Một thời Vạn Hạnh

Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu (1918-2012) - Ảnh: Võ Văn Tường

Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu (1918-2012) – Ảnh: Võ Văn Tường

Qua ngày rằm tháng Bảy, Hòa thượng Minh Châu viên tịch vào buổi sáng chớm thu. Vu lan ngưng đọng, mây la đà bay thấp hơn, và từ đó là những ngày không có nắng.

Vạn Hạnh tôn trí di ảnh của Ôn, gương mặt điểm một chút cười nhẹ. Ít khi thấy tấm ảnh nào của Ôn mà không cười. Nói theo kiểu triết học, cười là thuộc tính của Ôn.

Ngày khoác chiếc y vàng làm Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh, Ôn đã mở ra chân trời đại học cho Tăng Ni Việt Nam. Ngày đó, sau những chao đảo Pháp nạn, những mê hồn trận làm kinh tâm táng đởm tuổi trẻ, chư tôn Giáo phẩm cùng Ôn đã tận lực xây dựng ngôi nhà Phật giáo Việt Nam. Mở viện Đại học Phật giáo để cân bằng cán cân văn hóa giáo dục, để đứng ngang tầm với viện Đại học Đà Lạt, viện nổi tiếng về thần học uyên bác, để hội họp thân hữu với Viện Đại học Cần Thơ, và Viện Đại học Tây Ninh đang trên đà thành hình.

Ngày đó, những tân sinh viên mới ra khỏi lớp vỏ Trung học, đang còn chập chững bước vào giảng đường, hình ảnh uy nghiêm thanh thoát của quý Ôn, màu áo nâu, y vàng làm lay động cả khung trời mới lạ. Ôn Viện trưởng thường bước vào lớp với nụ cười an ổn. Một tay nắm chéo y, và thầy bắt đầu giảng kinh Trung bộTrường bộ… Những danh từ Pali làm choáng váng, nào là Sāvathi, nào là Sāriputta… tại sao không là Xá-vệ, Xá-lợi-phất quen thuộc như xưa? Bộ kinh dày và mênh mông sâu thẳm như trí tuệ của thầy. Giọng của thầy mang âm hưởng Quảng Bình, học trò tha hồ căng hai lỗ tai, cuối giờ còn có kẻ khều khều nói nhỏ: “Cho tui mượn tập ghi chép, tui nghe hết hơi mà hỏng kịp.”

Mới năm đầu tiên là như thế, qua những năm sau, không khí học đã sôi động. Hành lang Phật khoa luôn luôn ưu tiên cho Tăng Ni, ưu tiên cho sinh viên các khoa khác, sau khi học xong giờ nơi trường mình, dự thêm giờ Phật khoa để bổ sung kiến thức. Lớp bắt đầu muộn, vào cuối giờ chiều, đứng trên hành lang nhìn xuống sân thấy thầy đi kinh hành. Một tay nắm chéo y, tay kia thong thả theo nhịp bước, thầy đi vòng quanh sân, bấy giờ sinh viên đã về bớt, thầy đi như một chấm màu vàng di động, như có gió thổi theo chân. Ngày đó, những buổi chiều gió rất thích về thăm sân trường, thăm các hành lang nhộn nhịp.

Giảng đường 18, giờ của thầy Nguyễn Duy Cần, luôn luôn kèm theo chiếc cặp to màu đen. Sinh viên không biết có những gì trong đó, nhưng giờ triết Đông của thầy thường ngồi kín giảng đường. Thầy biểu muốn hiểu tinh thần Đông phương, tinh thần Phật giáo thì nên mua bộ Lục Mạch Thần Kiếm về xem. Báo hại có người chong đèn thức khuya, không xem kinh mà xem Đoàn Dự đi lang thang. Mỗi giờ học là mỗi giờ thú vị, tinh thần mạnh mẽ phóng khoáng của các thầy dù thượng thừa phương trượng hay tục gia phương ngoại, đã thổi sinh khí cho Vạn Hạnh.

Giờ học so sánh triết Đông và triết Tây, đề tài tìm hiểu mối liên hệ giữa trái hỏa châu và tinh thần phương Đông. Thời đó, chiến tranh miền Nam khốc liệt, ở vùng ngoại ô mỗi đêm đều có hỏa châu lững lơ trên đầu. Cả lớp xôn xao về đề tài có tính cách thời sự và thách đố. Người thì nói hỏa châu là thành tựu của khoa học phương Tây, người phản bác lại nói thuốc súng thuốc nổ là phát minh của Trung Hoa đầu tiên. Kẻ mơ mộng hơn, nói phương Đông như màn đêm huyền bí… Tự do phát biểu tư tưởng của mình… Tranh luận mãi rồi cũng không kết thúc được là Đông hay Tây, thôi rủ nhau lên căn tin uống sữa.

Thời đó, sinh viên sau giờ học hay ghé qua mấy quán cà phê gần trường bàn chuyện văn chương sách vở. Thời đó, Phạm Thiên Thư, Lê Nghị viết tràn những trang thơ. Đến khi nghe phổ nhạc “Rằng xưa có gã từ quan. Lên non tìm động hoa vàng ngủ say”, mới biết lớp mình hân hạnh có thiên… tai. Thời đó, cũng có khi trường phải bãi khóa, sinh viên tổ chức đêm không ngủ kêu gọi hòa bình. Cũng đôi lúc văn nghệ, hát nhạc Phạm Thế Mỹ hoặc hát lên ước mơ “Mai đây hòa bình, ta về ngắm lại dòng sông xưa, đồng hoang xơ xác hai bên sẽ mai này thơm mùi lúa chín.” Trên tất cả mọi thứ, vẫn có Thầy qua lại lên xuống sân trường, màu vàng y thấp thoáng, gió thì thầm với nhau rằng những nếp y của thầy rất ưu tư. Thầy hiện diện trong một thời tuổi trẻ băn khoăn và xao động của sinh viên, đem tinh thần Phật giáo để hướng dẫn dạy dỗ.

Chuyện cổ tích Việt Nam có kể, thời rất xưa có cuộc trao đổi giữa Bụt và ma, con người núp sau lưng Bụt xin che chở. Bụt chỉ giao hẹn là trong phần đất bằng với tấm y của Bụt, ma không được xâm phạm, ngoài tấm y là lãnh vực của ma. Tấm y của Bụt đâu có rộng lớn gì, ma đồng ý ký kết. Và khi tấm y vàng bung ra, bao nhiêu gian tà ma mị dạt hết ra ngoài. Tấm y bay choàng cả không gian thời gian, con người được an lành trong màu y của Bụt. Màu y của Thầy, một thời trải dài trong tâm thức sinh viên, học tập vui chơi an lành dưới khung trời đại học.

Một cuộc đời gần gũi gắn liền với biết bao biến chuyển đất nước và đạo pháp, rồi cũng ra đi khi đúng hẹn. Cởi áo tử sinh và khoác áo vô sinh.

Áo xưa vừa khoác lên người

An nhiên gửi lại nụ cười xưa sau.