Mùa xuân đích thực

Trong thời tiết xoay vần, bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông thay nhau, mùa Xuân được chọn cho khởi đầu một năm mới. Mùa Xuân cũng là mùa đẹp nhất, lòng người vui vẻ đón chào, hân hoan nhất. Bầu trời trong xanh hơn, tia nắng ấm áp hơn khi mùa Đông giá rét đã đi qua.

Cây cối đâm chồi nảy lộc, hoa cỏ thay sắc áo Xuân tươi thắm. Chim hót líu lo, cành đào hồng thắm, mai vàng rực rỡ, lòng người rộng mở, ấm áp hơn, tất cả đều hân hoan trong sắc Xuân.

Ảnh minh hoạ.

Nhưng bốn mùa luôn thay đổi, cuộc đời cũng vần xoay. Tất nhiên phải chấp nhận bốn mùa theo thời tiết, nhưng có lẽ trong lòng ai cũng mong ước, tâm hồn mình luôn tràn ngập mãi mùa xuân.

Có thể như vậy được chăng? Và bằng cách nào?…

Tạm mượn hai câu chuyện, cùng một nội dung, đơn giản ngắn gọn, đạo lý giúp con người vượt qua bao nghịch cảnh, cần nhẫn nại, ẩn thân, dẹp đi tự ngã, lăng lẽ, ẩn tàng, Đêm Đông tăm tối giá rét sẽ qua, rồi sẽ tìm lại mùa Xuân nơi lòng mình.

Cũng là qua câu chuyện ngắn, ai nhận được yếu chỉ chư Tổ, chư Phật chỉ bày, thoát cũi sổ lồng, thoát khỏi sự trói buộc của tâm thức, vượt qua thế giới tương đối nhị nguyên, thể nhập trong ánh sáng nguyên sơ, nhận lại nơi mình mãi mãi một Mùa Xuân đích thực.

CHIM SẺ VÀ SƠ TỔ

Chim sẻ nhốt trong lồng

Duyên lành Tổ đi qua

Tổ ơi, cho yếu chỉ

Giúp con được tự do!

Tội nghiệp con, sẻ khờ!

Hãy lặng lẽ im hơi

Chim nhận ra lời dạy

Nhắm mắt nằm ngay đơ

Chủ thấy sẻ bất động

Nghĩ nó đã chết rồi

Đem sẻ ra khỏi lồng

Thừa cơ chim vỗ cánh.

NAI CON

Chuyện ngày xưa Phật kể

Nai con được dạy dỗ

Huấn luyện cùng thực hành

Bởi Nai Chúa đầu đàn

Nhưng vì tính trẻ con

Vẫn còn ham chơi lắm

Dạo ngắm cảnh rừng hoang

Lìa đàn sa bẫy rập

Đau đớn đến tột cùng

Vẫy vùng càng siết chặt

Hoảng loạn và tuyệt vọng

Lòng bỗng nhớ Chúa Nai

Trợn mắt, sùi bọt mép

Phóng uế ra khắp nơi

Nín hơi bụng trương phình

Duỗi mình nằm ngay đơ

Sáng sớm thợ săn đến

Nhìn thấy nai như vậy

Chắc mắc bẫy khá lâu

Giờ âu đã chết sình

Liền tháo bẫy khỏi chân

Quay lưng đi gom cỏ

Nai nhỏ chờ có vậy

Vùng dậy phóng về rừng…

Tuệ Quán