Một điều nhịn, chín điều lành
Trong cuộc sống hàng ngày, không ít người có thói quen sử dụng ngôn ngữ ác độc, lời lẽ khiếm nhã để chửi mắng, thóa mạ nhằm trấn áp, chinh phục đối phương.
Một thời Thế Tôn ở Ràjagaha, tại Veluvana, chỗ nuôi dưỡng các con sóc.
Bà la môn Asurindaka Bhàradvàja nghe như sau: “Bà la môn thuộc dòng họ Bhàradvàja đã xuất gia với Thế Tôn, từ bỏ gia đình, sống không gia đình”.
Được nghe nói vậy, Thế Tôn giữ im lặng.
Rồi Bà la môn Asurindaka Bhàradvàja nói với Thế Tôn:
Này Sa môn, Ông đã bị chinh phục. Này Sa môn, Ông đã bị chinh phục!
Thế Tôn (nói kệ):
Kẻ ngu nghĩ mình thắng
Khi nói lời ác ngữ
Ai biết chịu kham nhẫn
Kẻ ấy thật thắng trận
Những ai bị phỉ báng
Trở lại phỉ báng người
Kẻ ấy làm ác mình
Lại làm ác cho người
Những ai bị phỉ báng
Không phỉ báng đối lại
Người ấy đã thắng trận
Thắng cho mình cho người
Vị ấy tìm lợi ích
Cho cả mình và người
Và kẻ đã phỉ báng
Tự hiểu, lắng nguội dần
Bậc y sư cả hai
Chữa mình, chữa cho người
Quần chúng nghĩ là ngu
Vì không hiểu Chánh pháp.
Được nghe nói vậy, Bà la môn Asurindaka Bhàradvàja bạch Thế Tôn: Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama!… Nay con quy y Tôn giả Gotama, quy y Pháp và Tăng. Mong cho con được xuất gia với Tôn giả Gotama.
(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ I, chương 7, phẩm A la hán, phần Asurindaka, VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.356)
Lời bàn:
Trong cuộc sống hàng ngày, không ít người có thói quen sử dụng ngôn ngữ ác độc, lời lẽ khiếm nhã để chửi mắng, thóa mạ nhằm trấn áp, chinh phục đối phương. Họ hả hê, thỏa dạ và xem mình là kẻ chiến thắng khi người kia chịu lép, im lặng không đấu khẩu hoặc nhẫn nhịn trước những phát ngôn thô bỉ, dữ dằn. Cũng vì thế mà lời qua tiếng lại, mắng nhiếc, chửi rủa luôn xảy ra từ trong nhà cho đến phố chợ và không ít những bất hạnh, tang thương trong cuộc sống đã bắt nguồn từ đây.
Tuy nhiên, theo tuệ giác Thế Tôn, người biết im lặng, kham nhẫn, không chửi mắng trở lại khi bị chửi mắng, không phỉ báng lại khi mình bị người khác phỉ báng… mới thực sự là người chiến thắng. Bởi sự đấu khẩu trở lại ắt sẽ dẫn đến sự xung đột và chắc chắn mình và người kia đều bị thiệt hại, thương tổn nặng nề. Sự thắng trận, theo Thế Tôn, là nhờ nhẫn nhịn nên tránh được những thiệt hại về thân mạng, danh dự và tài sản không đáng có do sân si gây hấn, xung đột tạo nên. Mặt khác, sự kham nhẫn ấy là liệu pháp hữu hiệu nhất để dập tắt nóng giận nơi người kia và thức tỉnh họ hồi tâm.
Quảng Tánh