Lương tâm và tín nhiệm
Làm việc gì, ngành nghề gì cũng phải có lương tâm. Lương tâm là năng lượng chủ thể giúp cho mình kiểm soát được chính mình từ cái đúng đến cái sai, để từ đó tự mình xác lập không cho phép được vượt quá giới hạn.
Ông bà ta nói thợ may thì ăn vải, thợ xây dựng thì ăn vật tư… tức là ngành nghề gì cũng có thể ăn được. Hàm ý này nói lên trách nhiệm và lương tâm.
Một khi lương tâm được thả lỏng, thì khó có thể tưởng tượng được nguy cơ của hành vi. Nó còn kéo theo sự suy sụp niềm tin của cộng đồng. Điều nguy hiểm nhất của lương tâm là sự trống rỗng, mặc cho những ham muốn vị kỷ trỗi dậy thỏa mãn cá nhân hoành hành.
Bao nhiêu chuyện để phải nói về lương tâm và sự tín nhiệm. Nguồn lương thực, thực phẩm ô nhiễm bởi các chất kích thích hóa học tăng trưởng. Những công trình lớn về hạ tầng cơ sở thì bị cắt xén làm cho mau xuống cấp. Các loại văn hóa phẩm độc hại theo con đường tiểu ngạch (kể cả buôn lậu) tràn ngập thị trường. Lại có chuyện tự mình lừa dối mình (lừa gạt lương tâm) để làm chuyện sai trái.
Những điều đề cập trên đã và đang đe dọa sự an toàn của cộng đồng và cũng chỉ là phần ngọn của tảng băng lương lâm. Suy ra, lương tâm không phải là sự trui rèn, mà nó được xây dựng và giáo dục từ những trật tự của ý thức, đạo đức, xoay quanh khái niệm “Mình vì mọi người” chứ không phải “mình vì mình”.
Nhớ trước giải phóng, môn học công dân giáo dục có lồng các bài luận về lương tâm nói chung và lương tâm nghề nghiệp. Điều này giúp cho học sinh hiểu được và có thái độ sống tốt để khi trưởng thành, đi làm bất cứ việc gì, ngành gì thì bài học lương tâm nghề nghiệp luôn là hành trang giúp mình luôn làm tốt, làm đúng với lương tâm và được lương tâm cho phép. “Mình vì mọi người” trong trường hợp này là hoàn toàn đúng đắn. Trong cuộc sống, nếu tất cả đều vì nhau, thương yêu nhau bảo vệ cho nhau thì quá ư lý tưởng. Nói ra điều này trong thời đại hiện nay, có người sẽ cho là tầm phào, viển vông. Hãy suy nghĩ lại mà xem, một bộ phận con người hiện nay có thái độ “Mình sống cho mình” vì sự đặc quyền, đặc lợi và tham lam vô tận. Và, sự thờ ơ chấp nhận miễn cưỡng của cộng đồng đang giúp những đối tượng này mặc nhiên tồn tại và tất nhiên, sự tác hại thật là ghê gớm.
Dù sao thì cũng rất khó chọn lựa và đòi hỏi những hành vi có đầy đủ lương tâm nghề nghiệp để cùng nhau sống yên ổn, ngoài việc hãy sống thật với chính mình và mọi người.
Vì vậy, cần có sự điều chỉnh và cân bằng, có thái độ đúng đắn về hành vi trong nghề nghiệp để không gây ra sự tác hại đối với xã hội, mà trong đó kể cả chúng ta và thế hệ mai sau cũng chịu liên quan.
Lương tâm nghề nghiệp kéo theo sự tín nhiệm. Từ sự tín nhiệm biến thành niềm tin. Và bằng niềm tin để sống thì đó là môi trường lý tưởng để tạo sức bật cống hiến cho nền kinh tế xã hội ổn định, con người sống hạnh phúc, văn minh và thăng hoa.
Trần Đức