Một vòng Trái đất, cứu một sinh mệnh

Lúc ngỡ số mệnh sẽ kết thúc mầm sống của đứa trẻ Phạm Duy Quý thì yêu thương lại khởi đầu. Hành trình đi hết một vòng Trái đất với bao yêu thương tiếp nối như câu chuyện cổ tích.

 

Một vòng Trái đất, cứu một sinh mệnh - Ảnh 1.

Cô Thảo và cháu Quý – đứa trẻ đã hồi sinh nhờ tình yêu thương của nhiều người – Ảnh: T.M.

Nghe câu chuyện đi khắp các bệnh viện trong nước rồi đến các bệnh viện ở Mỹ, Ý xa xôi để chữa lành căn bệnh hiếm gặp cho cậu bé Phạm Duy Quý (10 tuổi, xã Nghĩa Thuận, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) mà thầm cảm phục bà giáo làng về hưu Nguyễn Thị Thu Thảo (xã Nghĩa Thuận) và những người bạn của bà.

Sự sống mong manh

Vậy là Quý đã trở về Việt Nam, kết thúc hành trình chữa bệnh hơn ba năm ròng rã ở xứ người. Cô Thảo đến nhà thăm Quý mà hạnh phúc vô cùng. Cô không thể ngờ đứa bé từng “đếm ngày” giờ khỏe mạnh và trở lại trường học.

Cô Thảo vẫn nhớ năm 2018, khi đang bán tạp hóa, một vị khách nữ bước vào nói “bán cho chị ít sữa để chị đi thăm đứa cháu, cháu nó đau nặng quá”. Ở quê, mọi người đều biết nhau, cô Thảo hỏi chuyện và đó là lần đầu tiên cô biết đến căn bệnh Quý mắc phải. “Lúc đó tôi hỏi để vợ chồng ghé thăm cháu. Ở đây, gần như cả xã đều quen nhau”, cô Thảo nói.

Có lẽ là duyên, hôm sau ông Lê Công Tuệ (chồng cô Thảo, cũng là một nhà giáo) khi đi ăn sáng đã gặp cha con Quý, về nhà hai vợ chồng cũng trò chuyện. Rồi thầy Tuệ thở dài bảo ước gì có phép tiên giúp cháu, chứ suốt ngày bị cơn đau hành hạ quá thương.

Bà Lê Thị Mỹ (mẹ Quý) ngồi bên cạnh nghe những gì cô Thảo kể mà rơm rớm nước mắt. Nhìn Quý hiếu động chạy nhảy, ký ức lại ùa về. Năm 2012, Quý chào đời trong niềm hạnh phúc. Nhưng chỉ 15 ngày sau sinh, bất thường đã xuất hiện khi phân của Quý có lẫn máu.

Vốn anh trai của Quý bị bệnh hiếm gặp, qua đời khi mới 1 tuổi, nên bà Mỹ càng lo sợ. Triệu chứng đó là khởi đầu chuỗi ngày lấy bệnh viện làm nhà của hai mẹ con.

Khởi đầu là những bệnh viện ở TP.HCM, Quý được xác định bị suy giảm hệ miễn dịch do đột biến gen. Lúc biết tin, hình ảnh anh trai Quý lại ùa về, bà Mỹ run sợ.

Người mẹ ấy đã đưa con “vái tứ phương” nhưng bệnh tình không thuyên giảm, bà Mỹ đành đưa con về. “Giờ nghĩ lại vẫn còn sợ”, bà Mỹ tâm sự.

Ánh sáng cuối đường

Ở quê, tình cảm xóm làng rất lớn, ai cũng cầu mong một phép màu sẽ đến. Và bà giáo Thảo đã khởi đầu điều ấy.

Năm 2018, trong một lần trò chuyện với người bạn học cũ, cô Thảo nghe được thông tin có một người bạn học thời phổ thông tên Nguyễn Hữu Anh Triết đang làm bác sĩ ở Mỹ thường kết nối giúp đỡ những người bệnh.

“Tôi biết anh Triết, nhưng xưa chỉ học cùng khối, còn chị Huyên (bạn cô Thảo) học cùng lớp. Thế là tôi kể chuyện của cháu Quý nhờ chị Huyên kết nối với anh Triết xem có giúp được cháu không. Tôi trò chuyện với anh Triết, chụp hình cháu bé bị những vết lở loét và những kết quả xét nghiệm bệnh của cháu. Anh Triết đồng ý giúp đỡ”, cô Thảo nói.

Một nhóm chat được lập, bác sĩ Triết kết nối với bác sĩ các bệnh viện trong nước để đưa cháu đi xét nghiệm, toàn bộ chi phí do hội từ thiện của bác sĩ Triết lo.

Khi có kết quả, bác sĩ Triết nói phải đưa Quý qua Mỹ kiểm tra kỹ và chỉ có ghép tủy mới chữa lành được. Toàn bộ chi phí của chuyến đi Mỹ bác sĩ Triết sẽ tài trợ. Thông tin ấy như ánh nắng xóa đi mây mù. Cô Thảo rất mừng, ít ra tia hy vọng đã có.

Việc của gia đình là phải tìm ra nguồn tủy ghép cho Quý. Thế nhưng, bố mẹ dù muốn hiến tủy cho con mà kết quả lại không tương thích. May mắn, niềm hy vọng cuối cùng là cháu Phạm Khánh Dân (chị gái Quý) có chỉ số tương thích, và Dân đồng ý hiến tủy cứu em.

Những ngày giáp Tết Nguyên đán 2019, dù cửa hàng tạp hóa rất đông khách nhưng cô Thảo và thầy Tuệ nhiều khi phải tạm đóng cửa chỉ để nghe điện thoại. Mỗi đêm, hai vợ chồng thay nhau chờ đợi tin nhắn từ bác sĩ Triết.

Vì hai múi giờ trái nhau nên gần như đêm nào cô Thảo cũng thức trắng và để chuông to nhất có thể. Cô Thảo bảo rằng: “Với vợ chồng tôi lúc đó, phải tập trung vào hỗ trợ cháu Quý đi Mỹ chữa bệnh”. Chính thầy Tuệ cũng nhiều lần “càm ràm” vì cái tính lo lắng của cô Thảo.

Cả tháng trời cô mất ngủ vì “chờ tin nhắn, cuộc gọi” từ nước Mỹ xa xôi. “Tôi sức khỏe cũng không được tốt, lại gần 60 tuổi rồi, nên anh Tuệ lo tôi thức miết rồi ốm. Mà tính tôi việc gì chưa xong rất lo, nói chi đây là sinh mạng một đứa trẻ”, cô Thảo nói thêm.

Một vòng Trái đất, cứu một sinh mệnh - Ảnh 2.

Cô Thảo (phải) bây giờ đã trở thành người thân trong gia đình cháu Quý. Nhìn cháu mạnh khỏe, cô rất hạnh phúc – Ảnh: T.M

Hồi sinh

Yêu thương là sợi dây bền chặt nhất trong cuộc đời này, mọi người chung tay lo thủ tục. Tháng 1-2019, ba mẹ con lên đường sang Mỹ. Khi chuyến bay cất cánh, cô Thảo và thầy Tuệ rất lo lắng, sợ ba mẹ con lạc hay gặp sự cố. Nỗi lo chỉ hết khi bác sĩ Triết video call về.

Trong video là cảnh bác sĩ Triết cùng người bạn ra tận sân bay đón. Cô Thảo bảo: “Dù lần đầu tiên gặp nhau nhưng những cái ôm, lời động viên của bác sĩ Triết và mọi người dành cho mẹ con Quý tại phi trường thật ấm áp”.

Tám tháng ở Mỹ, mẹ con Quý được bác sĩ Triết và cộng đồng người Việt lo tất cả chi phí ăn, khám chữa bệnh. Những kết quả y khoa ở Mỹ cũng cho thấy Quý mắc một căn bệnh hiếm gặp và quyết định chọn một nơi chuyên sâu hơn để chữa trị.

Cuộc chuyển viện từ Mỹ sang Ý được bác sĩ ở Mỹ kết nối. “Để cứu con trai tôi, mọi người đã đưa ba mẹ con đi một vòng Trái đất”, bà Mỹ tâm tình.

Đặt chân đến Rome (thủ đô nước Ý), ba mẹ con Quý được ở tại khu tập thể của bệnh viện. Những ngày đó, dịch COVID-19 bùng phát toàn cầu, mỗi ngày di chuyển từ nơi ở đến Bệnh viện Bambino Gesu là cảm giác nín thở vì lo lắng.

Rồi đến ngày cháu Dân vào phòng phẫu thuật, từ 8h đến tận 15h mới ra. “Con gái đi không nổi, mặt tái xanh và đau đớn. Tôi làm mẹ, nhìn cảnh đó mà đứt ruột”, bà Mỹ tâm sự.

Lấy tủy của cháu Dân xong, bác sĩ lại đưa Quý vào phòng phẫu thuật để ghép tủy. Lúc này, bà Mỹ không biết làm cách nào để cùng lúc lo cho con gái và con trai. May mắn, một người phụ nữ người Ý đã nhận chăm sóc cháu Dân.

“Con trai tôi được cứu sống là nhờ vào tấm lòng của nhiều người trên khắp thế giới”, bà Mỹ nói. Hôm ấy ở quê, vợ chồng cô Thảo cũng cầu nguyện những điều tốt đẹp sẽ đến với Quý.

Tháng 4-2022, ba mẹ con Quý trở về Việt Nam sau hành trình đi vòng quanh Trái đất tìm sự sống.

Cậu bé Quý bây giờ đã khỏe mạnh và bước vào lớp 1, Dân sau hơn ba năm tạm hoãn việc học cũng trở lại trường. Bà Mỹ bảo rằng ba năm ròng ở xứ người nhưng chưa lúc nào bà thấy cô đơn.

Đi đến đâu cũng đón nhận yêu thương. Chi phí điều trị trong ba năm ấy rất lớn. Nhưng đến ngày về, gia đình không tốn bất kỳ khoản nào. Bà Mỹ gửi lời cảm ơn tận đáy lòng đến tất cả những người bằng cách này hay cách khác đã đồng hành cùng mẹ con bà trong hành trình số mệnh vừa trải qua…

Tiếp tục những yêu thương

Nhìn con khỏe mạnh, bà Mỹ rất biết ơn cô Thảo. Chính cô Thảo đã khởi đầu cho hành trình như cổ tích của Quý. Đi đến đâu cũng gặp ân nhân. Những tình cảm bà Mỹ cũng không biết lấy gì cảm tạ.

“Tôi cảm ơn bác sĩ Triết, cộng đồng người Việt ở Mỹ. Cảm ơn những người Mỹ, người Ý đã giữ lại mạng sống cho con tôi”, bà Mỹ rơm rớm nước mắt.

Vợ chồng cô Thảo được mọi thế hệ học sinh kính trọng. Những năm còn giảng dạy cô thường chăm lo, giúp đỡ những học sinh khó khăn.

Cô Thảo bảo rằng thời đó có gì giúp nấy. Còn giờ cô Thảo đã biết lên Facebook kêu gọi mọi người chung tay. “Tôi tập tành dùng Facebook cũng chỉ để giúp đỡ người khó khăn”, cô Thảo nói.

Những dòng trạng thái trên Facebook của cô Thảo ngoài hình ảnh gia đình, phần còn lại là câu chuyện về các mảnh đời bệnh tật, những học sinh nghèo cần giúp đỡ. Hiện có ba trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo đã được cô Thảo kết nối với bác sĩ Triết để chữa trị.

“Tôi cảm ơn rất nhiều bạn bè, nhà hảo tâm đã mở tấm lòng giúp đỡ những người khó khăn”, cô Thảo nói.

TRẦN MAI