Luận về chữ “duyên” trong cuộc đời, nghề nghiệp

Xin bắt đầu bằng chữ “Duyên” trong truyện Kiều của Nguyễn Du. Truyện Kiều có 47 chữ duyên trong 43 câu lục bát (4 câu có hai chữ duyên). Đấy là chưa kể một nhân vật có tên là vãi Giác Duyên.

 

Trong 47 chữ duyên đó, có 38 chữ là lời Thúy Kiều hoặc có liên quan đến Thúy Kiều. Đó là mối quan hệ giữa hai người không cứ là nam nữ. Người khách viễn phương với Đạm Tiên: “Khóc than khôn xiết sự tình/ Khéo vô duyên bấy là mình với ta”. Thúy Kiều với Kim Trọng ngày đầu gặp gỡ:  “Người đâu gặp gỡ làm chi/ Trăm năm biết có duyên gì hay không”; với Thúc Sinh: “Xót vì cầm đã bén dây/ Chẳng trăm năm cũng một ngày duyên ta”; với Từ Hải: “Trai anh hùng, gái thuyền quyên/ Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng”; với Kim Trọng ngày tái hợp: “Còn duyên may lại còn người/ Còn vầng trăng bạc, còn lời nguyền xưa”. Hoặc là mối liên hệ với cuộc đời, với những điều tiền định: “Hoa trôi bèo dạt đã đành/ Biết duyên mình, biết phận mình, thế thôi”, duyên trời, duyên kỳ ngộ, trần duyên, nhân duyên, khuôn duyên, dây duyên, duyên đôi lứa, duyên bạn bầy… Hay là sự gặp gỡ, giao hòa như một điều ước định trước: duyên nợ, tơ duyên, vô duyên, cơ duyên, duyên xưa, dây duyên… Có duyên ngắn (Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi), duyên một ngày (Chẳng trăm năm cũng một ngày duyên ta), duyên dài trăm năm (Trăm năm biết có duyên gì hay không), duyên ba kiếp (Ví chăng duyên nợ ba sinh/ Làm chi đem thói khuynh thành trêu ngươi). Lại còn có duyên hài  (Nàng rằng: gia thất duyên hài/ Chút lòng ân ái ai ai cũng lòng), duyên bẽ bàng (Mái tây để lạnh hương nguyền/ Cho duyên đằm thắm ra duyên bẽ bàng), hết duyên (Lầu xanh có mụ Tú Bà/ Làng chơi đã trở về già hết duyên”)…

Khác với phương Tây, người Á đông thường cho rằng sự gặp gỡ, kết hợp tốt lành giữa con người, sự kiện trong cuộc đời này là có nguyên nhân  như một yếu tố vô hình sâu xa ràng buộc. Triết lý này thể hiện rõ trong duyên nghĩa trầu cau. “Phải chăng đó là cái duyên của sự chuyển hóa, của sự biến điệu. Trầu, cau, vôi, vỏ… tất cả nếu đứng riêng rẽ thì mỗi thứ chỉ là cây, là đá, là lá. Nhưng khi chúng hợp lại, hòa quyện, được ủ trong môi miệng của con người, thì tất cả đều biến đổi. Trở nên đằm thắm, trở nên rực rỡ”.

Chữ duyên có vị trí đặc biệt trong tâm cảm, trong đời sống tình cảm lứa đôi trai gái, vợ chồng của người Việt. Duyên vốn là từ gốc Hán có nghĩa là nguyên nhân, duyên do, duyên cớ phát sinh ra sự việc. Sau hàng nghìn năm “giao duyên” với tiếng Việt, chữ duyên còn mang nghĩa duyên số, duyên phận của con người. Ca dao xưa có câu: Phải duyên thì gắn như keo/Trái duyên đuểnh đoảng như kèo đục vênh.

Hiểu một cách khái quát nhất, duyên chỉ sự tương hợp tinh thần, tình cảm giữa người và người, giữa người và sự vật, sự kiện.

Trong cảm thức của người Việt, có sự phân định tình và duyên, mặc dù hai chữ này đều chỉ quan hệ tình cảm lứa đôi trai gái, vợ chồng. Nếu như duyên là tiền định, có sẵn trong phận của mỗi người thì tình là sự gặp gỡ tình cờ trong hiện tại. Hò Huế có câu: “Tình về Đại Lược/ Duyên ngược Kim Long” là thể hiện sự phân định ấy. Quan họ cổ có câu: “Còn duyên kẻ đón người đưa/ Hết duyên đi sớm về trưa mặc lòng”.

Ngoài nghĩa duyên phận, duyên còn hàm nghĩa chỉ vẻ đẹp trong ăn nói, tính tình, ứng xử chủ yếu là của người con gái. Nhưng đó là nghĩa khác, phản ánh vẻ đẹp bên ngoài. Trong tiếng Việt còn có một từ duyên gốc Hán nữa có nghĩa là men theo, nương theo, Duyên Hải – chỉ miền đất ven biển, men theo nước biển.

Trong cuộc sống có nhiều chuổi sự việc tình cờ liên hệ hay nối tiếp nhau rất thú vị, nó quyết định rất lớn hay hoàn toàn tới đời sống, nghề nghiệp của một con người. Những người thành công trong cuộc sống cũng chẳng thể chạy khỏi chữ duyên. Có nhà văn đã kể, vì lúc nhỏ có người bạn của bố tặng cho cuốn sách truyện cổ tích của Ađexen mà khiến người đó say mê văn học và trở thành nhà văn có tên tuổi. Những người có năng khiếu nào đó mà có duyên, được sinh sống trong gia đình, hay làm việc trong một môi trường, hoàn cảnh thuận lợi để phát triển năng khiếu thì tài năng sẽ có dịp được vun đắp và thăng hoa, còn không thì mãi là những người bị đời quên lãng. Quan hệ con người với con người, quan hệ con người với xã hội là những quan hệ chằng chịt, nếu không có duyên thì khó lòng gặp được nhau, hiểu được nhau, cảm được nhau. Cái duyên này là tiền đề khởi đầu cho cái duyên khác, mỗi thứ một chút để dẫn tới thành công. Được làm việc với người nhân văn, nhân ái, có trí tuệ, lại có tâm hồn đó là duyên lớn.

Chúng ta chẳng mấy ai trước đây nghĩ rằng, mình sẽ làm nghề này, công tác ở cơ quan nọ. Làm nghề tư pháp, xây dựng pháp luật, phổ biến pháp luật, thi hành án dân sự, quản lý hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp …  lại càng ít người nghĩ tới. Nghề này vất vả chứ không nhàn hạ như nhiều người tưởng. Làm thêm giờ, mang việc về làm ở nhà là chuyện thường xuyên. Bổng lộc không có vì làm việc chung, không giúp một người dân hay doanh nghiệp nào cụ thể. Chỉ sống bằng đồng lương. Hồi trụ sở cơ quan Bộ còn ở phố Cát Linh những năm 90, tôi đã thấy không ít lần các em mới vào làm việc, lương không đủ sống, buổi trưa trốn lên tầng thượng ăn trưa bằng chiếc bánh mỳ không nhân, vì ăn ở trong phòng sợ người khác thấy thì xấu hổ. Có điều lạ theo tôi biết là rất ít cán bộ tư pháp đứng sau công ty này, doanh nghiệp nọ, chạy việc này, việc nọ để kiếm thêm. Có lẽ do không có thời gian. Hoặc nữa là do suy nghĩ, tư duy của người “phụ trách pháp luật” có cái “sỹ”, cái tự ái riêng của nó.

Vậy thì đến với nhau chỉ vì có duyên thôi.

Trước hết, vì thiết tha cống hiến, đóng góp cho cái chung.

Tiếp là có tấm lòng nhân hậu, không sợ thua thiệt, luôn mong cho mọi người, mọi sự càng ngày đều tốt đẹp hơn.

Nữa là cầu mong tiến bộ, nhưng phải bằng thực lực của mình.

Gần đây, có nhiều người coi tư pháp như bến đợi. Để có vị thế, để tích góp kinh nghiệm, gây dựng quan hệ, tìm một “cua” học ở nước ngoài hay có bằng cấp này, học vị nọ rồi đi tìm “duyên mới”, tìm chỗ làm việc có thu nhập khá hơn. Đó là “duyên một ngày”, “duyên lỡ”. Khác hẳn chuyện không gặp, không nhìn thấy nhau mà vẫn có duyên. Ấy là sự tương hợp, là duyên làm nên những tuyệt tác của đời như một trong những bài thơ Đường hay nhất là Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế. Bài thơ này được làm nhờ chữ duyên.

Hàn Sơn tự.

Hàn Sơn tự.

Truyền thuyết kể rằng, ấy là lần Trương Kế thi trượt, lênh đênh trên con thuyền trôi theo sông nước, dừng lại trên bến Phong Kiều. Buồn chán, thất vọng. Đêm đến càng u buồn. Chợt nảy ra hai câu thơ:

“Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên

Giang phong ngư hỏa đối sầu miên”

Vầng trăng vô định, mông lung như quên đi quỹ đạo của mình. Tiếng quạ kêu đêm hiu quạnh. Và một trời đầy sương. Đó là trên cao xa. Còn quay về ở tầm gần hơn: Một cây trên bến, một ngọn lửa thuyền chài và cùng với đó, đối diện với đó là nỗi u buồn không thể nào dứt bỏ. Nhà thơ Tản Đà đã dịch rất hay: “Trăng tà chiếc quạ kêu sương/ Lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ”. Tả nỗi buồn đến thế là tuyệt diệu, là cùng tận, biết nói gì thêm trong hai câu kết của bài thất ngôn tứ tuyệt?

Duyên là đêm ấy ở chùa Hàn Sơn, không xa bến Phong Kiều, vị sư thầy trụ trì cũng thao thức không ngủ. Trăng đầu tháng trong con mắt, trong tâm sự của sư thầy cũng như lạc trong đất trời, trong thâm sự:

“Sơ tam sơ tứ nguyệt mông lung

Bán tựa ngân câu bán tựa cung”

(Đêm nay đầu tháng trăng mờ/Nửa như móc bạc nửa ngờ vành cung)

Nghĩ đến đây, sư thầy cũng không thể thêm được nữa. Chú tiểu ở nhà dưới ngồi ngắm hồ nước như chén ngọc trong ánh trăng bàng bạc, thỉnh thoảng trông lên lầu trên, thấy đèn của sư thầy vẫn sáng, bèn lên vấn an:

– Bạch thầy, có điều gì khiến thầy chưa ngủ?

– Ta vừa nghĩ ra hai câu thơ mà chưa biết tiếp thế nào?

Nghe sư thầy đọc hai câu thơ, chú tiểu reo lên:

– Con cũng vừa làm được hai câu mà nếu được tiếp ý thầy thì e cũng hợp:

“Thủy bả kim bôi phân lưỡng đoạn

Bán trầm thủy để bán phù không”

(Hồ xanh ai xẻ đôi vầng/ Nửa chìm đáy nước nửa lồng chân mây)

Sư thầy vỗ tay, cười:

– Ấy là duyên Phật cho mà thầy trò ta có bài thơ hay. Con ra thỉnh hồi chuông tạ ơn Phật.

Vậy là giữa đêm mà từ chùa Hàn Sơn gióng lên hồi chuông. Tiếng chuông ấy như một người bạn vô tư mang tâm sự của đất trời, của thầy trò nhà sư, vọng vào không trung, tìm đến người khách u buồn đến tuyệt vọng ở bến Phong Kiều để giao hòa, chia sẻ, để xoa dịu, an ủi, để cứu rỗi, giải thoát. Và đây rồi hai câu thơ tiếp của Trương Kế:

“Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự

Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền”

(Thuyền ai đậu bến Cô Tô/ Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn Sơn – Tản Đà dịch)

Tuyệt tác của Trương Kế được viết ra trong mối giao duyên như vậy. Có thể có người không tin. Nhưng, nói như Nguyễn Trọng Tạo: “Tin thì tin không tin thì thôi”. Lại nhưng ai mà chẳng muốn có những ngày tháng, giây phút thăng hoa trong cuộc đời, trong nghề nghiệp của mình? Muốn thế, cần một chữ “Duyên”.

Rút từ tập “Tư pháp – Ở đời – Làm người”, Nguyên Đức.

Nguyên Đức