Nếu gặp rắn bạn sẽ làm gì? (3)
Chuyện thứ ba: Rắn nghe Pháp
Ngày Chủ nhật, 20 tháng 6 năm 1982, đúng lúc cử hành Pháp lễ trên đường đến chánh điện đại chúng phát hiện có một con rắn lục có vằn nằm ngay nơi cửa trước Ðại điện, dài khoảng ba bốn bộ, hình dạng rất nhỏ và dài. Mọi người sợ không dám tiến vào. Vị Tăng giám thị là Thầy Hằng Vô, định đem con rắn vứt ra ngoài.
Lúc đó ngài Tuyên Hóa cũng đang tiến lại, Sư phụ mỉm cười bảo: “Không cần làm vậy, tất cả chúng sinh đều có Phật Tánh, con rắn tới là để thân cận Tam Bảo, vì muốn nghe Pháp, ta không nên đuổi nó!”
Kỳ lạ thay con rắn này không giống như những con rắn bình thường khác, mình nó trườn dài ra mặt đất, tuy có trăm người bước qua mình, mà nó không có sợ hãi gì cả, nó hết sức thuần thục và hiền lành.
Ảnh minh họa.
Khi Hòa thượng lên đài thuyết Pháp thì Ngài dạy rằng: “Kêu con rắn đó vào đây mà nghe Pháp đi.” Con rắn nghe như vậy thì lập tức tiến vào, nó bò từ từ vào đến ngay giữa Chính điện không hề làm kinh sợ những người hai bên, rồi từ nơi Ðại điện ở phía trái nó bò qua bên phải, rồi mới nhiễu quanh tượng Phật một vòng, xong từ từ nằm phục xuống ở Pháp tòa, cũng giống như là quỳ trước tượng Phật vậy, nằm im nghe Pháp. Hòa thượng mới khai thị cho nó như vầy:
Tất cả chúng sinh
Đều có Phật tính
Đều có thể thành Phật.
Hòa thượng giải thích:
Hôm nay con rắn mà các vị gặp ở Phật điện cũng là một chúng sinh. Song do nó thị hiện thân rắn, nên chúng ta thấy sợ, thấy mà không nhận thức, thậm chí còn bị lừa nữa. Rắn này tới đây chỉ để thân cận Tam Bảo, để nghe Pháp, nghe Kinh, nếu không vậy thì sao nó vào đây mà hết sức hiền hòa, nằm phủ phục chẳng động đậy gì cả nơi bục cửa?
Tuy nhiên, lấy mắt nhìn thì nó chỉ là con rắn nhỏ; kỳ thật rắn này có sức thiên biến vạn hóa; có thể ẩn hình, có thể thu nhỏ, biến lớn, lại biết đằng vân giá vũ, bay qua lượn lại trong không trung. Chúng ta không thể biết được bản lĩnh của nó. Rắn này tương lai tu hành thành công cũng sẽ đắc Ðạo. Phật kinh có đề cập tới Thiên Long Bát Bộ, thì rắn này thuộc một trong tám bộ đó: tức là Ma Hầu La Già (Ðại mãng xà).
Quý Phật tử hoan hỷ theo dõi “Câu chuyện thứ 4” ở bài kế tiếp.