Mùa lễ hội lớn chưa từng thấy

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1188 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Nhiều lễ hội lớn trước đây, nay càng được tổ chức long trọng hơn. Những lễ hội làng xã cũng được tổ chức rất rầm rộ. Nhiều hội làng vốn chỉ tổ chức lớn vào những năm chẵn, hoặc 3 năm, hoặc 5 năm mới tổ chức một lần, thì năm nay mặc dù là năm lẻ nhưng lại tổ chức thành lễ hội lớn, bởi vì mấy năm chẵn vừa qua (năm 2020 và năm 2022) tạm ngừng diễn ra.

Gia tăng hoạt động lễ hội với nhiều đổi mới

Khu Di tích danh thắng đặc biệt quốc gia Yên Tử khai hội xuân vào ngày 31-1-2023 (tức mồng 10 tháng Giêng Quý Mão) với đầy đủ phần lễ và phần hội. Lễ hội xuân Yên Tử năm nay bên cạnh việc tổ chức theo truyền thống hàng năm mang tầm vóc lễ hội quốc gia, còn có nhiều điểm mới như: các hoạt động tâm linh ban đêm, lễ cầu an, lễ chúc phúc còn kết hợp với một số tổ chức hình thành các chương trình về nguồn nhiều ý nghĩa.

Đó là, những hoạt động văn hóa lễ hội đặc sắc như: Đêm hội hoa đăng cầu nguyện quốc thái dân an; biểu diễn nghệ thuật, múa rồng, lân, múa võ thuật cổ truyền; các trò chơi dân gian; biểu diễn văn nghệ truyền thống tại khu vực Làng Nương, Yên Tử; trưng bày tranh, ảnh về vẻ đẹp hùng vĩ, linh thiêng của Yên Tử; văn hóa ẩm thực dân tộc Dao Thanh Y dưới chân núi Yên Tử.

Một trong những lễ hội lớn nhất đầu xuân tại miền Bắc cần kể đến không thể thiếu lễ hội chùa Hương, khai hội từ 27-1-2023 (tức mồng 6 tháng Giêng âm lịch) và theo truyền thống kéo dài suốt 3 tháng mùa xuân. Từ Tết Nguyên đán đến nay, lượng người hành hương về Hương Sơn tăng cao rất nhiều so với năm trước.

Lễ hội chùa Hương năm 2023 có nhiều đổi mới để đáp ứng nhu cầu tham quan thưởng ngoạn của du khách, trong đó lần đầu tiên xe điện chùa Hương Xanh được đưa vào khai thác. Toàn bộ xe của du khách thập phương đều được hướng dẫn đưa vào khu vực trông giữ phương tiện đã được UBND huyện Mỹ Đức chuẩn bị từ trước, du khách được vận chuyển bằng xe điện vào bến Đục để tiếp tục hành trình vào các khu vực hành lễ, chiêm bái danh lam thắng cảnh Hương Sơn.

Đến lễ hội chùa Hương năm nay, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là các con đường trong thôn xóm đến suối Yến đã phong quang hơn, mặc dù du khách rất đông nhưng không còn cảnh ách tắc cục bộ. Trước kia, du khách được đi xe vào đến bến Yến, hai bên bến Yến là các bãi trông giữ xe ô-tô, xe máy. Nhưng nay, chính quyền địa phương đã quy hoạch và xây dựng 3 bãi đỗ xe ô-tô quy mô lớn ở bên ngoài rìa, đầu các con đường đi vào xã, mỗi bãi đỗ rộng hàng chục ha có sức chứa từ 1.000 đến 3.000 xe ô-tô.

Ông Lê Tiến Thanh, Giám đốc Công ty chùa Hương Xanh cho biết 80 xe điện được đưa vào khai thác phục vụ du khách trong mùa lễ hội năm nay, tất cả các phương tiện đều đầy đủ về an toàn kỹ thuật, đăng ký đăng kiểm, lái xe đã được tập huấn.

Tuy nhiên, khi chúng tôi đến, lượng khách đông, trong khi số lượng xe điện quá ít, có lẽ chỉ phục vụ được 1/10 số lượng khách. Thay vào đó, lực lượng xe ôm đông đảo từ chính người dân địa phương đã phục vụ phần lớn lượng du khách thay cho nhiệm vụ của xe điện. Chở mỗi khách vào bến Yến, xe ôm thu 10.000 đồng/người, bằng với giá xe điện. Tuy nhiên, việc xe ôm vây quanh khách để níu kéo, tranh giành khách đã tạo nên hình ảnh lộn xộn và chưa đẹp ngay tại các bãi đỗ xe và bến Yến.

Mặt khác, hầu hết lái xe ôm và mọi du khách đều không được đội mũ bảo hiểm, trong khi mỗi xe ôm thường “tăng bo” từ 2 đến 3 khách cùng với các ba-lô đồ đạc lỉnh kỉnh nên rất nguy hiểm khi giao thông. Chúng tôi yêu cầu được đội mũ bảo hiểm, nhưng không xe ôm nào ở đây có mũ bảo hiểm.

“Để đáp ứng đủ nhu cầu vận chuyển ở khu vực chùa Hương cần ít nhất 200 xe điện. Tuy nhiên do năm nay là năm đầu tiên thí điểm, nên Ban Tổ chức và doanh nghiệp đang vận hành thử khi đưa xe điện vào vận hành, nên lượng xe điện chưa đủ để vận chuyển du khách”, ông Lê Tiến Thanh cho biết.

Lễ hội Gióng ở Đền Sóc là một trong những lễ hội lớn nhất của Hà Nội dịp đầu xuân năm mới, tưởng nhớ Thánh Gióng gắn liền với truyền thuyết cậu bé làng Phù Đổng đánh thắng giặc Ân đem lại thái bình cho đất nước. Lễ hội Gióng Đền Sóc được (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào năm 2010.

Năm 2023, lễ hội Gióng tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Đền Sóc đã được tổ chức trong 3 ngày, từ 27 – 29-1 (tức ngày 6 – 8 tháng Giêng năm Quý Mão). Ghi nhận điểm nổi bật khác biệt trong mùa lễ hội Gióng 2023 là Ban Tổ chức đã tập trung vào lễ với nhiều nét mới, lần đầu tiên nghi thức kéo mỏ được trình diễn và cuộc thi cầu húc được tổ chức.

Các trò chơi dân gian tiếp tục được Ban Tổ chức lễ hội duy trì như: Đi cà kheo, đi cầu thăng bằng, đập niêu đất, hội thi nấu cơm… Bên cạnh đó, khác với mọi năm, hội thi đấu vật thay đổi phương thức tổ chức, thay vì thành lập đội và đăng ký từ đầu thì du khách thập phương có thể đăng ký tại khu vực tổ chức hội thi và tham gia thi đấu. Điều này tạo nên một sân chơi mở cho tất cả người dân. Các hoạt động biểu diễn nghệ thuật cũng được tổ chức xuyên suốt những ngày diễn ra lễ hội tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Đền Sóc.

Mùa lễ hội lớn chưa từng thấy ảnh 1

Dòng người dự lễ hội Đền Và (Sơn Tây) xuân Quý Mão – 2023

Giảm nhiều hình ảnh phản cảm

Những năm trước đây, dù các cơ quan chức năng tăng cường nhiều biện pháp, nhưng một số hiện tượng tiêu cực, hình ảnh phản cảm gây bức xúc trong dư luận vẫn xảy ra trong mỗi mùa lễ hội. Đó là hiện tượng tranh cướp, chen lấn, xô đẩy để cướp lộc tại một số lễ hội như hội Giằng bông ở huyện Hoài Đức (Hà Nội), hội Gióng ở Sóc Sơn (Hà Nội), hội Phết Hiền Quan (Phú Thọ)…

Nhớ lại vào mùa lễ hội năm 2018 tại lễ hội Giằng bông của làng Sơn Đồng, huyện Hoài Đức (vào mồng 6 tháng 2 âm lịch), trong màn giằng bông đã xuất hiện cảnh đấm đá, bóp cổ lẫn nhau của nhiều thanh niên tham dự. Theo truyền thống của lễ hội nay, cây bông được làm từ một đoạn tre dài hơn 1m có 5 đốt đã được vót bông trắng tinh, cuốn xù từng gióng sau đó lấy giấy gắn lại và thêm tua cho đẹp.

Sau khi thực hiện các nghi lễ, người ta đem cây bông từ trong đình làng ra sân, màn cướp bông tại sân đình Sơn Đồng bắt đầu. Hàng trăm người chen lấn, giẫm đạp lên nhau, hàng loạt những pha ẩu đả ghê rợn. Trong lễ hội, nhiều người đã chứng kiến cảnh bóp cổ, tát vào mặt nhau. Lực lượng an ninh bảo vệ lễ hội cùng Ban Tổ chức đã phải sử dụng còng tay đưa một người ra khỏi khu vực tranh cướp.

Theo các nhà nghiên cứu, hành vi “cướp” phết, “cướp” hoa tre trong các lễ hội dân gian xưa chỉ là “cướp” mang tính ước lệ, chứ không phải hành vi cướp giật đồ lễ. Người tham gia lễ hội đều mong muốn may mắn cho mọi người, chứ không phải chỉ cho riêng mình, bởi nếu là cướp thì đây là hành vi xấu. Thế nhưng những năm gần đây, hành vi “cướp đã bị biến tướng thành tranh cướp rất thô bạo và vô văn hóa, không còn là mang tính ước lệ, mà là “tranh cướp” thực sự.

Để giải quyết loại bỏ những tập tục không còn phù hợp với văn hóa tại các lễ hội, ngành văn hóa thể thao và du lịch các cấp đã đẩy mạnh tuyên truyền vận động nhân dân hiểu được. Năm nay, tục lệ cướp hoa tre tại đền Gióng đã chuyển thành rước hoa tre, sau đó để người dân xếp hàng lấy lộc. Các tập tục chém lợn, tế trâu đã được người dân và chính quyền thay đổi cách thức tổ chức, giảm các hình ảnh phản cảm, bạo lực.

Mùa lễ hội lớn chưa từng thấy ảnh 2

Đầu năm 2023, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã có các văn bản đề nghị tăng cường công tác quản lý lễ hội gửi về cho địa phương. Theo đó, Cục Văn hóa cơ sở đã tiến hành làm việc với một số địa phương có những hoạt động lễ hội mà còn hiện tượng gây tranh luận trái chiều trong việc tổ chức các lễ hội trước đây. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng có những văn bản yêu cầu tuyệt đối không để việc biến tướng tín ngưỡng thành dịch vụ mang tính trục lợi, mê tín dị đoan, trái với thuần phong mỹ tục, vi phạm quy định về thực hiện nếp sống văn minh.

Một trong những vấn đề được đề cập trong nhiều năm qua, là tình trạng tổ chức dâng sao giải hạn diễn ra tại nhiều đền chùa. Đầu năm 2023, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN đã có thông báo về tổ chức nghi lễ cầu nguyện bình an trong dịp Tết cổ truyền xuân Quý Mão. Theo đó, thông báo đề nghị các chùa, cơ sở tự viện và Tăng Ni tổ chức tụng kinh cầu an và thuyết giảng về ý nghĩa của luật nhân quả của Phật giáo, tạo phước đức bằng việc tránh ác, làm thiện, làm nhiều việc tốt. Đồng thời, khi tổ chức, thực hành các nghi lễ cầu an phải bảo đảm trang nghiêm, tiết kiệm, tránh mê tín dị đoan, không đốt vàng mã, tránh những nội dung không phù hợp với truyền thống của Phật giáo.

Việc ban hành văn bản ngay khi các nghi lễ đầu năm tại các chùa đã tác động dần loại bỏ thói quen cũ không còn phù hợp. Thay vì cúng dâng sao giải hạn đầu năm, đốt hình nhân thế mạng để giải trừ sao xấu, năm nay nhiều chùa đã thay đổi bằng hình thức cầu an. Ghi nhận tại chùa Trấn Quốc (quận Tây Hồ), năm nay nhà chùa thực hiện làm lễ cầu an cho người dân vào ngày 30-1 (tức mùng 9 tháng Giêng), không thực hiện cúng dâng sao giải hạn, đốt vàng mã. Tại chùa Quán Sứ (quận Hoàn Kiếm), một bảng thông báo nêu rõ, lễ cầu an, cầu tài lộc đầu năm được tổ chức vào 18g30 các ngày 6, 9, 13, 18 tháng Giêng âm lịch.