May mắn từ đâu đến?

Đời một người, ai rồi cũng sẽ gặp lúc may mắn huy hoàng, chỉ là có khi đến sớm, có người sẽ muộn hơn một chút. Vậy những may mắn đó từ đâu mà đến?

 

1. Từ sức khỏe tốt

Mạnh khỏe cũng là một phúc phần, vì có sức khỏe mới có khả năng phấn đấu. Muốn vậy, ngoài việc quan tâm đến chế độ ăn uống và vận động, còn phải luyện tập thói quen sinh hoạt điều độ và cân bằng cả sức khỏe tâm lý. Thân tâm mạnh khỏe thì sinh hoạt hay công tác đều thuận lợi, rạng rỡ đón từng ánh nắng sớm mai trong an khang vui vẻ.

2. Từ tấm lòng lương thiện

Người có tấm lòng lương thiện, là đã có căn bản của phước đức. Từ thiện gốc ở tấm lòng, đức dày ở hạnh bao dung. Người có trái tim ấm áp xây dựng nên xã hội bình yên, kiến tạo thế giới tràn đầy ánh sáng, tự nhiên đường đi của bản thân cũng thênh thang rộng mở.

3. Từ những suy nghĩ tích cực

Suy nghĩ dẫn đến quyết định, quyết định chỉ hướng hành động, từ đây tạo thành kết quả. Người sống ở đời, tự tạo các điều kiện để sinh tồn, nỗ lực học tập để phát triển là bản lĩnh. Có thể vì sự tốt đẹp của bản thân mà sống, xây dựng đời mình ổn thỏa rồi thì trợ giúp người khác được như mình, chính là một thành tựu lớn trong cuộc đời.

Đạo Phật quan niệm thế nào về sự may mắn?

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

4. Từ tính tình hoà nhã

Tính tình nóng nảy sẽ phá hoại các mối quan hệ ở đời, ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí có thể rút ngắn cả tuổi thọ. Người mà tính khí quá tệ, thần may mắn cũng không muốn đến gần. Vậy nên cần tập tính ôn hòa, đừng hở chút nổi giận mà tổn thương nguyên khí. Gặp chuyện gì cũng cần bình tĩnh, cân nhắc rồi mới hành động, cứ từ tốn thẳng đường mà đi thì kiểu gì cũng sẽ đến đích.

5. Từ sắc diện tươi tỉnh

Người xưa nói: Ra cửa nhìn sắc trời, vào nhà xem sắc mặt. Khi bạn phiền muộn, tức giận hoặc đau khổ, sắc diện tất nhiên sẽ khó coi, chẳng ai muốn gần gũi. Giữ lòng tôn trọng, mỉm cười nhẹ nhàng, thì vận khí tốt tự nhiên sẽ đến.

6. Từ ngôn ngữ thiện lành

Cùng người nói chuyện vui vẻ thì thần sắc tươi tỉnh, hòa khí sanh tài, may mắn có mặt. Tôn trọng người sẽ được người tôn trọng, trách móc không giải quyết được vấn đề, lời nói nặng nề còn sát thương đến người nghe. Ông bà thường nhắc: Bệnh từ miệng vào người, họa từ miệng mà ra, nên phải cẩn thận giữ gìn.

7. Từ hành vi chơn chánh

Người có quan điểm chơn chánh, thì hành vi không lo bị sai lạc. Tự quản lý bản thân, khiến mình xứng đáng được yêu thương, biết sợ tai họa và tiết kiệm phước, bằng cách làm nhiều việc thiện lành, biết sống cho đi, vui vẻ sẻ chia để ngày mai đong đầy hơn hiện tại.

Sư cô Suối Thông biên dịch