Mượn một cái bè, thấy một cái tôi

Nhận thức luận Phật giáo chia làm 2 cấp độ. Cấp độ cao nhất là CHÂN ĐẾ (hay còn gọi là thắng nghĩa đế), tức là sự thực bản chất. Cấp độ hai là TỤC ĐẾ (hay còn gọi là tuỳ thuận đế), tức là sự thực ước lệ.

Ở cấp độ chân đế, cái tôi không tồn tại, vì suy cho cùng cái tôi chỉ là sự gặp gỡ đủ duyên giữa các yếu tố khác mà thôi (sắc/thọ/tưởng/hành/thức), mà tất cả các yếu tố này đều sinh diệt và không có tự tính. Nhưng ở cấp độ tục đế, cái tôi/bản ngã là một sự hiện tồn tương đối bên trong mỗi người. Chúng ta qui ước với nhau mỗi người một cái tên, chúng ta nhìn thấy ở bề mặt của nhau: mỗi người một hình tướng, một tập khí, một nét tính cách, không ai giống ai. Vì thế, ở cấp độ của sự thực ước lệ, cái tôi có thật.

Bè trên sông. Ảnh minh hoạ.

Bè trên sông. Ảnh minh hoạ.

Con người kẹt vào cái tôi, từ đó luôn muốn “có nhiều hơn”, từ đó không ngừng so sánh/phân bua/ăn thua với những đối tượng ngoài mình. Giá trị của một người thường được đánh giá bởi số lượng những giá trị vật chất/tinh thần mà người ấy sở đắc. Nhân loại cơ bản chạy theo cách này, và chính vì cách này mà ai cũng muốn có nhiều hơn người khác, dân tộc nào cũng muốn phát triển cao hơn dân tộc khác. Chỉ số tăng trưởng cá nhân lẫn chỉ số tăng trưởng dân tộc, từ lâu đã trở thành thước đo duy nhất để đánh giá sự hơn – thua. Người này hơn người kia, dân tộc này hơn dân tộc kia cơ bản vì chỉ số tăng trưởng của họ cao hơn. Hẳn nhiên, chỉ số tăng trưởng không chỉ là vật chất, nhưng cốt lõi của nó chính là vật chất.

Từ cách thức này mà con người ngày càng thông minh hơn, sắc sảo hơn, giỏi giang hơn, nhưng lại ít thông thái hơn, và đặc biệt: ít màu nhiệm hơn. Hẳn nhiên, bất luận cái gì hiện tồn đều có lý do của nó. Chúng ta không nên nhân danh một cái này để lên án hay phủ nhận một cái khác, đối lập với nó. Bởi như thế là là ta sẽ đi từ cái bám chấp này sang bám chấp khác, giống như chui khỏi cái hang này để lọt vào cái hang khác. Suy cho cùng, cái hang nào cũng nguy hiểm cả. Bám chấp vào tăng trưởng đến mức thực dụng cũng nguy hiểm, mà bám chấp vào màu nhiệm đến hư vô cũng nguy hiểm không kém phần. Đức Phật bảo, kẹt vào cái gì khổ cái ấy là vì thế!

Do vậy, vấn đề không phải là phủ nhận A để khẳng định B, mà đơn thuần chỉ là khi A nổi lên, ta nhận biết được nó đang nổi lên. Cái tôi đang nổi lên, ta cũng biết là nó đang nổi lên. Tách mình khỏi nó, thay vì đồng nhất mình với nó, quan sát nó như một phần ở trong mình, thay vì đồng nhất toàn bộ nó với mình chính là bước chân đầu tiên/vô cùng quan trọng trên hành trình thoát khỏi sự tù hãm của nó trong đời sống tâm trí mình.

Khi ta muốn hơn thua với một ai đó, rằng ta đúng, người đó sai thì đấy chính là lúc cái tôi đang nổi lên rồi đấy. Việc của ta không phải là ngăn chặn nó. Làm sao ngăn chặn được. Càng cố ngăn chặn càng không ngăn chặn được. Việc của ta chỉ là nhận diện:

Ồ! Nó đang nổi lên rồi kìa!

– Ồ! Nó ở trong tôi, là một phần của tôi, nhưng không phải là tất cả của tôi.

– Ồ! Tôi đang nhìn nó này. Nói chính xác: Tôi đang nhìn tôi này.

Nhờ thế, cái tôi gắn liền với những mê mờ ảo tưởng sẽ lặn xuống, và bản chất chân thật có cơ hội bước ra. Hẳn nhiên, việc phân tách/nhìn nhận này không đơn giản. Không phải cứ nói “nhìn” là “nhìn được ngay”, mà đòi hỏi một sự luyện tập có phương pháp. Ở chỗ này, ngay cả cái gọi là “phương pháp” cũng chỉ giống như cái bè qua sông, chứ không phải là chân lý. Ta mượn bè qua sông thôi, nhưng cũng đừng bám chấp vào bản thân cái bè. Ý thức rõ: Bè ơi, tôi đang nhờ bạn đưa sang bờ bên kia…

Trong những năm qua, tôi đã xây dựng những cái bè như thế. Và tôi sẽ nói về những cái bè ấy, những phương pháp ấy trong sự kiện “Một ngày tỉnh thức” tại Hà Nội vào cuối tuần này. Hy vọng khi đi trên những cái bè ấy, bạn sẽ nhìn rõ hơn cái tôi của bạn. Mà nhìn rõ hơn cái tôi của bạn (Khi nó chỉ mới mon men xuất hiện) có nghĩa là bạn đã bắt đầu trở về với sự thông tuệ vốn có (chứ không phải thông minh tu luyện) của chính mình rồi đó.

Phan Đăng (diễn giả)