Mở cánh cửa dẫn vào Duy thức
Ảnh minh họa
Duy thức là một trong số những trường phái quan trọng nhất của Phật giáo, cũng như có dấu ấn đặc biệt quan trọng trong lịch sử phát triển của Phật giáo Đại thừa.
Sự hình thành và phát triển của Duy thức gắn liền với hai vị Đại luận sư Vô Trước (Asaṅga) và Thế Thân (Vasubandhu). Trong đó, quan điểm trọng tâm của trường phái này đó là “mọi thứ thuộc tam giới được xác lập là duy thức”. Sự phát triển và định hình vị trí trong dòng chảy triết học Phật giáo của Duy thức phái kéo dài trong nhiều thế kỷ, lên đến đỉnh cao ở thế kỷ thứ VI, đặc biệt tại Nalanda – trường đại học đầu tiên trong lịch sử của Phật giáo. Sau đó, theo bước chân ngài Huyền Trang, các luận thư và tư tưởng Duy thức du nhập vào Trung Hoa, tạo tiền đề cho sự hình thành của Pháp tướng tông.
Từ đó đến nay, giáo nghĩa Duy thức vẫn có ảnh hưởng cực kỳ sâu đậm trong giáo lý và triết học Phật giáo. Rất nhiều thư tịch, tác phẩm nghiên cứu từ xưa cho đến nay xoay quanh hệ thống giáo nghĩa Duy thức đã ra đời, nhằm phân tích, luận giải về nhiều vấn đề liên quan. Trong số đó, ở thời hiện đại, rất nhiều các công trình nghiên cứu đến từ học giới phương Đông lẫn phương Tây đã đưa ra những góc nhìn mới mẻ, đa chiều về Duy thức dưới lăng kính triết học, tâm lý học,…
Bìa cuốn sách Dẫn vào cửa Duy thức của tác giả Thích Thanh Hòa |
Tại Việt Nam, hiện nay, việc nghiên cứu và học hỏi về Duy thức thường giới hạn chủ yếu trong phạm vi của các trường Phật học. Số lượng các sách vở, bài nghiên cứu, dịch phẩm về Duy thức được xuất bản trong nước mấy mươi năm qua, ước tính chiếm một số lượng đáng kể, góp phần vào việc bổ sung tư liệu cho việc dạy và học Duy thức tại các trường Phật học.
Cuốn sách Dẫn vào cửa Duy thức của tác giả Thích Thanh Hòa vừa được xuất bản vào đầu năm 2024 có thể coi là một đóng góp mới vào hệ thống tư liệu nghiên cứu, học hỏi Duy thức ở trong nước. Bằng một thái độ nghiêm cẩn, chỉn chu, tác giả Thích Thanh Hòa đã có những tổng hợp, khái quát lại các nguồn nghiên cứu rất phong phú liên quan đến Duy thức, đưa ra những phân tích, đối sánh nhằm giới thiệu về giáo nghĩa Duy thức trên nền tảng Kinh luận Phật giáo.
Bên cạnh việc giải thích, phân tích các khái niệm thuộc Duy thức như Bát thức, Tâm sở,… Những vấn đề liên quan đến cách nhận thức thế giới qua lăng kính Duy thức, các vấn đề Nghiệp và tái sinh,… cũng được tác giả trình bày một cách có hệ thống nhằm giúp người đọc có thể lần lượt tiệm cận với những tầng bậc uyên áo của Duy thức.
Đặc biệt, trong Dẫn vào cửa Duy thức, độc giả cũng có thêm cái nhìn tổng quát về quan điểm liên quan đến sự vận hành của Tâm trong các học thuyết tiền Duy thức như: Thuyết Tâm hữu phần của Theravada, thuyết Đắc của Thuyết nhất thiết hữu bộ, thuyết Chủng tử của Kinh lượng bộ,…; cũng như những tương quan, đối sánh với các giáo thuyết tương tự của các trường phái Bà-la-môn về chủ đề này.
Học Duy thức là một điều khó, bởi những khái niệm trong Duy thức, tuy không quá nhiều nhưng để nắm bắt được một cách chính xác lại không hề dễ dàng, hiểu được và tri nhận được các vấn đề của Duy thức phản chiếu trong đời sống và thế giới lại càng khó gấp bội phần, mặc dù cốt lõi của Duy thức, tóm gọn lại nghe thật giản dị: “Thế giới vô vàn sai biệt nhưng không vượt ra ngoài hai phạm trù thiện và bất thiện. Thiện thì tăng thượng, bất thiện thì tổn giảm. Do hạt giống thiện và bất thiện trong tâm mà có các cõi thú sinh tử cũng như Niết-bàn giải thoát”.
Sự dụng công của tác giả Thích Thanh Hòa trong việc cho ra đời một cuốn sách như Dẫn vào cửa Duy thức với mục đích cung cấp thêm tư liệu cho người học Duy thức cũng như góp thêm “một công trình nghiên cứu nghiêm túc” cho học giới, như lời giới thiệu của Hòa thượng Tuệ Sỹ, là một điều đáng quý.
Đặc biệt, trong hơn 500 trang sách, ngoài những nội dung chính, phần Thư mục tham khảo của Dẫn vào cửa Duy thức với hệ thống văn điển, Phạn, Hán, Anh ngữ cũng là một phần đặc biệt cần chú ý. Mặc dù là phần phụ của sách, dù vậy, có thể coi là một tổng hợp tham khảo rất hữu ích đối với những ai có ý định đào sâu vào việc học hỏi Duy thức.
Đại đức Thích Thanh Hòa sinh năm 1976 tại Quảng Trị, hiện trụ trì chùa Hải Lạc (TP.Đà Nẵng). Sau khi tốt nghiệp Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM vào năm 2005 và hoàn tất chương trình nghiên cứu nâng cao của Viện Nghiên cứu Phật học VN (2005-2007), Thầy đã lên đường du học Ấn Độ. Năm 2018, Thầy Thích Thanh Hòa trở về Việt Nam, sau khi hoàn thành chương trình Thạc sĩ Phật học tại Đại học Delhi và Tiến sĩ Triết học tại Đại học Allahabad (Ấn Độ).