ra, hoàng thân quốc thích mọi người ai nấy đều thở phào nhẹ nhõm và đặt tên đứa trẻ là Sivali. Ở trong bụng mẹ bảy năm, ngài Sivali lúc này đã bảy tuổi.
Việc ngài ở trong bụng mẹ bảy năm là do quả báo từ kiếp trước. Trong tiền kiếp, ngài là hoàng tử con của chánh hậu của vua Baranasi. Vua xứ Kosala đánh bại vua Baranasi, lập chánh hậu của vua Baranasi làm hoàng hậu. Thái tử Baranasi thoát chết, tập hợp quân đội và kéo quân về thành đòi vua mới hoặc phải trả kinh đô hoặc phải tham chiến. Mẹ của thái tử, lúc này là hoàng hậu của vua Kosala, khuyên thái tử nên vây thành. Theo lời khuyên của mẹ, thái tử cho quân bao vây tất cả các cổng thành, người dân muốn ra vào phải đi qua các cổng nhỏ rất khó khăn. Người mẹ lại kêu thái tử chặn luôn các cổng nhỏ, không ai ra vào được. Cứ như vậy kéo dài bảy năm. Người dân cảm thấy tù túng, đi lại không được thoải mái, nổi dậy chặt đầu vua Kosala giao cho thái tử Baranasi, thái tử vào thành và lên ngôi hoàng đế. Do ác nghiệp đó, mẹ ngài phải mang thai ngài bảy năm bảy ngày và ngài phải ở trong bụng mẹ bảy năm bảy ngày.
Trở lại chuyện đại lễ cúng dường trai Tăng của công chúa. Đến ngày cúng dường thứ bảy, ngài Xá-lợi-phất hỏi Sivali: “Này Sivali, con có thích trở thành một Tỳ-kheo sau khi đã chịu bao nhiêu đau khổ như thế không? (tức là chịu khổ ở trong bụng mẹ bảy năm). Đứa bé trả lời: “Nếu được cha mẹ cho phép con sẽ xuất gia”. Mẹ của ngài cũng rất vui và nói với ngài Xá-lợi-phấtt rằng: “Xin ngài hãy cho Sivali xuất gia làm Sa di”. Thế là ngài Xá-lợi-phất dẫn Sivali về chùa, cạo tóc cho làm sa di. Cạo một đường tóc đầu tiên, ngài Sivali chứng quả Tu-đà-hoàn, cạo đường tóc thứ hai ngài chứng quả Tư-đà-hàm, cạo đường thứ ba ngài chứng quả A-na-hàm và khi vừa cạo xong đầu tóc thì ngài chứng luôn quả A-la-hán.
Kể từ ngày ngài Sivali xuất gia làm Sa di, trong Tăng đoàn, tứ vật dụng luôn dồi dào. Bất kể ngài đi nơi đâu, chư thiên đều dâng vật phẩm cúng dường không những cho ngài mà cho cả tăng đoàn. Chính vì thế Đức Phật ban cho ngài Sivali danh hiệu là vị đệ tử có tài lộc đệ nhất.
Chú thích: Có tham khảo từ The Great Chronicle of Buddhas, Vol. VI