Nên đối thoại liên tôn giáo

Phật giáo nên chủ động đối thoại với tinh thần bi-trí-dũng; cần tự tin đối thoại trong tâm thái từ, bi, hỷ, xả - Ảnh minh họa

Phật giáo nên chủ động đối thoại với tinh thần bi-trí-dũng; cần tự tin đối thoại trong tâm thái từ, bi, hỷ, xả – Ảnh minh họa

HỎITôi có người bạn Phật tử, khi nói chuyện với những người có tôn giáo khác anh ấy hay tranh luận giữa giáo lý đạo Phật và giáo lý tôn giáo bạn. Tôi có khuyên anh ta hãy tôn trọng niềm tin của bạn, vì các tôn giáo bạn tuy quan điểm và đức tin khác với đạo Phật nhưng có điểm chung là cùng hướng thiện. Nếu có trao đổi thì nên đối thoại trong tinh thần tôn trọng, cởi mở để tìm ra điểm chung, tích cực và khuyến khích bạn thực hiện đúng theo tôn chỉ của tôn giáo mình. Không biết tôi suy nghĩ như vậy đúng không? Quan điểm của Phật giáo về vấn đề này thế nào?

(THÀNH TÂM, thanhtam121…@gmail.com)

Bạn Thành Tâm thân mến!

Hiện nay, các tổ chức tôn giáo lớn trên thế giới rất chú trọng đến công tác tìm hiểu, đối thoại giữa các tôn giáo bạn, gọi là đối thoại liên tôn. Đã qua rồi cái thời kỳ tôn giáo của những đội quân viễn chinh thắng trận là vô địch, tôn giáo những người cai trị là tối thượng. Xu hướng chủ đạo của nhân loại văn minh hiện nay là thường xuyên tổ chức đối thoại liên tôn trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng nhằm tăng cường hiểu biết, thiết lập cảm thông để xây dựng thế giới hòa bình, sống chung an lạc.

Điều cần lưu ý là trao đổi, sẻ chia, đối thoại để có thể học hỏi lẫn nhau chứ không phải tranh luận gay gắt có tính tranh chấp cao thấp, đúng sai, hơn thua. Khi lập trường đối thoại của bạn bị cái tôi, tự ngã chi phối, dẫn dắt thì tranh luận dễ dàng trở thành tranh chấp, xung đột. Lịch sử nhân loại đã ghi nhận rất nhiều cuộc chiến tranh tôn giáo đẫm máu nhân danh thánh chiến vì bảo thủ và xung đột niềm tin. Vì thế, người Phật tử khi gặp thuận duyên thì rất nên trao đổi, sẻ chia, đối thoại với những người có đức tin tôn giáo khác với mình nhằm giúp người khác đạo, người không có đạo hiểu đúng như thật về Phật giáo.

Người Phật tử luôn mở lòng đối thoại trong tinh thần từ bi và trí tuệ. Tôn trọng lẫn nhau, cởi mở và bao dung để tìm ra điểm chung, tích cực. Ngay cả các tông phái, hệ phái, truyền thống của chính Phật giáo cũng cần đối thoại, trao đổi nhằm học hỏi lẫn nhau. Quan điểm của Phật tử khi đối thoại là tìm cách hiển bày sự thật, sáng tỏ chân lý, tôn vinh Chánh pháp. Phật giáo cảm hóa người khác đạo ở khắp nơi trên thế giới chủ yếu là do tự thân họ nhận thức được giá trị của Chánh pháp rồi tự đi theo mà không hề có sự dụ dẫn, lôi kéo hay dùng bất cứ phương cách nào nhằm cải đạo.

Đáng nói là hiện nay Giáo hội chưa chú trọng đúng mực vào Phật sự đối thoại liên tôn. Các ban ngành viện của Giáo hội cũng chưa có ban chuyên trách đúng nghĩa về vấn đề này. Trong khi đối thoại liên tôn là vấn đề luôn xảy ra ở mọi quy mô và cấp độ, từ cá nhân đơn lẻ, hộ gia đình làng xã cho đến các tổ chức quốc gia, toàn cầu. Các tôn giáo bạn từ lâu đã xem đối thoại liên tôn là một trong những nhiệm vụ truyền giáo quan trọng. Thực tiễn cho thấy có tôn giáo bạn hiện đang tiếp cận Phật giáo và Phật tử trong tâm thái chủ động, tự tin. “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng” (Tôn Tử). Vì thế, chủ động tìm hiểu để biết người, biết ta và tìm ra phương cách tiếp cận tốt là hành xử đúng đắn nhất để giữ đạo và truyền đạo mà Giáo hội phải lưu tâm.

Thời Đức Phật còn tại thế, đối thoại liên tôn và đối thoại trong chính nội bộ là một trong những công việc hoằng pháp độ sinh quan trọng của Ngài. Kinh Phật còn ghi lại rất nhiều cuộc đối thoại giữa Phật, chư Thánh Tăng với các tôn giáo bạn, trao đổi giữa những người cùng một tôn giáo với nhau. Sau thời Đức Phật, các vị Thánh Tăng, Tổ sư ở các thời đại cũng tận lực đối thoại với các tôn giáo bạn đương thời. Những luận bản do chư Tổ trước tác hiện tồn trong Tam tạng là minh chứng cụ thể cho nỗ lực đối thoại ấy.

Cho nên, Phật giáo nên chủ động đối thoại với tinh thần bi-trí-dũng; cần tự tin đối thoại trong tâm thái từ, bi, hỷ, xả; phải tận lực đối thoại vì mục tiêu vô ngã, vị tha. Nếu Phật giáo nói chung và Giáo hội nói riêng không đánh giá cao tầm quan trọng của đối thoại, tránh né việc đối thoại là chưa thực thi đúng truyền thống “giương cao ngọn cờ Chánh pháp” của Phật, Tổ.

Chúc bạn tinh tấn!