Mỉm cười nhìn đoá hoa, lòng nghi ngờ tan vỡ
Cách đây không lâu, mình tự nhiên nhận ra mọi thứ xung quanh tự nó đang vận hành một cách định tĩnh và trong lành như chúng đang là rồi. Chỉ có tâm mình bị bản ngã xui khiến mới loay hoay tìm kiếm, thay này đổi kia.
Hãy thử nhìn ra ngoài hiên. Khi mặt trời chiếu sáng, nó không hề chọn lựa mang ánh sáng đến cho ai, không cố gắng hôm nay chiếu sáng nhiều hơn, cũng không buông thả hôm sau ít hơn.
Và một hạt mầm khi bắt đầu nhú lên, nó cũng không mong phải lớn cho thật nhanh. Đến khi trưởng thành, người ta đặt cho nó một cái tên, và lời ra tiếng vào, so sánh bình phẩm về nó. Còn nó vẫn an nhiên, như không phải nói về nó vậy.
Sinh ra và lớn lên từ bùn đất, cái cây chưa bao giờ đòi hỏi phải chuyển sang chỗ khác cao ráo, sạch sẽ hơn, mà cứ sống trọn vẹn với những gì cuộc đời mang đến cho nó một cách trong lành. Khi đủ nước, dưỡng chất thì xanh tươi, khi thiếu thì khô héo.
Đến một ngày, khi trời đất và cái cây hợp đủ duyên, bông hoa tự nhiên nở ra. Nó tỏa sáng với hương thơm và sắc đẹp của mình chẳng vì mục đích gì, cũng chẳng dành riêng cho ai cả. Không kiêu ngạo mà cũng không ngượng ngùng. Ai muốn ngắm, muối hái tùy duyên.
Thế rồi duyên tới, bông hoa được Đức Phật cầm trên tay. Nó vẫn như thế, không tỏ ra vui mừng được là lựa chọn của bậc giác ngộ. Đức Phật nhìn nó mỉm cười… và ngài Ca Diếp cũng cười theo.
Các ngài và bông hoa đã hiểu nhau! Ngay trong giây phút ấy, tất cả những gì được gọi tên đều tan biến…
Sự tích “Đức Phật, bông hoa và ngài Ca Diếp được truyền y bát” đã là chủ đề bàn luận của các Phật tử biết bao lâu nay. Có người nói đó là thật, người khác lại bảo không phải, là do người đời sau dựng lên.
Và người ta cũng thắc mắc tại sao ngài Ca Diếp lại được Đức Phật truyền y bát mà không phải ai khác trong vài ngàn cao tăng đang ngồi đó? Có phải chỉ vì ngài đã mỉm cười khi nhìn thấy Đức Phật với bông hoa trên tay? Các học giả đưa ra những câu trả lời khác nhau, không biết ai đúng ai sai?
Tuy nhiên câu chuyện ấy là có thật hay không, liệu có quan trọng?
Giác ngộ và mỉm cười có thể là khi thấy rõ vạn vật đều đang vận hành một cách định tĩnh và trong lành như nó đang là mà không hề bị kẹt ở đâu cả, không phải chỉ cỏ cây mà tất cả vạn vật xung quanh, và những bộ phận trong cơ thể chúng ta, kể cả những nơi đang đau yếu và bệnh tật!
Chỉ mỗi cái tâm đang lăng xăng muốn điều chỉnh này kia là vướng mắc và nghi ngờ thôi.
Nếu cái tâm lăng xăng ấy có thể thấy rõ, rằng mọi sự mọi vật đều đang tự vận hành một cách trong lành và trọn vẹn như chúng đang là rồi, hẳn cái tâm ấy phải mừng rỡ đến thế nào!
Và biết đâu trong giây phút “chứng ngộ” ấy, bài thơ của Thầy Minh Niệm có thể được đọc lên:
Mỉm cười nhìn đóa hoa,
Lòng nghi ngờ tan vỡ,
Hạnh phúc ở đây rồi,
Dại khờ tìm muôn thuở!…
Pháp Thuận