Luôn tự biết mình đang hành động với tâm gì?

Trong bài kinh số 9 trong Trung Bộ Kinh có nhắc đến Chánh Tri Kiến – chính là khi thấy được tận gốc cái tâm phát sinh ra hành động của mình ngay từ khi chúng vừa khởi sinh. 

Đầu tiên phải thấy tận gốc mọi hoạt động của mình xuất phát từ đâu, từ tham, hay sân, hay si – tâm bất thiện, hay phát xuất từ không tham, không sân, không si – tâm thiện.

Ví dụ khi nghe nói có khóa tu thiền nào đó hay, vì trong đó hướng dẫn nếu hành như vậy thì sẽ đạt được cái này, cái kia, thế là mình đăng ký liền. Vậy ngay lúc đó mình đã không thấy rõ cái gốc của hành động đó là đến từ tham, sân, si hay là vô tham, vô sân, vô si?

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Hoặc ví như việc bố thí, khi mình có cái bánh, mình vừa thấy vị sư đang đi bát là mình cúng dường, nhưng khi thấy người ăn xin thì mình lơ đi. Vì mình nghĩ nếu để bát cho các vị sư thì sẽ có phước vào kiếp sau, còn bố  thí cho người ăn xin thì chẳng được gì. Hành động của mình lúc đó tưởng chừng như làm phước thực ra xuất phát từ lòng tham.

Vậy để trả lời cho câu hỏi làm sao loại trừ được tham sân si, chính là phải phát hiện ra tận gốc hành động của mình xuất phát từ tâm nào, tâm tham, hay sân, hay si?. Vô số những việc mình làm, mình tưởng là thiện nhưng lại xuất phát từ tâm tham, sân, si chứ không phải thiện tâm như mình tưởng.

Việc này không ai khác có thể biết được ngoài chính mình. Chỉ có chính mình mới biết lúc ấy đang hành động với tâm gì?

Hãy thận trọng, quan sát xem những hành động như bố thí, tu hành, ngồi thiền của mình đang xuất phát từ cái gốc nào, là tâm tham, sân, si hay không tham, không sân, không si…

Thầy Viên Minh