Nẻo về tánh Không

Đôi khi ta chật vật đi qua những nẻo đường hun hút gió, một chút tử tế được chia sẻ từ người dưng cũng biến không thành có, để gió bớt lạnh, để ấm tìm về.

 

1. Có đôi khi tâm rong ruổi giữa những chập chùng lớp sóng thời gian, tôi lại có những hình dung mờ nhạt mà khó quên về một bác hàng xóm làm nghề thuế vụ.

Mỗi một ngày sau khi thu đủ thuế sạp, bác lùng sục sạo đủ ngóc ngách hẻm hóc trong chợ, quát tháo, nặng nhẹ đủ đường để thu thuế bằng được từ mấy o, mấy mệ bòn mót đồ vườn lên chợ bán đổi lấy vài lon gạo. Mỗi lần bác dán một tờ giấy mỏng có miếng mực đỏ lem nhem lên một vành nón rách thì có lẽ sẽ có một bữa cơm nhà độn thêm một ít sắn khoai. Không ai biết được miếng mực đỏ lem nhem ấy là từ con dấu của nhà nước hay từ con dấu củ khoai lang của bác dập lên, nhưng người trong xóm thì biết cơ ngơi nhà bác thuộc loại đàng hoàng giữa nhập nhèm thời bao cấp.

Một ngày nọ, bác qua nhà tôi nài nỉ ông ngoại tôi dẫn bác lên chùa quy y để xin Hòa thượng cái pháp danh. Theo cách nói của bác, pháp danh là một hành trang tươm tất bác chuẩn bị để về căn nhà cuối.

Hòa thượng hỏi han nghề nghiệp của bác rồi hỏi bác liệu có thể “mắt nhắm mắt mở” bớt thu thuế ngày của mấy người đã quá nghèo cực không. Bác cúi đầu rồi lại lắc đầu. Hòa thượng vẫn cười hiền hòa, và sau đó bác ra về với pháp danh “Như Không”.

Ông ngoại tôi bảo bác cũng có danh nhưng pháp e là không thấm được.  Tuy nhiên, nhiều năm sau khi bác Như Không đi về an cư ở căn nhà cuối, tôi lại thấy trong đoàn người đến tiễn đưa bác có mấy o, mấy mệ sụt sùi dưới vành nón rách. Không đó rồi có đó, thật quý thay.

tanh-khong-la-tanh-nhu

2. Chị giỏi giang và cật lực kiếm tiền đến hao mòn thời thanh xuân đẹp đẽ. Nhưng chị chán chường thất vọng vì gia đình chị tiêu tiền rất dễ dàng mà không trân trọng người đã lao tâm khổ tứ để kiếm ra nó. Chị lạc lõng bơ vơ trong ngôi nhà của riêng mình, rồi chị lại lấy việc lao đầu vào kiếm tiền làm ý nghĩa cho cuộc sống của mình.

Một hôm nọ, tôi ngồi lặng yên nghe chị trút bớt muộn phiền, lòng không khỏi gợn lên những cảm xúc khó thể gọi tên khi chị kể hàng đêm, chị phải lôi xấp tiền mệnh giá lớn nhất cất trong gối ra đếm đi đếm lại rồi mới chập chờn đi vào giấc ngủ.

Tôi kể chị nghe câu chuyện về một đồng nghiệp của tôi nhiều năm về trước. Cứ mỗi ngày cô ấy đến trường là tôi lại thấy một bộ váy hay một chiếc đầm mới, có khi rất chỉn chu, có lúc rất sang trọng. Tuy vậy đến một sự kiện gì đó, cô ấy đứng trước chiếc tủ quần áo tràn ngập màu sắc và lại khổ sở kêu sao chẳng có cái nào mặc được hết trơn. Cô ấy khổ vì cái có nó hiện hữu ở đó mà cô vẫn thấy là không.

Rồi có một ngày cô ấy khen tôi mặc chiếc áo mới đẹp quá, tôi cười bảo cái áo này chị cất 6 năm rồi nay đem ra mặc lại. Cô ấy nhận ra cái mình cần thật ra rất ít mà cái mình muốn lại quá nhiều để rồi sinh mệt. Chị nghe câu chuyện rồi bảo rằng từ nay chị sẽ không đếm tiền mỗi đêm nữa, để khỏi ngủ chập chờn với ý nghĩ tiền có đó mà mà cứ sợ đến một ngày sẽ hóa thành không.

3. Em là sinh viên của tôi đã ra trường gần hai năm về trước nhưng vẫn kết nối với tôi trên mạng xã hội. Một đêm khuya, em trải lòng với tôi về những thiếu vắng tình yêu thương và sự chăm sóc của cha mẹ từ tấm bé. Bà nội đã bù cho em tình yêu thương của mẹ, nhưng rồi tình thương ấy cũng đến một ngày theo bà em về với gió mây. Em gai góc, em chai sạn để tồn tại được giữa cuộc đời đơn độc. Em lại nương tựa vào tình thương của cô ruột và gọi cô là mẹ, để có một điểm tựa cho những khi em hụt bước giữa đường đời.

Tôi đọc từng con chữ em gửi đến tôi, để chia sẻ với em nỗi bơ vơ khi em chỉ có một mình giữa đường đời thăm thẳm. Tôi nói với em rằng tuy em không có mẹ nhưng em vẫn được an ủi trong tình thương của hai người mẹ, và tình thương muôn thuở vẫn dịu dàng ấm áp như nhau. Đôi khi ta chật vật đi qua những nẻo đường hun hút gió, một chút tử tế được chia sẻ từ người dưng cũng biến không thành có, để gió bớt lạnh, để ấm tìm về. Tôi mong em vững bước, có niềm tin rằng em được yêu thương giữa cuộc đời không có mẹ cha dìu dắt.

Rồi tâm tôi lại trôi trên một dòng sông không bến bờ neo đậu, nương theo những câu hát thong dong rơi xuống mặt sông dìu dịu nắng vàng trong một chiều hiu hiu gió mát:

“… Trăm năm trước thì ta không có

Trăm năm sau có lại hoàn không

Cuộc đời sắc sắc không không

Trăm năm còn lại tấm lòng từ bi…”

______

(*) Tác giả là giảng viên chuyên ngành Ngôn ngữ Anh và Tư duy biện luận tại Đại học Quốc tế và Viện Đào tạo Quốc tế (Đại học Quốc gia TP.HCM)

Đỗ Thị Diệu Ngọc (*)