Lục diệu pháp môn là gì?

Là bao gồm các pháp: Sổ tức, Tùy tức, Chỉ, Quán, Hoàn, Tịnh. Ðức Phật khi vào Thiền định cũng tu hơi thở. Ðiều này trong các kinh A Hàm có ghi lại.

1. Sổ tức:

Chúng ta sử dụng sổ tức là đếm hơi thở. Hít vô cùng, thở ra sạch đếm một.

Hít vô cùng, thở ra sạch đếm hai. Ðó là cách đếm hoãn.

Còn cách đếm nhặt thì hít vô cùng, đếm một; thở ra sạch, đếm hai. Cứ như vậy đều đặn hơi vô, hơi ra.

Ðếm từ một đến mười rồi bỏ, đếm lại.

Công việc thấy như đứa con nít chơi vậy, nhưng thật là quan trọng. Vì chúng ta đã quen tâm phóng chạy ra ngoài, bây giờ muốn cột nó lại, làm sao cột?

Phải mượn hơi thở. Thường người tu Thiền là phản quan, soi lại.

Soi lại cái gì? Soi lại hơi thở. Hít vô cho tới cùng, đếm một; thở ra cho tới hết, đếm hai.

Biết hơi thở ra vô, biết đếm một hai nên quên hết các thứ bên ngoài, do đó tâm được yên.

Thời gian thuần thục từ nửa giờ cho đến một giờ, đếm không còn lộn. Ðó là thành công quán sổ tức.

2. Tùy tức:

Bỏ đếm, chỉ theo dõi hơi thở. Hít vô biết, thở ra biết.

Trong nhà Thiền nói như chú chăn trâu đang theo dõi con trâu của mình vậy, đi tới đâu mình theo dõi tới đó.

Thở vô tới đâu biết, thở ra tới đâu biết. Biết một cách rõ ràng đó là tùy tức.

3. Chỉ:

Tùy tức xong rồi phải định, tức là chỉ.

Chỉ là dừng lại, trụ tâm hoặc ở mũi, hoặc ở ngực, hoặc ở rốn, tùy theo mỗi người.

Như trụ tâm ở mũi chỉ thấy mũi thôi, không nhớ gì khác đó là chỉ.

4. Quán:

Quán hơi thở này từ đâu mà có?

Từ ngoài hít vô rồi thở ra mất, thấy như vậy thuần thục cho đến cuối cùng biết rõ hơi thở không thật, vô thường nên thân này cũng không thật, cũng vô thường, đó là quán hơi thở.

5. Hoàn:

Quán như vậy là chưa cứu kính, liền tới hoàn.

Hoàn là xoay trở lại xem cái quán hơi thở ra vô đó nó ở đâu.

Tìm lại xem là hoàn.

6. Tịnh:

Ðến đây tâm yên lặng, thanh tịnh, không còn quán, không còn xoay gì nữa cả, đó là tịnh.

Ðến tịnh là thành công. Nói thì dễ chớ làm không phải dễ.

Hồi xưa lúc tôi ở Chân Không tôi cũng dùng pháp này. Sổ tức, Tùy tức tôi làm được.

Tới Chỉ, đầu tiên tôi trụ tâm ở chót mũi, trụ một hồi hai con mắt nó nhức giật giật; tôi liền dồn xuống ngực, nghe tức ngực quá, chịu không nổi tôi liền dồn xuống rốn, một lúc gục lên, gục xuống, đến khóc mà thôi.

Thật ra người tu nào cũng có những cay đắng trong lúc hạ thủ công phu tu nhưng tùy theo người, theo duyên mà mỗi người gặp những khó khăn khác nhau.

Nếu pháp nào hợp, có lợi ích cho sự tu thì chúng ta phải theo. Nếu gặp pháp nào trở ngại thì mình chuyển qua pháp khác. Nên Phật dạy nhiều pháp môn là vì vậy. Do nghiệp chúng sanh sai khác nên pháp tu cũng sai khác.

Phát triển tâm định bằng niệm hơi thở

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong kinh có kể:

Một hôm ngài A-nan đi khất thực tới chỗ ông thợ rèn, sau khi cúng dường cơm xong, ông xin Ngài dạy cho một pháp tu.

A-nan liền dạy ông pháp quán thân bất tịnh.

Người thợ rèn về quán hoài không có kết quả.

Hôm khác ngài A-nan đi khất thực ghé vào nghĩa địa gặp ông giữ nghĩa địa, cúng dường cơm xong ông cũng xin Ngài dạy pháp tu. Ngài dạy ông này quán hơi thở.

Ông hành một thời gian cũng không thành công.

Ngài về lễ Phật thưa rằng:

– Bạch Thế Tôn, có hai người đệ tử xin con dạy pháp tu. Con dạy một người quán Sổ tức, một người quán Bất tịnh, nhưng cả hai đều thực hành không có kết quả.

Phật hỏi:

– Hai người đó làm nghề gì?

Ngài A-nan thưa:

– Bạch Thế Tôn, người làm nghề thợ rèn thì con dạy quán Bất tịnh, còn người giữ nghĩa địa thì con dạy quán Sổ tức.

Phật bảo:

– Vậy là ông dạy sai rồi. Người làm thợ rèn mỗi ngày thường thổi ống bễ phì phịch, sao ông không dạy quán hơi thở cho dễ? Còn người giữ nghĩa địa mỗi ngày đều thấy thây ma hoài, sao ông không dạy quán Bất tịnh?

Nhờ Phật chỉ nên sau đó ngài A-nan dạy lại hai vị đệ tử tu được thành công.

Quý vị thấy, pháp tu cũng ảnh hưởng đến nghề nghiệp và cuộc sống của mỗi người nên chúng ta không nên cho một pháp nào là cứu kính.

Nếu một pháp cứu kính thì Phật không dạy nhiều pháp môn.

Tùy theo căn cơ chúng sanh, với những nghề nghiệp khác nhau, bệnh hoạn khác nhau nên pháp tu cũng khác nhau.

Trích trong: Đường lối tu thiền.

HT. Thích Thanh Từ