Một cuốn sách ‘làm cho Phật tử nhận thức sâu xa hơn về đạo của mình’
Đây là lời giới thiệu cuốn sách ‘Một phê bình Thiên Chúa giáo từ góc độ Phật giáo’, do Trí Tánh Đỗ Hữu Tài dịch từ “Beyond Belief – A Buddhist Critique of Fundamentalist Christianity” của A.L. de Silva.
Cuốn sách này nhằm ba mục đích:
> Những điểm khác biệt giữa Chúa Trời và Đức Phật
1- Trước hết nhằm phân tích và phê phán nội dung giáo lý Thiên Chúa giáo (Công giáo và Tin Lành) và căn cứ vào đó mà soi sáng các vấn đề lý luận, triết lý và đạo đức trong những tín điều của Thiên Chúa giáo. Khi làm việc này, tôi hy vọng có thể cung cấp cho Phật tử các cơ sở lý luận để họ có thể sử dụng khi các tín đồ Thiên Chúa giáo muốn cải đạo họ. Cuốn sách này sẽ giúp tạo ra được các cuộc tranh luận công bằng hơn, và mong rằng việc đó sẽ giúp các Phật tử vẫn giữ mình là Phật tử. Vì lẽ nhiều Phật tử ít biết thật rõ về đạo của mình và hầu như không biết gì hết về Thiên Chúa giáo cả nên điều đó làm cho người Phật tử khó trả lời những vấn nạn hoặc bác bỏ các khẳng định mà tín đồ Thiên Chúa giáo đặt ra.
2- Mục đích thứ hai là giúp cho bất kỳ tín đồ Thiên Chúa giáo nào đọc sách này hiểu được tại sao một số người sẽ không, hay chẳng bao giờ, trở thành tín đồ Thiên Chúa giáo. Hy vọng sự hiểu biết đó sẽ giúp tín đồ Thiên Chúa giáo phát huy được một thái độ chấp nhận tình hữu nghị chân thực với Phật tử, hơn là một quan hệ chỉ nhằm cải đạo họ. Để làm điều này, tôi đưa ra nhiều vấn nạn càng khó càng tốt và một ít sự thật mà tín đồ Thiên Chúa giáo sẽ không vui.
Nếu như đôi lúc tôi có vẻ nghiêm khắc với Thiên Chúa giáo, thì tôi hy vọng điều đó sẽ không bị diễn giải là tôi có ác ý. Tôi đã là tín đồ Thiên Chúa giáo nhiều năm và vẫn giữ một sự tôn kính sâu xa, thậm chí ngưỡng phục, đối với vài khía cạnh của Thiên Chúa giáo. Đối với tôi, giáo lý của Giê-su là một bước quan trọng trong việc tôi trở thành một Phật tử; và tôi cho rằng nhờ vậy, tôi là một Phật tử tốt hơn.
Tuy nhiên, khi tín đồ Thiên Chúa giáo khẳng định, như rất nhiều tín đồ đã khẳng định một cách quyết liệt, rằng tôn giáo của họ là chân lý độc nhất thì họ phải chuẩn bị để trả lời các nghi vấn mà những người khác có thể phát biểu về tôn giáo của họ.
3- Mục đích thứ ba của cuốn sách này là làm cho Phật tử nhận thức được sâu xa hơn về đạo của mình. Ở một số nước châu Á, Đạo Phật bị xem là một hình thức mê tín lạc hậu, trong lúc Thiên Chúa giáo thì lại được nghĩ là có đầy đủ mọi giải đáp. Các nước (châu Á) này càng trở nên bị Tây phương hoá, thì Thiên Chúa giáo, với hình thức bên ngoài “hiện đại”, đã bắt đầu tỏ ra càng hấp dẫn. Tôi nghĩ cuốn sách này đủ để chứng minh rằng Đạo Phật có thể nêu ra các vấn nạn mà Thiên Chúa giáo thật khó trả lời, và đồng thời cung cấp những giải thích về các nan đề của cuộc sống đã làm cho những lời giải thích của Thiên Chúa giáo có vẻ tầm thường hơn.
Vài Phật tử có thể phản đối một cuốn sách như thế này, họ tin rằng một tôn giáo hòa nhã và khoan dung như đạo Phật thì phải kiềm chế việc bài bác các tôn giáo khác. Xin thưa rằng chắc chắn Đức Phật đã không dạy chúng ta một điều như thế đâu. Trong Kinh Mahaparinibbana, Ngài đã dạy các môn đệ phải có khả năng để “hoằng dương Chánh Pháp, công bố, xác minh, trình bày, phân tích, làm cho Chánh Pháp hiển lộ rõ ràng, và có thể dùng các phương tiện trong Chánh Pháp để phản bác các giáo lý giả tạo đã từng nảy sinh”.
Việc khảo sát và phê phán quan điểm nào đó một cách thận trọng và kỹ lưỡng đã đóng một vai trò quan trọng, giúp chúng ta sàng lọc chân lý ra khỏi sự giả tạo, nhờ thế chúng ta có thể ở một vị thế tốt hơn để chọn lựa giữa “hai và sáu mươi giáo phái đang tranh nhau cùng hiện diện”.
Thật ra, phê phán một tôn giáo khác chỉ trở nên không phù hợp khi chủ tâm xuyên tạc tôn giáo đó, hoặc khi hạ mình xuống để chế nhạo chửi rủa người ta. Tôi hy vọng tránh được điều này.
(Trích Lời Giới thiệu cuốn ‘Một phê bình Thiên Chúa giáo từ góc độ Phật giáo’, do Trí Tánh Đỗ Hữu Tài dịch từ “Beyond Belief – A Buddhist Critique of Fundamentalist Christianity” của A.L. de Silva).