Mái chùa che chở hồn dân tộc
“Chùa xưa ở lẫn cùng cây đá
Sư cụ nằm chung với khói mây”.
(Nguyễn Khuyến)
“Bầu trời cảnh Bụt
Thú Hương sơn ao ước bấy lâu nay
Thoảng bên tai một tiếng chày kình
Khách tang hải giật mình trong giấc mộng”.
(Chu Mạnh Trinh)
Chùa làng Việt ghi dấu với vẻ đẹp dân dã, hiền hòa, xuất phát từ bản chất từ bi, vô ngã, vị tha, là một bộ phận quan trọng trong di sản văn hoá Việt Nam. Thiền sư Pháp Loa (1284-1330) từng nói rõ trong Thiền đạo yếu học: “Cảnh chùa có 4 điều: Một là Nước, hai là Lửa, ba là Lương thực, bốn là Rau… Cảnh không gần nhân gian mà cũng không xa nhân gian, vì gần thì ồn ào, mà xa thì không ai giúp đỡ cho” [1]. Chùa thường gắn với bức tranh làng quê thơ mộng như qua cảm nhận của Phật hoàng Trần Nhân Tông: Mục đồng địch lý quy ngưu tận/ Bạch lô song song phi hạ điền (Trẻ chăn trâu thổi sáo đổi trâu về/Cò trắng từng đôi lượn xuống đồng). Nhưng cũng có khi lại là biểu tượng cho linh khí non sông:
Trấn áp Đông Tây củng đế kỳ
Khuy nhiên nhất tháp độc nguy nguy
Sơn hà bất đông kinh thiên trụ
Kiến cổ nan ma lập địa chù.
(Trấn áp Đông Tây giữ vững kinh kỳ nhà vua. Đó là ngọn tháp sừng sững cao trội hẳn lên. Như chiếc cột chống trời đứng đó làm cho sơn hà yên ổn. Như mũi dùi dựng trên mặt đất, từ xưa chẳng hề mòn).
(Phạm Sư Mạnh, Vịnh Tháp Báo Thiên)
Kho tàng dân gian cũng ẩn chứa hình ảnh chùa quê trong những câu như: “Chùa làng, phong cảnh Bụt”, “Thứ nhất tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa”… Nhiều chợ làng thường họp ở ngay cửa chùa, dân gọi là “chợ Chùa” (thư tịch ghi là “Tam Bảo thị”). Ngoài các lễ chùa, còn có các hội chùa với những trò chơi dân gian, hoạt cảnh văn hóa giàu tính nghệ thuật được nhắc đến trong những câu ca dao:
“Gái chưa chồng nhớ hang Cắc Cớ
Trai chưa vợ nhớ Hội chùa Thầy”,
“Dù cho cha đánh mẹ cheo
Thì em không bỏ Hội Keo hôm Rằm”.
Chùa là nơi nuôi dưỡng niềm tin vào giáo lý của Đức Phật, từ đó rút ra những giá trị đạo đức cao cả, rồi chan hòa vào cuộc sống để dần trở thành truyền thống dân tộc. Chính tâm linh này đã soi rọi cho cách cư xử, nếp nghĩ của ông cha ta suốt chiều dài lịch sử, như: Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ, Thương người như thể thương thân, Chín bỏ làm mười, Làm lành lánh dữ, Ở hiền gặp lành… Chùa Việt còn là nơi thể hiện lòng hiếu thảo, nơi báo tứ trọng ân, xá tội vong nhân… Tất cả cho thấy, ngôi chùa qua hàng ngàn năm đã là biểu tượng cho tâm linh dân tộc.
Chùa Hoằng Phúc ở thôn Thuận Trạch, xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình
Chùa Việt có vị trí quan trọng trong sinh hoạt cộng đồng, dù Phật tử hay người không theo Đạo Phật cũng có thể đến vãn cảnh chùa, nghe giảng kinh hay tham gia các nghi lễ Phật giáo. Mái chùa vốn là nơi chu cấp cho cô nhi, giúp người nghèo khó, chữa bệnh cứu người, là nơi cho người hiếm muộn cầu tự, nơi nương náu khi ai đó gặp hoạn nạn… Nhà nghiên cứu mỹ thuật Phật giáo Chu Quang Trứ đã nhận xét khái quát: “Một làng quê có các công trình kiến trúc đình – đền – chùa là một làng có bề dày lịch sử và có chiều sâu văn hóa. Làng quê ấy là gương mặt Việt Nam, có cái hạn hẹp của nền kinh tế tiểu nông cá thể lạc hậu, nhưng lại có cái đẹp duyên dáng và đôn hậu cả ở cảnh và người. Trong các dạng công trình công cộng trên, chùa là công trình có sớm nhất, phổ biến nhất, gắn bó nhất với cộng đồng dân làng và dân tộc, do đó cũng có sức sống nhất, tồn tại lâu dài nhất và đang tham gia vào đời sống xã hội đương đại” [2].
Dù trải qua bao biến thiên thời cuộc, Phật giáo Việt Nam vẫn luôn đồng hành cùng dân tộc với tinh thần “Hộ quốc, an dân”. Triều đại phong kiến nào cũng có những Thiền sư là nhà văn hoá, chính trị xuất sắc. Trong các cuộc kháng chiến cứu nước, mái chùa là nơi che chở, nuôi dưỡng bao người chiến sĩ, cán bộ cách mạng; bản thân các Tăng, Ni, Phật tử cũng tham gia tích cực trong các đoàn thể cứu quốc. Qua bao cuộc hưng phế, tấm lòng chùa Việt vẫn hằng trụ, bất biến, đó là tâm lành và thủy chung với đất nước.
Ngoài hàng ngàn ngôi chùa trên toàn quốc, hiện nay trên khắp thế giới có khoảng 300 ngôi chùa do Tăng, Ni Việt Nam trụ trì. Học giả Moni Bagghee nhận định: “Thế giới ngày nay ngày càng hướng về Đức Phật vì Ngài là người duy nhất tiêu biểu cho lương tâm nhân loại”. Sự hiện diện của ngôi chùa, dù bất cứ ở đâu cũng sẽ là biểu tượng của một nền đạo đức cao cả mà con người cần vươn tới. Gần một thế kỷ trước, nhà bác học Albert Einstein đã khẳng định: “Tôn giáo tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt lên trên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi lãnh vực nói trên, trong cái nhất thể đầy đủ ý nghĩa. Phật giáo sẽ đáp ứng được các điều kiện đó”. Chùa Việt, với tư cách là di sản văn hoá vật thể, gắn với di sản văn hoá phi vật thể là các lễ hội và những sinh hoạt văn hoá tâm linh mang màu sắc dân tộc lâu đời đã minh chứng hùng hồn cho ý tưởng trên của Einstein. Tất cả xứng đáng được nghiên cứu, quảng bá một cách hệ thống và chuyên nghiệp qua nhiều loại hình văn học nghệ thuật cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng. Công việc này trước hết có tác dụng giáo dục truyền thống dân tộc, lòng tự hào và tình yêu quê hương đất nước cho thế hệ trẻ. Đồng thời, giới thiệu với người dân trong nước cũng như bạn bè quốc tế di sản văn hoá tôn giáo đặc sắc của Việt Nam, góp phần vào phát triển du lịch bền vững gắn với sự nghiệp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc.
Chú thích:
[1] Hà Văn Tấn, Chùa Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, 1993, tr.17.
[2] Chu Quang Trứ, Sáng giá chùa xưa – Mỹ thuật Phật giáo, Nxb. Mỹ thuật, 2012, tr.33.