Minh sư là gì?

Có câu, mình nguyện cho mình, kiếp sau, có trở lại đời này, thì xin cho con được sanh vào một quốc độ tốt. Bài kinh dài, mà Pháp Hòa đọc bốn câu thôi: Sanh phùng trung quốc / Trưởng ngộ minh sư / Chánh tín xuất gia / Đồng chơn nhập đạo.

 

Nghe chữ sanh phùng trung quốc, tưởng đâu là nguyện sanh ở China (Trung Hoa). Chữ trung quốc trong kinh thường dùng, có nghĩa là một quốc độ, một đất nước, có văn minh, có được sự học hành, có được sự cởi mở, có được sự tự do, chẳng hạn như xứ Úc này.

Sanh phùng trung quốc, tức là con nguyện, nếu được sanh ra, con gặp được một quốc độ, một đất nước an lành, không chiến tranh, có sự học hỏi. Trưởng ngộ minh sư, tức là lớn lên, thì lại được gặp những bậc thầy sáng suốt. Chánh tín xuất gia, nếu mà con đi tu, thì hãy cho con đi tu theo chánh pháp, có niềm tin chân chánh ở Phật pháp mà đi tu, được nhập đạo từ khi tuổi còn nhỏ. Đồng chơn nhập đạo tốt là vì còn trẻ thì mình không có tập khí ở đời quyến rũ.

Chẳng hạn đến năm mươi tuổi, mình mới đi tu, mà ba mươi năm trước đó, mình là lãnh đạo, thì mình cũng sẽ bưng nguyên lãnh đạo đó vô chùa, tiếp tục làm “sếp” người ta. Mình đi tu từ nhỏ, không bị chi phối gì hết, tâm tư mình gửi trọn cho cái sự tu hành, học kinh học pháp, dễ hơn.

Thầy. Ảnh minh họa

Thầy. Ảnh minh họa

Có người sẽ thắc mắc là làm sao mình gặp được minh sư? Các bậc thầy sẽ dạy một trong ba cách sau, khẩu giáo, ý giáo, thân giáo. Và dù vị đó không phải là sư phụ, hay thầy của mình, nhưng mình có từng học nơi vị đó thì vị đó vẫn là thầy.

Chữ Hán có câu: tam nhân đồng hành tức hữu ngã sư, ba người cùng đi trên đường, trong ba đó, sẽ có một người là thầy mình.

Một trong ba người, luôn điềm đạm, tinh tế, nhẹ nhàng. Dù họ không tuyên bố họ là thầy mình, dù mình cũng chưa nhận họ là thầy, nhưng ngay lúc đó, mình cũng đã học được nơi họ cách ứng xử.

Minh sư không có nghĩa là phải kiếm thầy nào đó tu hành cho dễ sợ để rồi mình lạy xin họ làm thầy. Mình hãy học ngay những bậc minh sư, nhiều lắm, ngay trong cuộc sống này.

Ở trong Đại Trí Độ Luận, có chỉ rõ cho mình. Thí dụ, bây giờ, mình thấy vị thầy đó giảng pháp hay, nói rất hay, nhưng mà thầy đó chưa làm được, trường hợp đó nhà Phật chúng ta gọi là y pháp bất y nhân. Nghĩa là, hãy nương vô pháp, chớ đừng nương vô vị đó. Minh sư ở đây là pháp.

Có một vị Tổ dạy như thế này, vị thầy nói giỏi, chỉ mình điều đúng, điều phải, mà không làm được thì vị đó là quốc sư. Còn vị thầy nào mà nói được, mà làm được, thì vị đó là quốc bảo.

Sống, cần nhẹ. Sống bằng cặp mắt nghi ngờ, không biết thầy này tu thiệt không, ông nào là chánh, ông nào là chơn. Làm sao có đủ thời giờ để mà kiếm ông nào thiệt? Trước mắt, cái gì hay cứ học, lượm bỏ túi.

Minh sư có thể là một câu đối viết ở trong chùa. Đây là y pháp mà không có y nhân: Một chút giận hai chút buồn / lận đận cả đời ri cũng khổ / trăm lần bỏ ngàn lần xả / thong dong tấc dạ rứa mà vui.

So với cái mênh mông của vũ trụ / nỗi buồn này hạt cát có ra chi. Mình thường nói cuộc đời là vô thường, là như hoa nở tối tàn, vậy mà mình tối ngày cứ bận rộn, buồn người này, trách người kia, nghi người nọ. Cực nhọc mà rốt cuộc, mình không học được gì hết, thôi thì bây giờ, câu nào hay, câu nào đạo lý, thì câu đó là thầy, là minh sư của mình vậy.

Minh sư ở trước mặt. Quan trọng là mình có chánh niệm để nhận ra minh sư đang bàng bạc trước mặt mình không.

Phật dạy, các vị đừng tôn thờ tôi là thần, quý vị cứ cho tôi là một vị thầy thôi. Thầy là người chỉ dẫn cái hay, cái đúng. Trong cuộc sống, mình gặp minh sư nhiều lắm. Nhiều khi cách hành xử của vị đó làm mình giật mình, không ngờ vị đó có những cách xử sự đẹp, dễ thương. Ngay lúc đó, vị đó là minh sư, là người thầy chỉ cho mình một bài học nhỏ.

Có một em Phật tử, năm nay đâu chừng sáu, bảy tuổi, ăn chay trường đã mấy năm nay rồi. Vô trong lớp, bạn hỏi, sao mày ăn chay? Quý vị biết nó trả lời sao không? Cọng rau, mày cắt nó để ăn, nó tiếp tục mọc lên được, còn cổ gà, mày cắt, con gà nó không sống lại.

Giáo pháp của đứa nhỏ thiệt là đơn giản. Còn mình định nghĩa ăn chay, nào là, ăn chay từ ái vô biên / lòng thành cầu nguyện cửu huyền siêu thăng / ăn chay để giữ nghiệp căn / đêm ngày cầu nguyện cao thăng độ đời / ăn chay kính ngưỡng Phật trời. Ôi thôi, mình đem thơ, đem kinh ra mình nói…

Thích Pháp Hòa

Phạm Hiền Mây (phiên tả)