Một trái tim lành – một thế giới an

 Một ngày đầu năm 2024, tôi và mấy anh chị Phật tử chùa Giác Minh – Praha (Cộng hòa Séc) đến Trường Đại học Charles để tưởng niệm những nạn nhân xấu số trong vụ xả súng kinh hoàng tại Khoa Triết học cách đây không lâu.

Chúng tôi đến khi trời đổ cơn mưa kèm cái buốt của mùa đông Châu Âu. Đứng trước hằng trăm nghìn ngọn nến cùng với rất nhiều hoa phủ kín tam cấp bao quanh trường học dài hàng trăm mét, chúng tôi dâng hương, hoa tưởng niệm rồi thiền hành quanh trường học để thực tập rải tâm từ.

Thầy Trí Chơn cùng Phật tử tưởng niệm các hương linh xấu số, và rải tâm từ đến họ. Ảnh: Khánh An

Thầy Trí Chơn cùng Phật tử tưởng niệm các hương linh xấu số, và rải tâm từ đến họ. Ảnh: Khánh An

Trường Đại học Charles nằm trên quảng trường Jan Palach, đối diện với thành cổ Praha, cũng là dinh tổng thống đương nhiệm, cách cầu cổ Karlův most nổi tiếng chỉ vài trăm mét; nơi mà những những lần đến Séc, chúng tôi thường đi qua chốn này.

Biến cố thảm sát khiến thế giới rúng động, dân chúng xứ sở pha lê hoang mang. David Kozak, một sinh viên 24 tuổi đã bắn bố mình, rồi sát hại người đàn ông cùng với đứa con thơ đang đi dạo trong rừng. Sau đó vài ngày y vác súng tới ngôi trường mình đang học nả đạn vào đám đông khiến 14 người tử nạn rồi tự kết liễu mình. Bi kịch diễn ra trước thềm năm mới 2024 đã trùm lên thủ đô hoa lệ một màu tang xám xịt. Ngay nơi chiếc nôi đào tạo “tinh hoa trí tuệ” Cộng hòa Séc, 18 sinh linh đã gục ngã trước họng súng đen ngòm của sân si.

Séc được xem là một trong những quốc gia an toàn nhất thế giới. Gần 20 năm lui tới xứ này, tôi chưa từng thấy ai gây gổ hay lớn tiếng với nhau ở đám đông. Có chăng là những cặp chim ẩu đả trên tán cây và những chú chó trong nhà sủa người đi đường. Sau biến cố, người ta bắt đầu bức xúc, giận dữ: Tại sao chàng sinh viên kia sở hữu số lượng súng khổng lồ giấu trong nhà? Tại sao súng ống “được” vác vào trường học một cách dễ dàng? Động cơ nào khiến y nả súng vào trường học? Ai đứng đằng sau vụ thảm sát này…?

Tội ác thì đời nào, thời nào cũng có. Có thể vì hận thù mà sát hại nhau; có thể vì miếng cơm manh áo mà gây đổ máu, thương vong; có thể vì sống quay cuồng trong sự hưởng thụ, sẵn sàng sát hại người, chiếm hữu tài sản để ăn chơi, sa đọa. Ít ai nghĩ rằng sự độc ác có khi lại là hậu quả của quá trình “nỗ lực vươn lên”. Do vì nỗ lực thái quá, không kiểm soát được thân, không làm chủ được tâm, không cân bằng được cảm xúc để rồi chính sự “nỗ lực vươn lên” kia trở thành áp lực gây đau khổ cho chính mình. Một khi không chịu nỗi với áp lực bên trong thì điều tồi tệ sẽ vung vãi ra bên ngoài.

Thầy Trí Chơn đặt hoa tưởng niệm. Ảnh: Khánh An
Thầy Trí Chơn đặt hoa tưởng niệm. Ảnh: Khánh An

Cuộc sống đương đại, có rất nhiều trường hợp chịu không nổi với sự khắc nghiệt của cái gọi là “tiến thân” như học hành, thi cử; nợ nần chồng chất, kinh doanh thất bại; bị bạn bè gạt gẫm, chia tay người mình mê đắm, cưới người mình không yêu chỉ vì cha bắt, mẹ buộc… từ đó bế tắc, trầm cảm rồi tìm đến cái chết. Đó là hậu quả, là mặt trái của con đường… “tìm kiếm trí tuệ”, “hạnh phúc bền lâu”. Một số trường hợp khác quyên sinh vì thiếu tình thương từ gia đình, bạn bè, hoặc đối diện với những thử thách, khó khăn rồi suy nghĩ tiêu cực, hoặc thói đua đòi thiếu lành mạnh, bất cần đời… David Kozak suy cho cùng cũng là nạn nhân của trầm cảm, của si mê để rồi hại mình, hại người.

Theo thống kê của WHO, hàng năm Việt Nam có khoảng 30% dân số rối loạn tâm thần, trong đó tỷ lệ trầm cảm chiếm 25%, số người tự tử do trầm cảm từ 36.000 – 40.000 người; hiện có khoảng 15.000 tài khoản tham gia nhóm “Hội những người muốn tự tử” chỉ vì những áp lực nói trên. Để giúp cân bằng thân tâm, làm chủ cảm xúc người ta khuyến nghị: ăn đủ chất, ngủ đủ giấc, thể dục, tránh rượu bia, thuốc lá, chất kích thích, trò chuyện với bạn bè, tích cực hoạt động vv…. Thực ra những giải pháp này chỉ giải quyết phần ngọn. Cái gốc rễ không chỉ ở chỗ ăn, ngủ, thể dục, vui chơi… mà là sống thế nào để có được trái tim thiện lành và có được trí tuệ để soi sáng lời nói, hành động của chính mình. Muốn vậy, không chỉ nuôi thân khỏe mà còn phải dưỡng tâm lành.

Nếu như cơm cháo là thức ăn để nuôi thân thì tiếp xúc với sự vật hiện tượng bên ngoài là thực phẩm để nuôi tâm. Nuôi thân ta chọn thực phẩm bổ dưỡng nhưng trớ trêu thay dưỡng tâm thì lại tiếp nhận nhiều độc tố mà không hề có sự chọn lọc. Những thước phim bạo lực, những chiêu trò lừa lọc, những hình ảnh gợi dục, gây khát khao thèm muốn… là những “thực phẩm nuôi tâm” nhan nhản đây đó trên truyền thông một cách hiển nhiên; thậm chí người ta còn tranh giành, chen lấn nhau để được suất…“cảm thụ”. Không ai khác, chính con người làm cho con người rơi vào cái bẫy của lỗi lầm. Nhất là thời đại công nghệ hiện nay, bao cám dỗ nó nằm gọn trong cái “cục thông minh” ở nơi túi của mỗi người.

 

Nơi ghi dấu nỗi đau cũng là chứng tích nhắc nhở con người cân bằng thân-tâm-trí, tránh quay cuồng ra bên ngoài đến mức không còn kiểm soát nổi bản thân mình. Ảnh: Khánh An

Nơi ghi dấu nỗi đau cũng là chứng tích nhắc nhở con người cân bằng thân-tâm-trí, tránh quay cuồng ra bên ngoài đến mức không còn kiểm soát nổi bản thân mình. Ảnh: Khánh An

Để cuộc sống được hài hòa, con người cần chăm sóc tốt ba lĩnh vực: thân, tâm và thức. Ăn đủ chất, ngủ đủ giấc, thể dục, vui chơi… là chăm sóc thân. Tinh cần học hỏi, mở tầm hiểu biết, mài giũa tư duy… là trau dồi kiến thức. Giữ tâm bình lặng, an nhiên, sáng chói, không giao động, không tán loạn trước sự vật hiện tượng đó là chăm sóc tâm. Con người hầu như chỉ nuôi dưỡng thân thể và trau dồi kiến thức mà quên một điều cực kỳ quan trọng là chăm sóc tâm bằng nếp sống tĩnh lặng. Nhờ nuôi thân tốt nên có sức khỏe, nhờ trau dồi kiến thức tốt nên có chánh tư duy, nhờ chăm sóc tâm tốt nên có được sự bình an. Sức khỏe, chánh tư duy và sự bình an là ba chất liệu quý giá để có được cuộc sống an lành.