Mỗi ngày gieo một hạt vui cho đời được không?!
Có nhiều người nghiệt ngã trong lời nói hoặc trong những bình luận trên mạng. Sự cay nghiệt như chất chứa một ẩn ức, thậm chí là thù hận đến kinh ngạc.
Nuôi dưỡng lòng biết ơn
Lâu rồi, một lần trong lúc chờ xe lửa và đứng hút thuốc ở ga Ballarat của Úc, tôi đứng gần một người công nhân, tôi đoán là làm đường, tầm khoảng ngoài 50 tuổi. Ông cầm một bó hoa, loại hoa gì đó tôi không rõ, được gói trong bao giấy. Khi tôi nhìn bó hoa, ông cười tươi và nói “tôi tặng vợ”. Tôi hỏi dịp gì vậy? Ông nói không có dịp gì cả, chỉ tặng vợ thôi.
Rồi ông nói, như kiểu tự nói với mình, có một người mà chúng ta luôn nên biết ơn, đó là người bạn đời của mình [ông dùng chữ “life partner”]. Lòng biết ơn sẽ nuôi dưỡng tình yêu. Ông nói “hơn 30 năm nay, vợ chồng tôi đã rất hạnh phúc”.
Bạo lực gia đình đâu chỉ là chồng đánh vợ
Hôm bữa tôi có trao đổi về một chủ đề, gọi là bạo hành gia đình. Thực ra đa số mọi người khi thảo luận chủ đề này nói thường về chuyện bạo hành người vợ, mà nói thẳng là chồng đánh vợ. Tuy nhiên, khi đến phần thảo luận của tôi, tôi đề nghị mở rộng phạm vi.
Trong gia đình không cứ phải chồng đánh vợ là bạo lực. Bạo hành gia đình là khi một thành viên của gia đình bị tổn thương, gây ra bởi thành viên khác, trong một thời gian dài. Ví dụ vợ chì chiết chồng, cha mẹ chửi mắng con cái, con cái hỗn láo với cha mẹ, anh chị em nói xấu nhau…
Không cứ phải nắm đấm mới là bạo hành. Trong gia đình, một lời nói nặng nề xúc phạm, một ánh mắt thù ghét, một cử chỉ khinh rẻ… đều là bạo hành. Nó không phạm vào thể xác nhưng nó tổn thương hơn rất nhiều.
Nếu xét phạm vi rộng như vậy, bao nhiêu gia đình hiện đang có vấn đề bạo hành? Và cách mà chúng ta phòng tránh, khắc phục?
Yêu thương trong từng bữa cơm gia đình
Thầy Pháp Hòa, trong một lần pháp thoại, có nói rằng một bữa cơm gia đình phản ánh không khí hạnh phúc của gia đình đó. Nhà nào còn nấu cơm ăn chung, nhà đó còn hạnh phúc.
Có thể điều đó hơi xa xỉ trong cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, thầy nói không sai.
Không khí trong một bữa cơm gia đình luôn phải vui vẻ, chan hòa, đầm ấm và yêu thương. Mọi người kính trọng ông bà, vợ chồng yêu thương han hỏi nhau và dành tình yêu cho con cái, con cái lễ phép với ông bà cha mẹ, anh chị em yêu mến nhau…, và quan trọng là ai cũng muốn gìn giữ không khí của bữa cơm gia đình đó thì nhà đó đã có một gia sản quý giá, hơn cả mọi châu báu trên đời.
Một đứa trẻ lớn lên từ những bữa cơm gia đình hạnh phúc như vậy chắc hẳn sẽ là một người tử tế.
Đừng nói lời cay nghiệt, mỗi ngày hãy nói một lời vui
Có nhiều người nghiệt ngã trong lời nói hoặc trong những bình luận trên mạng. Sự cay nghiệt như kiểu chất chứa một ẩn ức, thậm chí là thù hận đến kinh ngạc.
Ví dụ một cái tin về một hoa hậu đăng quang lập tức có những người “còm” bóng gió là đã tuyển được gái gọi cao cấp, rồi chuẩn bị “nằm ngửa kiếm tiền đô”… bất luận là cô hoa hậu mới đăng quang (hoặc người nhà) có thể đọc được.
Sự cay nghiệt (xúc phạm) đối với người khác [người lạ] cũng là bạo hành trong xã hội. Điều đó đến từ đâu? Chắc chắn không phải đến từ những gia đình chan hòa tiếng cười, đầy yêu thương và hạnh phúc được.
Tôi nghĩ rằng bạo hành gia đình sẽ dần dần sinh ra bạo hành xã hội, làm suy giảm dần những giá trị tốt đẹp của nhơn loại.
Mỗi người, mỗi ngày, nên gieo một hạt vui. Trong gia đình, ta nói một lời yêu thương, một câu vui vẻ, quan tâm chia sẻ yêu thương nhau hơn một xíu. Nếu buộc phải chỉ trích, hãy chọn một câu dễ nghe nhứt có thể, bởi vì cách mà mình nói về người khác cũng ít nhiều tự phản ánh luôn nhân cách của mình.
ĐÀM HÀ PHÚ– nguồn Tuổi Trẻ