Mưa tháng Chạp

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nếu không phải năm nhuận thì thời điểm bây giờ đã là Tết. Tháng Chạp về đúng lúc những cơn mưa cứ rả rích đêm ngày, cái ẩm ướt càng hiện rõ và cái lạnh dường như tăng thêm chút chút.

 

Mỗi bận nhìn thấy mưa, mẹ đội vội cái nón mê, đi ra đi vào, chân ống thấp ống cao, nhìn lên trời mây chập chùng như trong lòng đang còn rất nhiều điều ngổn ngang.

Mưa xuống, đất đai được tưới ẩm, những luống rau cải bẹ xanh tốt một cách không ngờ, còn đám cải cúc thì không chịu được lạnh, lá thối rữa từ từ rồi lụi tàn. Mưa xuống rải rác dăm ba bữa còn được, chứ theo cái đà này thì coi như toi. Điều lo lắng của mẹ cũng đúng thôi. Bởi người dân cả năm chỉ trông chờ vào vụ rau Tết, vậy mà rau chết vì úng nước hay lớn nhanh quá bán trước Tết cũng không được giá. Đời nông dân khổ cực, trông chờ vào đất trời, mấy mùa mưa nắng.

Như thường lệ, mẹ sẽ ra đồng từ rất sớm, mang theo cuốc, vét đến khơi thông mấy chỗ thoát nước hay vun lại vồng đất đang bị xuồi xuống. Về nhà, chỗ rổ rá mẹ mang theo có nhúm ngồng cải vàng rực như đốm nắng mùa đông hanh hao từ dạo trước được cải thắp lên đợt trước. Đàn con hình dung ngay trong đầu bữa trưa sẽ có món ngồng cải xào vàng rực hoặc là bát canh thanh tao gợi nhớ những ngày cuối năm lành lạnh. Trong rổ cũng có mấy nhành hoa cúc nở sớm mẹ cắt cho bầy con chơi trước. Mẹ trao tay cho con, nụ cười gượng gạo, ừ thì, coi như Tết đến sớm.

Ở ngoài đồng trũng thì đất đai chẳng cần mưa nhưng trên đồi cao, nương dốc mưa tháng Chạp về quý như những giọt vàng. Nhiều loại cây đã rụng hết lá, chờ mưa xuống để bật dậy những chồi non mơn mởn. Nương dốc thì người ta bắt đầu làm đất, rải phân và xuống vụ gieo hạt. Chà, cũng đỡ được bao nhiêu công sức dẫn nước từ ở thượng nguồn về. Những hạt giống được gieo vào đợt này thường là các loại đỗ, các loại cà để ra giêng thu hoạch.

Bố tất bật mấy vuông ruộng mới dẫn nước về đổ ải từ tuần trước. Kể tiếng mưa xuống nhưng chẳng đủ để cấy dắm, vẫn phải dẫn nước từ hồ chứa về. Đám mạ gieo trong sân cũng lún phún lên những chiếc lá xanh non. Dù mưa có kéo dài, rét buốt đi chăng nữa cũng phải sớm ra đồng cho vụ lúa đông xuân. Nhìn dáng dấp của bố lại nhớ thời còn thanh niên lực điền, hồi đó bố lực lưỡng khỏe mạnh bao nhiêu vậy mà qua bao nhiêu mùa tháng Chạp bố già đi trông thấy. Người bố gầy còm mang ánh mắt đăm chiêu màu thời gian, làn da đồi mồi năm tháng xô đổ nhọc nhằn.

Hết lo từ ruộng tới nhà, tới một cái Tết cận kề trước mắt. Hồi xưa nghèo đói lấy đâu ra bếp gas, bếp điện như bây giờ. Bố nhắc anh Hai đã sắp xếp củi đuốc cẩn thận chưa? Gần tới ngày Tết, củi ướt thì lấy đâu gói bánh chưng bánh tét? Nấu bánh tiện thể dùng than để nướng chục chiếc bánh đa, bánh tráng, mấy khúc cá trắm, cá trôi tát ở đìa dành treo bếp đặng còn kho mặn. Rồi củi còn dùng để cho mẹ sên mấy mẻ mứt gừng, mứt dừa. Khách khứa đến chơi kẹo bánh ê hề chẳng ai động nhưng mấy sợi mứt họ lại mê.

Tháng Chạp cảm giác như mọi người bận rộn hơn, làm mải miết nhưng vẫn không xong việc. Thêm đám mưa cứ rề rề khiến cho công việc càng thêm trễ nãi. Nhắc lại thấy nhớ xiết bao những tiếng càm ràm, mắng trời, mắng đất của thằng Út tính khí cộc cằn, ương bướng. Không biết khi nào trời hết mưa hỉ? Bao giờ thì nắng mới lên? Mùa xuân chừng nào mới về? Cái lạnh chừng nào sẽ tan?… Bao nhiêu câu hỏi đó hồi xưa cảm thấy phiền phức, nhức cái đầu ghê thiệt, vậy mà giờ lớn lên, anh em đi xa mỗi người một phương trời lại nhớ nhung khôn xiết.

Mưa tháng Chạp rồi cũng sẽ tạnh, nắng xuân rồi cũng sẽ về hong khô sưởi ấm. Như mẹ tôi hay nói, vèo cái sẽ trôi qua thôi mà. Trong ký ức thương nhớ của đứa con nơi phố thị, lòng tôi rưng rức nhớ về những mùa mưa tháng Chạp với hình bóng quê nhà thân thương. Tôi đã đi qua những mùa mưa tháng Chạp bằng những thiện lành, ấp iu mà khôn lớn thành người.