Mẹ chồng từng là nàng dâu
Câu chuyện dân gian về nàng dâu, mẹ chồng được lưu truyền, ngày nay có lẽ đã chìm khuất giữa thời đại bùng nổ thông tin, thời đại của công nghệ số vì vậy không nghe ai nhắc đến như thời tôi còn trẻ.
Chuyện kể rằng, có nàng dâu, ngày ngày ruộng nương đồng áng, đầu tắt mặt tối, về đến nhà thì nhanh tay công việc nội trợ bếp núc. Thi thoảng, việc đồng vừa xong lại tranh thủ ùm xuống sông xuống suối tắm táp trước khi về nhà. Dạo sau này, cơm thường sống sít, mẹ chồng chửi rủa thường xuyên. Có lần bà rình nàng dâu, cô thường lấy nắp nồi cơm trên bếp mà ụp lên đầu. Tức giận, mẹ chồng lấy đũa bếp gõ một phát sọ bị vỡ ra, đỉa mẹ, đỉa con tung toé khắp nhà…
Chuyện tưởng tượng của dân gian không ai có thể tin được. Nhưng nó lại là sự nhắc nhở thâm thuý về ứng xử nàng dâu, mẹ chồng. Vùng sông nước Miền Tây Nam Bộ “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội như bánh canh” thì chuyện đỉa chui vào tai sinh con đàn cháu đống là có thể xảy ra nếu vô tình. Chuyện đỉa chui vào tai thực ra là một sáng tạo dân gian nhiều hơn vì tự thân đỉa chỉ sống ở vùng nhiệt độ thấp, mát lạnh. Việc “đỉa chui vào tai” thật sự hàm nghĩa của sự phóng dật, của những lời thị phi, truyền tai, chuyện tụm năm tụm ba, nhiều chuyện, sự nông nổi, thích buông lung theo tập khí của mỗi người. Và đấy cũng là cách ví von những mẹ chồng từng là nàng dâu, mang đỉa con, đỉa mẹ lúc nhúc, mang ác pháp đi khắp thế gian.
Chuyện về những người sống quanh tôi
Câu chuyện tiêu biểu cho “tình cảm” mẹ chồng nàng dâu theo trình tự nhân-quả, trả-vay. Cảm xúc của thời làm dâu được chôn giấu vào tâm, rồi sau lại dội xuống con dâu đúng điệu “mẹ chồng”, không hề khác. “Hồi tao làm dâu không phải làm biếng làm nhác như vậy…” Cứ thế, chuyện mẹ chồng nàng dâu gần như tiêu biểu, lặp đi, lặp lại trong xã hội.
Không phải vô cớ mà WHO tuyên bố đến hơn 70 % dân số thế giới mắc chứng trầm cảm. Một khi con người cứ bước tới, bất chấp, bằng sự hiếu thắng, bằng sự nông nổi, bằng những hằn thù. Không có sự phản tỉnh không tự biết mình “mang bệnh”, căn bệnh của thế giới giả hợp tứ đại, của sự dung nạp luôn thiên về ác pháp. Vâng ác pháp luôn có sức mạnh của bạo lực, của sự huỷ diệt, của sự tàn phá. Còn cái thiện luôn ẩn mình, hiền hoà, nhu thuận, khả ái…Một khi đánh mất sự “phản tỉnh”, không biết đem tình thương yêu, đem cái thiện mà ngăn ác, diệt ác, không biết vun vén cho cái thiện, cho lòng yêu thương thì tự khắc nó mất dần đi…để trong đầu bạn “toàn đỉa con, đỉa mén”
“Bà Chín chẳng được học hành bao nhiêu nhưng là người biết tha thứ, biết yêu thương. Mọi người hay nói ví von, không bị đỉa chui vào tai sinh con đẻ cái, nên có việc lại chạy về, coi nhà từ đường như nơi thờ dòng họ của mình. Đám tang ông Năm, bà Chín quát tháo, buộc dỡ rạp ngay khi động quan. Nội cười: Bây giờ có để nguyên rạp ở đó, trù cho anh chết rồi làm đám tiếp, anh cũng không chết đâu. Tin anh đi, khi nào các em đi hết anh mới đi. Thật mà!”
Một khi con người cứ bước tới, bất chấp, bằng sự hiếu thắng, bằng sự nông nổi, bằng những hằn thù vô cớ. Nói chung, cách mà nội thường nói: Con người dùng toàn bộ thời gian cho sinh kế và thụ hưởng quên mất tư duy (rèn luyện chánh tư duy), không biết tha thứ, không biết yêu thương, không tự điều chỉnh mình hay nói chữ một chút đó là luôn luôn phản tỉnh, thì dễ dẫn đến trầm cảm, đến thần kinh, nặng hoặc nhẹ thôi, không thể khác.
Kỳ Nam