Nắng đẹp đồng bằng
Đã đi qua núi, sông, đồng, biển… đủ cả. Nhưng trong tâm thức của Vân, không nơi nào đẹp bằng dòng sông chảy êm đềm giữa đồng bằng châu thổ. Vân thích đi đó đi đây, đi để thấy non nước mình đẹp, để nhận ra đồng bằng châu thổ chiếm giữ một vị trí quan trọng trong trái tim mình.
Đồng bằng sông nước là nơi Vân được sinh ra và lớn lên. Những con sông đã chảy vào sâu trong tâm hồn Vân, bồi đắp tình yêu thương trong Vân, giúp Vân nhận mặt cội nguồn. Vân nhớ, có lần cô đứng ở đỉnh Tà Xùa ngắm mây bay qua đỉnh đầu mà nhớ thương đồng bằng trũng thấp quê mình tha thiết. Hay khi Vân ngắm tháp Eiffel giữa lòng Paris hoa lệ mà lòng Vân cứ đau đáu hướng về Việt Nam, chỉ mong sớm trở lại đồng bằng để ngồi nghe âm vọng của sông nước, của phù sa lắng trong lòng đất cổ…
*
Những ngày còn bé xíu, tóc cột đuôi gà lủng lẳng trên đỉnh đầu, Vân cứ mơ hoài một ngày nào đó sẽ bước chân đi khỏi vùng đất trũng thấp này – cái xứ sở mà ai cũng bảo là tù đọng, buồn tẻ, không phải là nơi để gửi gắm những giấc mơ dài. Má hay cười – một nụ cười rất đẹp và chân chất. “Đời má gắn liền với sông nước, sông nước cưu mang má con mình, bởi vậy má phải ở lại chốn này, không mơ mộng xa xôi” – Má nói vậy.
Má con Vân sống trên chiếc ghe nhỏ xíu. Hàng ngày, má ngụp lặn dưới nước để đục hàu, mò tôm, lưới cá… Chẳng bao giờ Vân thấy người má khô. Quần áo má cứ ướt sũng từ sớm đến chiều. Có khi tối mịt Vân vẫn còn thấy má ngụp dưới sông, trên mặt sông chỗ má lội có cái thau nhôm nổi bồng bềnh, trong thau có ngọn đèn dầu đỏ có ống khói trùm lại để gió đừng tạt tắt. Vân gọi má lên, tối rồi, kẻo lạnh. Má lên mang theo cả một thau hàu, con nào cũng to và béo ngậy.
Hình ảnh má vịn vào thành ghe, nửa thân dưới còn chìm trong nước, mình mẩy ướt sũng, nhìn Vân cười hiền lành… đến giờ vẫn còn đeo đẳng mãi trong tâm trí của Vân. Và sẽ chẳng bao giờ Vân quên được.
Vân đã dự cảm một điều gì đó nhưng không rõ. Từ lâu lắm rồi. Những dự cảm đó tự dưng khiến Vân thấy sợ sông nước, sợ đời lênh đênh trên chiếc ghe nhỏ này. Vân nói với má lên bờ mà sống, má cũng gật đầu. Ước mơ của Vân cũng chính là khát vọng của má. Nhưng má hẹn Vân thêm một thời gian nữa sẽ lên bờ, khi đã tích cóp đủ số tiền mua mảnh đất nhỏ dựng cái nhà lá nhỏ ven sông. Vân cứ mơ mộng về cái ngày đó. Nhà nhỏ nhưng ấm cúng, trước nhà có vuông sân nhỏ, có bến sông, Vân sẽ trồng rau, trồng hoa, nuôi thêm đàn gà. Tuy còn nhỏ nhưng Vân chẳng mong cầu cuộc sống giàu sang, chỉ cần đủ ăn là được. Tính Vân thực tế như má, và cũng dạt dào tình yêu dành cho sông nước đồng bằng như má.
Những chiều hoàng hôn buông đỏ ửng bầu trời, đỏ cả dòng sông chảy dài uốn lượn giữa đồng bằng trù phú, Vân đều thấy trong lòng mình có chút gì trơ trọi, tủi buồn. Vân ngồi bó gối trước mũi chiếc ghe đang cắm sào gần bờ, nhìn sông, nhìn theo bóng má đang ngụp lặn giữa dòng nước xiết. Bóng má xa dần. Vân sợ lắm! Sợ một lúc nào đó không nhìn thấy má nữa, không còn nghe má í ới sau tiếng gọi của Vân, không bắt gặp hình ảnh má vịn tay vào thành ghe ngoi lên khỏi mặt nước ló mặt vào trong cười tươi rói… chắc Vân sẽ không sống nổi. Vân nói với má: “Mình đừng làm nghề này nữa má, nguy hiểm quá. Sông nước cưu mang mình, nhưng đâu phải lúc nào mình cũng an toàn trên sông nước”. Má gật đầu, nói “ừ, để thủng thẳng má kiếm việc khác ổn ổn mà làm, giờ má làm nghề đục hàu, mò tôm bắt cá quen rồi, bỏ ngang sao được”.
Vân cứ đợi, hồi hộp mang theo trong tim nỗi lo sợ phập phồng.
Cô bé có tâm hồn nhân hậu, bao dung và tận sâu trong đáy lòng là nỗi lắng lo cho phần đời trên sông nước ấy đâu biết rằng những lo sợ đã trở thành sự thật. Như Vân dự cảm, một chiều nọ Vân gọi khản cổ mà má vẫn không hồi đáp. Hoảng hốt, Vân nhổ sào dong ghe đi tìm. Tìm mãi. Về phía hoàng hôn. Không thấy người đàn bà cơ khổ ngoi lên giữa dòng. Vân xót xa gào thét xé nát cả bóng chiều tịch mịch.
Hôm ấy, hoàng hôn tím ngát mặt sông. Tím như nỗi buồn của Vân…
*
Năm tháng trôi qua, Vân cũng không còn sống trên chiếc ghe nhỏ ngày nào từng đêm lại thoảng hương cháo hàu má nấu. Chiếc ghe cũ kỹ, mỗi mùa mưa má lại đưa vào bờ, lợp lại mui cho đỡ dột. Nhưng đó cũng là kỷ niệm đẹp đẽ và ấm cúng nhất của Vân. Thuở có má là thuở bình yên nhất. Bấy giờ Vân mới thấm thía câu ca dao xưa kia má vẫn thường hay lẩm nhẩm hát những chiều cặm cụi tưới cây ớt hiểm trồng trong cái khạp mẻ sau lái: “Còn cha, còn mẹ thì hơn. Không cha, không mẹ như đờn đứt dây…”. Vân như cây đờn đứt dây, tháng năm dài sống trong chập chờn kỷ niệm. Những đêm dài Vân mơ thấy má, thấy mình được hạnh phúc trong khoảnh khắc rồi đến khi thức dậy thì hạnh phúc ấy biến tan, má xa mờ, chìm khuất giữa dòng sông rộng…
Giữa đồng bằng, Vân đã sống những ngày nắng cháy và mưa dầm. Những vườn trái cây xum xuê ở hai bên bờ sông dài uốn lượn. Đất đai màu mỡ, phù sa ngọt ngào. Vân đã quen với chốn này từ thơ bé. Càng lớn, tình yêu đồng bằng càng sâu đậm trong Vân. Có lần, Nguyên bàn với Vân chuyện rời đồng bằng, lên thành phố mà sống. “Ở đây, em sẽ mãi sống trong những kỷ niệm xưa cũ, nhìn sông mà nhớ má vẫn còn nằm đâu đó dưới đáy sông này. Em sẽ buồn, sẽ day dứt cả đời người…” – Nguyên nói vậy. Vân ngồi ngẫm ngợi một lúc, tựa đầu vào vai Nguyên, khe khẽ: “Em đi rồi, lỡ má về tìm em, sao má gặp được? Má đã bao giờ đặt chân lên thành phố hoa lệ ấy đâu?”.
Nguyên thở dài. Đến tận bây giờ, Vân vẫn tin rằng má mình còn sống. Chỉ là má lạc đâu đó mà thôi. Đến khi má già nua, tóc má bạc màu, da má nhăn nheo… thế nào má cũng sẽ tìm về với Vân, vì Vân biết má thương Vân vô cùng. Vân là tất cả đối với má!
Cuộc sống của Vân vẫn êm đềm trôi. Giữa đồng bằng, Vân đã sống những ngày có ích. Cô hướng dẫn viên du lịch mặc áo bà ba thướt tha trong gió, giới thiệu với khách nước ngoài về vẻ đẹp của sông nước, miệt vườn, của văn hóa được hình thành trên mảnh đất hình thành hơn ba trăm năm trước.
Vân rành tiếng Anh, nói như người bản địa. Vân đưa khách đi vào thăm những khu vườn trái cây ngọt mát trong những kinh, rạch tẻ ra từ dòng chủ lưu. Vân giới thiệu cho khách biết đây là chợ nổi, kia là thành phố bên sông, là chiếc cầu mới xây nối đôi bờ, được xếp vào hàng hiện đại và hoành tráng bậc nhất cả nước… Và, “nơi đây, năm xưa má con em sống bằng nghề đục hàu, mò tôm, bắt cá trên sông… lận đận lắm”… Im lặng một thoáng, Vân nói tiếp: “Rồi má em cũng biệt tăm trên dòng sông này. Kính thưa du khách! Sông ở nơi này không chỉ là dòng nước vô tri, mà nó còn ẩn chứa biết bao phận đời chìm nổi…”.
Khách nghe mà lòng rệu rã. Tự dưng thấy xót thương cho cô hướng dẫn viên nhỏ nhắn, tóc dài chấm lưng kia. Sụt sùi…
Nắng lòa xòa nắng. Mùa xuân, mấy cây dừa ven sông xanh lá, trái nào trái nấy mơn mởn, to tròn, đầy nước. Cây dừa nghiêng ngả soi bóng xuống dòng sông, che mát cái bến mà Vân và Nguyên thường hay ra đó để ngồi ngắm sông, cùng nói cho nhau nghe về tương lai, và Vân cũng nhìn xa xăm tìm má.
Biết đâu một lúc nào đó, giữa đồng bằng trũng thấp này, Vân sẽ được gặp má yêu thương. Lúc đó chắc Vân sẽ khóc như mưa, như sông, sẽ ôm má đến nỗi không thở được.
*
Ở bên sông có đám cưới, không quá rình rang nhưng cũng có nhạc sóng, có rạp hoa xanh đỏ, có pháo nổ giòn giòn…
Đám cưới Vân được tổ chức theo kiểu truyền thống. Đến dự có bạn bè, đồng nghiệp của Vân trong Công ty Du lịch “Miệt Vườn”, có cả những khách du lịch vì quý và thương cô hướng dẫn viên có dáng người nhỏ nhắn, thùy mị, nết na, giọng ngọt như mía lùi… nên đến chúc mừng. Vì thương Vân nên Nguyên quyết định về đồng bằng lập nghiệp, phát triển lĩnh vực du lịch và lữ hành, thay vì lên thành phố như Nguyên từng mơ ước.
Đám cưới, ai cũng vui. Đến mấy đứa trẻ hàng xóm cũng xúm xít chạy sang rôm rả nói cười, hát bài đồng dao “Cô dâu chú rể, làm bể bình bông…”. Chỉ mỗi Vân là còn thấy thiếu thiếu một điều gì đó. Là má. Có má thì niềm vui của Vân sẽ trọn vẹn hơn nhiều. Vân cứ ngóng ngóng hoài xuống bến sông, biết đâu má sẽ trở về đúng ngay ngày mà Vân thành gia lập thất?
Cuộc sống vốn dĩ không như mong ước của mỗi người. Nó cứ diễn ra theo một quy luật bí ẩn nào đó. Như cuộc giã từ của má, biền biệt bao nhiêu năm trời. Như cuộc gặp gỡ giữa Vân và Nguyên, rồi đi đến kết hôn, rồi quyết định trụ lại đồng bằng bởi trong tim Vân đồng bằng và sông nước là máu thịt…
Tiếng pháo nổ giòn rang. Cô dâu chú rể bước ra chào khách, tủm tỉm cười trong ngày đại hỷ. Nguyên nắm chặt tay Vân, đủ để Vân nhận ra Nguyên chính là bờ vai vững chắc để Vân tựa vào, là bàn tay tin tưởng để Vân nắm và bước đi đến nơi cùng trời cuối đất. Những tràng pháo tay rộn ràng vang lên, ai cũng hướng mắt về phía cô dâu, chú rể đẹp đôi vô cùng mà không để ý đến người đàn bà lạ nào đang cập mũi ghe vào bến sông, đậu ghe dưới tán của cây tra bông vàng nhìn lên bờ trông cô dâu có nét quen quen như người thương xưa cũ…