Mọi chuyện rồi sẽ qua
Có một lúc Quyên không biết mình phải làm gì cả. Đầu óc cô trống rỗng. Một đêm bão đời lướt qua cuốn phăng của Quyên tất cả: công việc, tình yêu, những giấc mơ vỡ vụn. Quyên cười. Chính cô cũng không hiểu vì sao khi ấy mình lại cười, lẽ ra phải khóc thật to…
– Bỏ hết đi, về với mẹ, mẹ nuôi. Đời mẹ còn trải qua nhiều “cơn bão” khủng khiếp hơn rất nhiều!
Quyên gượng cười qua điện thoại để mẹ yên tâm. Tự nghĩ mình sẽ không về trong thời điểm này. Từ khi Quyên rời khỏi căn nhà nhỏ có hàng dâm bụt làm rào, Quyên hứa với lòng mỗi chuyến trở về là một lần mang cho mẹ niềm vui. Cô không muốn mình mang khuôn mặt u sầu và trái tim tan nát về rồi lại gieo vào mẹ những nỗi buồn thăm thẳm.
Một buổi chiều, nắng hè sót lại cuối ngày dát vàng sân ga vắng. Quyên kéo vali lên tàu. Đuổi theo cô không kịp, Nhu nóng lòng nhắn: “Đi đâu vậy Quyên? Ở lại thành phố đi. Mọi chuyện rồi sẽ qua”. Cô không trả lời ngay vì phải tìm đúng toa, đúng buồng, Quyên chọn giường nằm cho đỡ mỏi. Sau đó không lâu, Quyên mới sực nhớ tin nhắn của Nhu. Quyên đọc, cười hiền lành. Nhu vẫn luôn chu đáo. Mỗi khi Quyên có chuyện gì không như ý muốn, câu đầu tiên Nhu nói là: “Mọi chuyện rồi sẽ qua”. Biết đó chỉ là một lời an ủi, song Quyên thấy lòng nhẹ bẫng.
“Không sao đâu. Mình cần thay đổi không khí. Ở thành phố ngột ngạt quá, mình chịu không nổi” – Quyên nhắn vậy. Tắt máy.
Tàu rục rịch chuyển bánh, những chiếc bánh sắt xoay đều rít vào hai thanh ray lót cót, rung lắc nhịp nhàng. Quyên đã đi tàu nhiều lần trong đời, lần gần nhất là đi cùng mẹ ra thăm biển miền Trung cát trắng – nơi mà trước đó mẹ Quyên chưa từng đến, thậm chí mẹ nghĩ rằng có lẽ suốt đời cũng chẳng biết biển miền Trung đẹp như thế nào. Chuyến tàu đó ngắn, Quyên và mẹ chỉ đi được một phần tư chiều dài đất nước. Lần này, Quyên chọn cho mình chuyến đi dài hơn. Xuyên Việt. Quyên đặt vé cho cả hành trình, nhưng nếu bất cứ lúc nào muốn xuống tàu thì xuống, chẳng tiếc điều gì.
Tàu chạy được một quãng xa, thành phố ngột ngạt chất chứa những nỗi buồn, cái hộp vô hình lưu giữ những mảnh vụn vỡ của tình yêu đã lùi sâu sau trục tàu dọc dài đất nước. Cô ngồi bên cửa sổ ngắm nhìn cảnh vật hiện ra ở khung cửa, trôi tuột về phía sau đoàn tàu. Bao giờ cũng vậy, cô thích ngồi ngắm cảnh trên tàu trong tâm thế thoải mái nhất. Khung cửa trở thành chiếc tivi mà những phân cảnh hiện ra không hề giống nhau, đầy bất ngờ, có khi tàu đang ở giữa khu dân cư chật chội và lô nhô những mái hiên suýt nữa đã chạm tới thân tàu, phút chốc lại hiện ra cảnh núi non điệp trùng, đồng lúa mênh mông, biển xanh thăm thẳm, cát trắng nắng vàng… Đẹp và bình yên vô cùng.
Cảnh vật có khả năng xoa dịu, chữa lành. Tự khắc Quyên thấy lòng mình thênh thang, như thể có ngọn gió mát lành nào lùa vào, làm êm ái những vết thương vô hình mà trước khi lên tàu nó vẫn còn rỉ máu, đau âm ỉ.
– Chào cháu, cháu đi một mình à?
Đó là tiếng của một cụ già, trông lớn hơn mẹ cô chừng 10 tuổi. Quyên gật đầu, nở nụ cười thay lời đáp.
Thấy Quyên không nằm trên giường, bà cụ ghé xuống ngồi ở một góc, giọng trầm mà trong lắm:
– Tôi cũng đi một mình, cô đơn quá, tôi đi qua buồng này xem có ai đó trò chuyện hay không.
Cô rời mắt khỏi khung cửa, mặc cho cảnh vật cứ trôi:
– Vậy bà nói chuyện với cháu nhé! Bà định xuống ga nào?
– Chắc ga ngoài Bắc. Còn cháu?
– Cháu chưa biết. Bao giờ muốn xuống, cháu sẽ xuống, không có kế hoạch trước bà ạ!
Bà cụ nhìn Quyên một lúc, như thể bà đang dò xét con người, dò xét tâm tính của Quyên. Đôi mắt nhân hậu và khuôn mặt hiền từ của bà cụ không hề làm Quyên khó chịu. Quyên cứ ngồi im lặng ở đó, tay đặt chồng lên nhau rồi đặt hờ lên đầu gối. Bà cụ nhìn cô, thì thào:
– Cháu ạ, trên đời này không phải chuyện gì cũng thuận theo ý mình. Có những chuyện mình muốn, mình tưởng rằng sẽ tròn trịa, nhưng rồi lại méo mó, thậm chí tan nát. Cháu còn trẻ nên bị sốc. Nhưng khi đã qua giai đoạn đau khổ này, nhìn lại, cháu chỉ thấy đó là một phép thử mà thôi!
Quyên ngạc nhiên, nhưng cô vẫn giữ được sự điềm tĩnh nhìn bà cụ, tự dưng nước mắt Quyên chảy xuống. Ở bà cụ xa lạ kia có điều gì bí ẩn quá, bà như nhìn thấu suy nghĩ của Quyên, thấu cả những bi kịch mà Quyên vừa trải qua. Quyên lấy khăn thấm nước mắt.
– Bà ơi! Sao bà có thể hiểu được nỗi lòng của cháu?
Bà cụ cười thành tiếng, như tiếng cười của bà tiên bước ra từ câu chuyện cổ tích mà mẹ đã từng kể cho Quyên nghe thuở nằm nôi.
– Tôi chẳng có phép màu gì đâu. Tôi đã từng trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, nhiều thăng trầm trong cuộc đời, nên tôi có kinh nghiệm sống và nhìn thấy cháu đang mang trong lòng một nỗi buồn sâu đậm.
Những lời bà cụ nói ấm áp quá, khiến Quyên bỗng chốc quên những nỗi buồn, nỗi đau trong trái tim. Câu nói của Nhu tự dưng vang vang bên tai Quyên: “Mọi chuyện rồi sẽ qua thôi”. Biết đó là lời an ủi, nhưng câu nói ấy rất đúng, tuy đơn giản nhưng lại đầy triết lý. Rồi sẽ qua thôi, có đáng gì đâu để trái tim buồn đến hao gầy vì những điều không xứng đáng? Người trẻ như Quyên thường hay u sầu, thậm chí cô đơn, mất phương hướng khi gặp phải một điều gì cản bước. Nhưng đó chỉ là một ranh giới mà ai cũng phải bước qua để trưởng thành.
Mải nghĩ ngợi để lòng thôi dậy sóng, Quyên nhìn sang đã thấy bà cụ đi về buồng bên cạnh từ lúc nào. Trong buồng này chỉ còn mỗi mình Quyên ngồi bó gối trên giường, mắt nhìn ra cửa tàu, ngắm từng đợt sóng nhấp nhô, nhịp nhàng. Mắt Quyên long lanh. Hai hàng nước mắt lã chã rơi trên gò má, nhưng đó không phải là nước mắt của cái đêm Quyên biết mình bị Thanh phụ bạc. Lòng Thanh lạnh giá. Thanh đã trêu đùa trái tim nhiệt thành và chung thủy của cô. Cái đêm ấy, nếu Thanh không gọi tên người con gái khác trong cơn say, nếu Thanh không vô thức ngộ nhận Quyên là người tình mà Thanh đang sẻ san tình cảm, Quyên không biết mình sẽ còn khờ dại đến bao giờ.
“Hận Thanh không?” – Nhu lại nhắn, khi Quyên mở máy ra gọi về cho mẹ.
“Không. Phải cảm ơn Thanh. Vì Thanh đã cho mình biết sự thật. Cứ đắm chìm vào thứ vĩnh viễn không là của mình lại càng đau khổ hơn” – Quyên trả lời lại.
“Mọi chuyện rồi sẽ qua thôi” – Nhu kết thúc cuộc trò chuyện bằng tin nhắn quen thuộc.
Quyên tắt máy, nằm xuống giường, nghe tiếng bánh tàu rúc rích đều đặn thành âm thanh vui tai. Tàu đang đi vào địa phận của miền Trung. Cảnh miền Trung đẹp như tranh vẽ đã xóa tan những muộn phiền trong Quyên. Lòng Quyên nhẹ như bọt biển.
Cô gọi điện cho mẹ. Bên kia, giọng mẹ ấm áp như nắng mùa xuân. Quyên thủ thỉ:
– Mẹ ơi, đất nước mình đẹp quá. Con đang đi ngang qua miền Trung đây!
Với mẹ, dải đất duyên hải miền Trung có vẻ như còn xa xôi quá. Mẹ chỉ nhìn thấy trên tivi. Trong tưởng tượng của mẹ, miền Trung chỉ là nơi nước ngập mỗi mùa mưa về, là lũ quét, là bão bùng… chứ mẹ chưa thể hình dung nơi này đẹp như một bức tranh sơn thủy. Quyên cứ khoe, cứ mô tả cho mẹ chỗ này là biển xanh, chỗ kia là bãi cát dài, chỗ nọ là những tháp Chàm rêu phong phủ kín gợi nhắc một thuở vàng son… Cái cảm giác ấy trong trẻo lắm, giống như hồi Quyên còn nhỏ, mỗi lần cô theo mẹ đi đâu đó, thấy một điều gì đó lạ lẫm, Quyên lại reo lên, chỉ trỏ.
Giờ Quyên thay mẹ đi khắp đất nước. Mẹ an phận ở quê nhà, mẹ đi du lịch bằng trí tưởng tượng, theo sự mô tả của Quyên.
– Hè năm tới, mẹ con mình đi tham quan nhé! Con sẽ đưa mẹ đi cùng khắp. Ba mất rồi, con muốn nơi nào con qua cũng có mẹ đi cùng…
Nói đến đó, Quyên nghẹn ngào. Nếu không nghĩ sang chuyện khác, chắc cô sẽ khóc mất. Mà cô không muốn mình khóc ngay trong lúc này. Quyên muốn mẹ biết mình đã thôi xót xa đau khổ, biết rằng lòng mình đã lành khi được thưởng ngoạn cảnh sắc của núi non trùng điệp, của biển cả xanh ngời.
Mùa hè nắng đẹp, biển long lanh hơn. Những đoàn tàu vào bờ sau nhiều ngày đánh cá ngoài trùng khơi. Quyên tỉnh dậy, qua ô cửa, Quyên thấy đoàn tàu đã sắp sửa qua khỏi dải đất miền Trung nắng gió. Khoảnh khắc này, tự dưng Quyên vừa vui, vừa nhớ đau đáu cái thành phố nhỏ mà hôm qua hôm kia cô vẫn nghĩ nơi đó chộn rộn quá!
Thành phố bao dung. Thành phố đã cưu mang Quyên suốt những năm tháng cuộc đời. Thành phố cũng cho Quyên những trải nghiệm vui buồn, để cô trưởng thành và mạnh mẽ hơn ngày hôm qua. Quyên nhắn Nhu: “Đợi mình nhé! Hết chuyến đi này mình sẽ về với phố”.
Còn bây giờ, Quyên nhìn ra ô cửa. Những cảnh đẹp phương Bắc xuất hiện. Những di tích, những làng mạc, những đền đài. Cô thấy mình đang trôi bềnh bồng trên dòng di sản của dân tộc…
Hoàng Khánh Duy