“Ly sinh hỷ lạc” là gì?
Mình phải tự hỏi mình: Ngày hôm nay ta làm gì để có hỷ? Ngày hôm nay ta làm gì để có lạc? Ngày hôm nay ta làm gì để đại chúng có hỷ? Ngày hôm nay ta làm gì để đại chúng có lạc? Chỉ vì hai yếu tố đó là hai thiện pháp.
Khi vào rừng ngồi dưới một gốc cây hay vào thiền đường ngồi xuống, ta buông bỏ được những nhiêu khê và bận rộn trong cuộc đời, tự nhiên ta thấy thân tâm nhẹ nhõm. Và từ sự lìa bỏ đó mà hỷ và lạc phát sinh.
“Ly sinh hỷ lạc” tức là hỷ và lạc sinh ra từ sự kiện mình đã xuất ly được. Xuất ly là buông bỏ. Những người nào đã từng bị kẹt, hệ lụy, trồi sụp, vướng víu thì mới biết buông bỏ là hạnh phúc. Có nhiều người tuy biết buông bỏ là hạnh phúc nhưng buông không được, bỏ không được.
Yếu tố hỷ là một thiện pháp. Yếu tố lạc cũng là một thiện pháp. Trong khi ngồi thiền, mình thực tập hạnh phúc. Lạc tức là hạnh phúc. Ngồi thiền, đi thiền, sống đời xuất gia, sống đời người thực tập mà không có hỷ và lạc thì ta không thành công được.
Hỷ là một yếu tố cần thiết của thiền tập. Lạc cũng vậy. Cho nên mình phải tự hỏi mình: ngày hôm nay ta làm gì để có hỷ? Ngày hôm nay ta làm gì để có lạc? Ngày hôm nay ta làm gì để đại chúng có hỷ? Ngày hôm nay ta làm gì để đại chúng có lạc? Chỉ vì hai yếu tố đó là hai thiện pháp.
Sư Ông Làng Mai