Muốn ít và biết đủ để sống an yên

Thiểu dục là muốn ít, tri túc là biết đủ. Không chỉ riêng người xuất gia mới thực hành hạnh muốn ít và biết đủ mà tất cả mọi người đều có thể thực hiện điều này. Vì thiểu dục tri túc chính là nguồn gốc của thiện pháp.

Tại sao lại nói như vậy? Khi tâm chúng ta đã bớt tham cầu và không mong muốn nhiều điều nữa thì những cảm thọ vui khi được, buồn khi mất sẽ không sinh khởi. Không dính mắc vào tiền tài, danh vọng, sắc đẹp,… thì sống một đời nhàn nhã, thong dong. Khi sống thong dong tự tại được giữa cuộc đời này thì thân khẩu ý sẽ bớt hoặc không tạo thêm điều bất thiện. Nếu con người học được cách thỏa mãn với những điều tối thiểu nhất, biết đủ với những gì mình đang có và học cách hài lòng với cuộc sống hiện tại, thì cuộc đời sẽ tốt đẹp biết bao.

Trong kinh Di giáo, Đức Phật dạy: “Người biết đủ tuy nằm dưới đất vẫn lấy làm an vui, người không biết đủ dù ở thiên đường cũng không vừa ý”. Đó là lý do vì sao nhiều người giàu có sống sung túc, nhà cao cửa rộng, kẻ hầu người hạ nhưng vẫn không thấy hạnh phúc, còn người nghèo ngày hai bữa muối dưa đạm bạc, mái nhà che mưa chắn nắng cũng đủ an lòng. Ta thấy rằng, thiếu thốn hay đầy đủ không phải phụ thuộc vào những thứ mà ta có được mà phụ thuộc vào cách sống hay cách suy nghĩ của con người. Vậy thì, khổ đau hay hạnh phúc không đến từ bên ngoài mà đến từ tâm tham muốn hay tâm ít muốn của chúng ta.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Vậy ít muốn là ít muốn điều gì, biết đủ là biết đủ thế nào? Điều ham muốn bình thường mà chúng ta tiếp xúc hàng ngày đó chính là ngũ dục: tài-tiền bạc, sắc-sắc đẹp, danh-danh vọng, thực-ăn uống, thùy-ngủ nghỉ. Đây chính là năm điều mà con người khao khát đạt được càng nhiều càng tốt, thậm chí dùng mọi cách để thỏa mãn dục vọng của mình. Mong cầu của con người không có điểm dừng, khi đói thì muốn ăn no, được ăn no thì muốn được ăn ngon, ngon rồi thì muốn những món ăn độc lạ, quý hiếm,…. Khi lạnh thì muốn mặc ấm, đến khi đủ ấm thì lại muốn sang trọng và đẹp hơn. Sở dĩ như vậy là vì họ để chính mình cuốn theo vòng xoáy của dục lạc mà không đủ tỉnh giác để dừng lại, không đủ kiểm soát chính mình và mọi thứ xung quanh.

Chúng ta đã từng nghe lời tâm sự của nữ nhà văn người Mỹ Helen Keller: “Tôi đã khóc vì không có giày để đi cho đến khi tôi nhìn thấy một người không có chân để đi giày”. Bạn nghĩ sao về câu nói này? Sự thiếu thốn và khó khăn của riêng ta chẳng thấm gì nếu đem so sánh với những xót đau, bất hạnh của nhiều người quanh ta. Chúng ta thấy nóng khi được ở trong nhà, chúng ta thấy lạnh khi thân đã quấn chăn bông, chúng ta thấy không ngon miệng khi thực phẩm đủ đầy nhưng nào ta có nhìn lại thế giới ngoài kia. Bao nhiêu con người phải làm lụng cực nhọc để được một bữa ăn no, một giấc ngủ sâu; bao nhiêu người cơ nhỡ không nơi nương tựa, không con cái nhà cửa nên phải ăn nhờ ở đậu dưới mái hiên nhà người mỗi khi tối về. Ngẫm lại thấy cuộc sống mình như vậy đã hạnh phúc chưa?

Không cần nhà cao lầu gác, chỉ cần đủ che hai mùa nắng mưa; không cần sơn hào hải vị, chỉ cần ba bữa đủ no; không cần người xướng danh ca tụng, chỉ cần sống giúp ích cho đời; không cần vạn người thương, chỉ cần một người thấu hiểu cũng đủ ấm lòng. Bất cứ điều gì chúng ta cũng nên biết đủ và ít mong muốn lại thì cuộc sống không có gì là quá khó khăn.

Nếu mình sống ít nhu cầu thì mọi thứ mình có xung quanh như vậy là đủ, không phải cần một chiếc điện thoại quá đắt tiền, chỉ cần đủ để liên lạc với người thân bạn bè; không cần một chiếc xe đời mới, chỉ cần một phương tiện đáp ứng được nhu cầu đi lại; không cần phải là laptop đỉnh cao, chỉ cần đủ để ta đánh văn bản, viết bài nghiên cứu…, chỉ cần xung quanh ta có được những nhu cầu tối thiểu là đủ rồi.

Dẫu đôi lúc trên dòng chảy êm đềm đó có lúc gặp sóng gợn lăn tăn hay mưa bão giông tố thì cũng là điều hiển nhiên của cuộc sống, dù đôi lúc cũng khá chật vật nhưng chúng ta không vì thế mà quá lo sợ rồi sinh tâm đau khổ. Hãy mỉm cười chấp nhận khi mọi sự xảy đến thì chúng cũng sẽ mỉm cười nhẹ nhàng rời ta mà đi.

Tôi rất tâm đắc lời dạy trong Khuyến phát Bồ-đề tâm văn của Sa-môn Thật Hiền:“Chúng ta ngày nay, mọi thứ cần dùng hàng ngày đâu phải của mình. Cơm cháo hai buổi, quần áo bốn mùa, tật bệnh cần dùng, thân miệng tiêu xài, đều xuất từ sức lực của kẻ khác mà đem đến cho ta sử dụng. Người nhọc sức cày cấy, còn khó nuôi miệng, ta ngồi không mà ăn, vẫn chưa vừa ý. Kẻ dệt đan mãi hoài mà vẫn gian nan cực khổ, còn ta an nhàn y phục thừa thãi, há không thương tiếc? Họ nhà tranh cửa lá, cực nhọc suốt đời, còn ta phòng lớn sân rộng, thong thả cả năm. Ðem cái cực nhọc của họ cung phụng cái an nhàn cho ta, làm sao an lòng. Ðem cái lợi ích của người để cung cấp sự no ấm cho thân xác mình, có hợp lý chăng?”.

Dẫu biết rằng, trong cuộc đời mỗi người đóng một vai trò khác nhau nhưng không phải vậy mà chúng ta ăn không ngồi rồi hay cậy thế ỷ quyền ức hiếp kẻ dưới hoặc lợi dụng lòng tốt của người khác. Con người vốn dĩ sống đẹp với nhau là bằng chữ tình, chỉ có chữ tình mới lưu lại ở đời và sưởi ấm lòng người.

Ta được học hành, cao sang là nhờ phước báo nhiều đời gieo trồng; người thất học nghèo khổ vì kiếp nào vô tình ích kỷ, bỏn xẻn. Ta được công danh sự nghiệp nhờ sự tích đức bồi phước; người lang thang cơ nhỡ vì lỡ gây nhân không tốt. Nhưng không phải vì thế mà lấy sự cực nhọc của người để cung phụng cho cái an nhàn của ta. Không lấy những nghiệp họ đã gây ra để hành hạ chính họ, mà nên giúp họ để chuyển hóa. Sống đơn giản cho chính mình và gom góp điều tốt đẹp còn lại để trang trải cho đời, mong no bụng lúc đói, ấm lòng khi đêm lạnh, lan tỏa yêu thương khi người gặp cảnh khổ đau.

Cả đến trong việc tu học, chúng ta cũng nên cần ít muốn và biết đủ. Ít muốn không phải là bảo bạn đừng cố gắng mà hãy làm đúng với cương vị của mình và tu tập một cách chừng mực với thực tiễn bản thân đừng quá mong cầu để đạt được một cái gì. Vì cốt yếu của tu hành là đạt mà không đạt được một điều gì. Nếu tu hành để đạt điều gì đó thì chính điều đạt được đã cột trói chúng ta, chúng ta chấp vào cái kết quả đạt được, thì chúng ta cũng không có an lạc trong cuộc sống. Cuộc sống tu tập có thật an lạc hay không là khi chúng ta tìm thấy được sự quân bình của nội tâm. Nếu ép buộc tâm làm quá nhiều thì nó sẽ đi quá xa, còn nếu không cố gắng đủ thì sẽ đánh mất thăng bằng sẽ thối thất. Vậy, chúng ta phải biết khéo léo và hài hòa trong việc tu học, đừng để siêng năng sinh giải đãi, cũng đừng để lười biếng sinh đọa lạc.

Thiểu dục và tri túc không phải là kiềm hãm sự phát triển của bản thân mà là ứng xử trí tuệ, thật tỉnh táo và đủ sáng suốt để nhìn nhận ra vấn đề mà sống tùy duyên, trung đạo. Ít muốn biết đủ xuất phát chính trong tâm khảm của ta. Ít muốn đối với chính những cảm xúc, tình cảm của chính mình; biết đủ đối với những thành quả mà mình đạt được. Miễn sao chúng ta sống luôn cố gắng tiến về phía trước, còn kết quả thì tùy thuộc nhân duyên, đủ nhân duyên sẽ cho hoa tươi tốt. Dẫu không như ý thì cũng mỉm cười ghi nhận và tiếp tục vươn lên.

Nguyệt Đông