Mối quan hệ giữa đời sống và việc tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông

Phật hoàng Trần Nhân Tông luôn nhấn mạnh quan niệm tiến bộ của Phật giáo Đại Việt rằng “Phật giáo là cuộc sống, không có sự cách li, phân biệt, bởi vì Phật giáo là gì nếu không phải đó là một quá trình đi tìm chân l‎ý.

Mà chân lý thì không nằm trong Phật giáo, mà chính ngay giữa lòng cuộc sống”. Tư tưởng tiến bộ này đã được thể hiện rõ qua bài kệ “Cư trần lạc đạo” của Ngài.

Thế gian kiệt xuất một người

Các nhà nghiên cứu lịch sử đã từng đánh giá rằng, trong suốt 10 thế kỷ phong kiến Việt Nam, hiếm có vị vua nào lãnh đạo đất nước, chống giặc ngoại xâm và để lại một di sản văn hóa, đặc biệt là về Phật giáo kỳ vĩ như Đức vua Trần Nhân Tông. Ngài dường như được sinh ra để tạo nên những điều phi thường.

Đạo và đời là hai thái cực không hề tách rời theo quan niệm của Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Đạo và đời là hai thái cực không hề tách rời theo quan niệm của Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Đức vua Trần Nhân Tông, tên húy là Trần Khâm, sinh năm Mậu Ngọ – 1258 vào ngày 11/11 (Âm lịch). Ngài là con trưởng của vua Trần Thánh Tông và Hoàng Thái hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm. Sử sách ghi lại rằng khi Ngài mới sinh ra đã có dung mạo của bậc thánh nhân, thể chất hoàn hảo, thần khí tươi sáng, sắc thái như vàng ròng, nên được vua cha đặt cho tên hiệu là Phật Kim.

Ngay từ lúc Ngài còn nhỏ, vua Trần Thánh Tông đã mời các bậc trưởng lão tinh thông Nho giáo, Tứ thư, Ngũ kinh và Phật giáo để dạy dỗ cho Ngài như Lê Phụ Trần, Nguyễn Thánh Huấn, Nguyễn Sĩ Cố… Chính vua cha đã soạn sách Di Hậu Lục để dạy cho Thái tử cách xử thế chuẩn bị nối nghiệp sau này nên Ngài đã trở nên tinh thông cả Tam giáo.

Về Phật pháp, Ngài theo học đạo với Tuệ Trung Thượng sĩ, và được Thượng sĩ hết lòng hướng dẫn, trao truyền những yếu nghĩa thiền tông. Ngài đã ngộ ra chân lý đạo màu khi đọc lời dạy: “Phản quan tự kỷ bổn phận sự/ bất tùng tha đắc” (dịch nghĩa là: Quan sát lại chính mình đó là bổn phận/ không do người khác làm được). Ngài tôn thờ Tuệ Trung Thượng sĩ làm thầy, và thường tới chùa Tư Phúc trong kinh thành Thăng Long để tụng kinh, tọa thiền, sám lễ Tam bảo, thấu đạt cả nội điển và ngoại điển.

Năm 1293, Ngài nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông để lên làm Thái Thượng Hoàng. Sau khi quốc gia, xã tắc được bình yên, Ngài trở về hành cung Vũ Lâm (thuộc Ninh Bình ngày nay) xin xuất gia cầu đạo với Quốc sư Huệ Tuệ, khởi đầu cho sự nghiệp tu hành của người xuất gia tam giới.

Năm 1299, Ngài từ hành cung Vũ Lâm trở về kinh thành Thăng Long, rồi thẳng tiến lên núi Yên Tử (nay thuộc Uông Bí, Quảng Ninh), tinh cần tu hạnh đầu đà lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà. Ngài cho dựng chùa, giảng pháp, độ Tăng. Người học Phật quy tụ về Yên Tử rất đông. Đồng thời, Ngài đã thống nhất ba dòng thiền: Tỳ-Ni-Đa-Lưu-Chi, Vô Ngôn Thông, và Thảo Đường thành lập lên dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử với tư tưởng nhập thế “Cư trần lạc Đạo”, “Hòa quang đồng trần” là dòng thiền mang bản sắc riêng của Đại Việt.

Dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử được gìn giữ và lưu truyền qua các thời đại, các thế hệ Phật giáo Việt Nam mà ngày nay Giáo hội Phật giáo Việt Nam là chủ thể kế thừa tinh hoa nhập thế đồng hành cùng dân tộc. Và Phật hoàng Trần Nhân Tông được tôn là Sư tổ của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử.

Xuất gia tu hành chứng ngộ tinh túy của thiền tông và với tinh thần nhập thế sâu sắc, Hương Vân Đại Đầu Đà Trần Nhân Tông đã thường xuyên đi các nơi để giảng dạy Phật pháp. Ngài không chỉ ở hoằng pháp ở khắp vùng thành thị, thôn quê mà còn du lãm ra cả các vùng đất bên ngoài và không phải chỉ ở trong nước, mà còn đến cả các nước lân bang.

Trong quá trình thuyết pháp, ngài luôn khuyến cáo người tu hành nhập thế để làm lợi ích cho đời thì phải tùy duyên. Vì chúng sinh còn nhiều đau khổ, nhiều người chưa biết Phật pháp, chưa biết trong nhà của mình, bản thân mình có báu vật, vì thế mà không biết khai thác, cứ lao đao tìm kiếm để rồi khổ não buồn phiền…

Trong sự nghiệp hoằng dương chính pháp, Sơ Tổ Điều ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông đã chủ trì cho khắc in Đại Tạng kinh và biên soạn kinh sách, ngữ lục. Qua đó, Ngài đã để lại cho hậu thế kho tàng pháp bảo vô cùng quý báu như: Trần Nhân Tông thi tập, Đại Hương Hải Ấn thi tập, Tăng Già Toái Sự, Thạch Thất Mỵ Ngữ, Trung Hưng Thực Lục, Truyền Đăng Lục…

Tôn chỉ của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử

Tôn chỉ của Thiền Trúc Lâm Yên Tử thế hiện rất rõ trong bốn câu kệ cuối của bài phú Cư trần lạc đạo:

“Cư trần lạc đạo thả tùy duyên

Cơ tắc san hề khôn tắc miên

Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch

Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền”

Dịch:

 “Ở đời vui đạo hãy tùy duyên

Đói cứ ăn no mệt ngủ liền

Trong nhà có báu thôi tìm kiếm

Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền”

“Cư trần lạc đạo” là bài thiền kệ được trích trong bài phú cùng tên của Phật hoàng Trần Nhân Tông, được xem là “tài sản” quý báu của Phật giáo Việt Nam đời Trần. Bài kệ này được Ngài viết khi còn là Thái Thượng Hoàn. Đây là một tác phẩm mang triết lý sâu sắc giữa đạo và đời. Thông qua bài phú, người tu biết sống ở trần gian mà vẫn an lạc.

Để thấu hiểu được ý tứ sâu xa của Phật hoàng Trần Nhân Tông, Thượng tọa Thích Thanh Điện và TS Phạm Thị Thanh Hương nhận định rằng, đại ý của bài thơ đã nói lên giữa cuộc đời đầy biến ảo vô thường này, muốn vui với đạo thì phải tùy duyên với vô thường. Khi đã nhận thức rõ vô thường và biết tìm kiếm cái chân thật trong mỗi chúng ta rồi thì không cần phải đi đâu tìm kiếm nữa. Cái tâm bình yên trong mỗi chúng ta chính là kho báu!

Nhận định trên được thể hiện rõ ràng qua từng câu kệ. “Ở đời vui đạo hãy tùy duyên”, theo Đại đức Thích Trúc Thái Minh, chữ “Tùy duyên” của đạo Phật không phải dễ hiểu. Nếu chúng ta hiểu “tùy duyên” là thế nào cũng được, vui đâu chầu đấy thì đấy không phải là “tùy duyên”. Người xưa đã có câu: “Tùy duyên bất biến”. Tức là tùy duyên mà bị biến thì không phải là tùy duyên. Sư Phụ cũng chia sẻ: “Chữ “tùy duyên” là phải “bất biến” mới được. Mà muốn đạt được năng lực để tùy duyên thì phải thấy được sự chân thật, thấy được tánh thể mới tùy duyên được”.

Từ đó có thể thấy rằng, nếu người tu hành mà vẫn vương chấp vào các duyên ở đời sẽ khó, thậm chí không thể tìm thấy an lạc ở nơi đạo giải thoát được. Vì cuộc đời là vô thường với trùng trùng các duyên và nghiệp, bởi vậy phải biết sống tùy duyên ứng biến, theo duyên nhưng không để mình sa ngã thì mới có thể tu hành.

“Đói cứ ăn no mệt ngủ liền”, để giải thích về câu kệ thứ hai Đại đức Thích Trúc Thái Minh nhấn mạnh: Chúng ta thấy đạo không phải là điều gì đó xa lạ. Không phải đi vào chỗ xa xôi, khuất lánh mọi người, không phải lên tận đỉnh núi cao, vào trong hang động mới là đạo. Tìm đạo ở chính tâm này, tâm bình thường ấy là đạo. Ngay chính tâm được bình thường, được an định thì đạo sẽ hiển lộ. Khi đó thì ăn cơm, mặc áo, đi ngủ cũng là đạo.

Đại đức lý giải, tâm chúng ta hầu hết luôn bất thường mà chúng ta không nhận ra. Sáng vui, chiều buồn, hôm nay yêu, ngày mai ghét; suốt ngày nổi sóng. Đó là tâm bất bình thường, tâm bất an. Tâm rất quan trọng. Tâm quyết định sự thành hay bại của chúng ta. Vậy nên, để điều phục tâm, không biến bản thân mình thành nô lệ của tâm, Đại đức chia sẻ: “Tất cả quá trình chúng ta tu học Phật Pháp đều là quá trình để điều luyện tâm”. Tức là bây giờ chúng ta tu tập, rèn giũa, thanh lọc để tâm được trở lại trạng thái thanh tịnh mà chúng ta gọi là “tâm bình thường”.

Nếu như ở hai câu kệ đầu, Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã làm rõ yếu chỉ của việc tu đạo thì đến câu kệ thứ ba, Ngài chỉ ra của báu mà ai cũng có, đó chính là tâm thanh tịnh của mỗi người.

Để đại chúng hiểu sâu hơn về “báu trong nhà” được Phật hoàng nhắc tới, Đại đức giảng giải: “Trong nhà có báu tức là ngay nơi bản tâm chúng ta có của báu vô giá. Đó là viên ngọc Minh Châu là viên ngọc tâm thanh tịnh. Khi mà thấy được viên ngọc báu này rồi thì không có một của báu nào của trần gian bằng được nó”.

Vàng bạc, ngọc ngà, tiền của ở thế gian là quý nhưng trong đạo thì của báu vô giá chính là ở ngay bản tâm thanh tịnh của mình. Có thể nhận ra rằng, tâm trong sáng ấy chính là tâm Phật vô giá mà trong quá trình tu rèn, thanh lọc mới được hiển lộ.

“Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền” nghĩa là, khi chúng ta sống giữa cuộc đời với đầy thuận nghịch của duyên và nghiệp mà không bận lòng, thấy cảnh khổ đau của người dân mà không bận lòng thì đó là vô cảm, vô tâm. Nếu một người tu hành mà không biết đau, biết lo trước nỗi khổ của chúng sinh thì chớ nghĩ tới việc theo Phật pháp. Vô tâm là khi đứng trước ngọn gió của đời, đứng trước tham dục của trần gian mà không xao động mới thực chất gọi là vô tâm.

“Ở đâu cũng có người yêu, người ghét người thuận, người nghịch với mình. Chúng ta sẽ lấy luôn việc đó để luyện tâm mình. Làm sao trước tất cả những cảnh giới ấy mà mình quyết tâm tiến đạo, không thoái chuyển, vẫn bất động”, Đại đức Thích Trúc Thái Minh giảng giải.

Nguồn: https://baophapluat.vn/

Tiểu Vũ – Đoàn Chi