Lời thủ thỉ cho những ước mơ

Trong quá trình làm cái plan 2023 và lên kế hoạch thực hiện ước mơ thì mình vô tình nghe được một thông điệp nhỏ từ một người bác họ hàng xa trong lúc đến thăm nhà bác.  

 

“Tôi nói thật cái lứa sống sung sướng từ nhỏ tụi nó mới thật sự khổ, vì được bao bọc được có hết tất cả từ khi còn bé, vậy nên cứ hễ đụng 1 chút xíu là tụi nó than khổ, tụi nó bất mãn với tất cả trên đời, hay có mọi thứ hưởng đã rồi chán đòi hỏi tìm cái cảm xúc mới mẻ hơn, chứ đâu như anh em mình, có trải qua mới thấm sâu sắc thật sự cái khổ từ đó cái sướng nó mới trỗi dậy. Tụi nó khổ nhưng tụi nó đâu biết còn hàng triệu người khổ gấp trăm ngàn lần mình.

Cái sướng và cái câu chúc “thuận buồm xuôi gió” nó làm sức chịu đựng và năng lực nội lực con người yếu đi lại. Đừng chúc bác thuận buồm xuôi gió, đó là chuyện của ông trời, chúc bác “luôn tin tưởng vào chính bản thân mình, đủ nội lực, đủ mạnh mẽ như một chiến binh, để vượt qua tất cả”, lời chúc đó mới thật sự ý nghĩa.”

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Nhân tài sinh ra từ bể lửa, ông bà mình ngày ấy chiến tranh mới trải qua cái khổ điên dại nó như thế nào, vác từng viên gạch lửa bước đi trên xác đồng bào, kiếm 1 củ khoai nấu 7749 món ra sao, nhưng nhờ đó mà bây giờ có được một bát cơm mình ăn trong niềm hỷ lạc sung sướng, hạnh phúc trào dâng mà hưởng nó trong sự ung dung, biết ơn, vô tự tại. Cũng nhờ đó mà anh tài được sinh ra, tinh thần ông bà ta là tinh thần của lòng biến ơn, máu chinh phục.

Hễ thấy khó là nổi máu chinh phục. Khó nó khác “khổ”, “khổ” là than, còn “khó” là hiểu biết. Có dễ phải có khó, quy luật tự nhiên nó vậy, càng khó càng rèn mình cứng cỏi càng cứng cỏi càng lột xác và càng có giá trị, như viên kim cương đấy thôi.

Vậy “khó” nó đâu có “khổ”. Nói khổ là mình sợ hãi. Nhưng nói khó là mình muốn chinh phục. Cùng là vượt qua bài học tương ưng để đạt được nguyện vọng tương ứng. Nhưng 2 tinh thần hoàn toàn khác, 2 cái nhân hoàn toàn khác dẫn đến cái quả hoàn toàn khác , đó là ta đạt được cái quả nhưng trong suốt quá trình, cái máu chinh phục làm mình tự hào, sung sức, năng lượng, hoan hỷ, trung dung tự tại.

Trong khi nhìn bọn nhỏ, đã có sẵn phước báu của cải từ cha mẹ rồi lại muốn có thêm, cứ tăng dần độ  sướng đến một khi hết phước lại đùng 1 cái dưới vực thẳm mà vượt qua không được. Hoặc những đứa trẻ cả 1 cuộc đời sống trong màu hồng mà chưa trải qua đủ các mặt đối lập, lăng kính mà chúng  nó nhìn còn 1 màu lắm, rồi thì sự phán xét, muốn kiểm soát, muốn người này phải thế này thế nọ nảy sinh kiểu gì không dẫn đến đau khổ đúng không?

Ví như người ở quê sống mỗi ở quê nghèo thì họ mong cầu cái hạnh phúc giàu sang ở thành thị có nhà lầu xe hơi, người ở thành thị họ chạy đua mệt mỏi họ chỉ cầu mong cuộc sống thiên nhiên cây xanh nhẹ lòng ăn uống đạm bạc ở miền quê, cả 2 đều chưa trải qua mặt còn lại thì còn mong cầu, trải qua cả 2 mặt rồi mới thật sự chọn lựa được và trân quý được điều mình đang có, người đi xa quê luôn trở về với lòng hoan hỷ và dòng máu ruột thịt nó chảy cuộn hết bên trong người là vì vậy.

Pháp phật là thực hành, là tự bước đi trên con đường của mình trong sự an lạc, tất cả những gì nghe nói đều là trải nghiệm của người khác.

Cứ trải đi, muốn, hãy cứ làm, đừng sợ khổ, nạp năng lượng lửa mà chinh phục cái khó mà lột xác! Lột được rồi cũng khoan nổi lòng tham chia sẻ con đường của mình mà chỉ cần chia sẻ khi họ cần đến, hãy khơi gợi nỗi niềm trăn trở thôi và để họ tự dũng cảm tự bước đi trải nghiệm cuộc sống của mình, tự trưởng thành, tự có được trí huệ, quả ngọt rồi cũng sẽ đến với những người chịu gieo nhân.

Còn trẻ, cứ đi, rồi thì câu trả lời cho điều mình muốn sẽ xuất hiện. Có thực hành mới có câu trả lời, Đức Phật chỉ là người khơi gợi lên những trăn trở và tìm ra những phương pháp giúp đỡ ta tự tiếp bước đi tìm những câu trả lời, và câu trả lời thì luôn nằm ở việc ta sống thế nào trong chính cuộc đời  mình, ngay lúc bây giờ. Bởi “Cái đạo là một cái sống động hiện tiền mà không bị vướng lại”.

Có trải qua khổ mới có trân quý cái sướng thật trọn vẹn.

Rồi biết ơn, bảo vệ và gìn giữ nó.

Thế mới bảo, người thấy được 4 mùa thì trong lòng lúc nào cũng là mùa xuân.

Tóm lại, mình học được bài học về cái sướng cái khổ, cái tinh thần chinh phục khi bắt đầu thực hiện bất kì ước mơ gì, niềm tin gốc rễ vào chính bản thân mình.

Trong lúc đấy, mình lại học thêm bài học về cách trân quý tất cả những luận điểm, những ý kiến, lăng kính, góc nhìn của tất cả mọi người vì đó đều là tri thức và những kinh nghiệm sống của họ, góc nhìn rộng ra giúp mình thêm yêu thương và giúp cho cuộc sống mình tốt hơn, sự phản biện ngay lúc đó mang tính đóng góp góc nhìn chứ không phải để cái tôi lên tiếng rằng tôi đã biết những gì như một người bạn mình đã từng bảo:

“Em bám chấp vào những tri thức Phật giáo mà em không tiếp tục cập nhật, trải nghiệm, không tiếp tục thực hành, không mở rộng góc nhìn ra ví dụ như cả thiên chúa giáo, đạo của Khổng Tử, cả những giáo lí khác, ta hòa nhập để hiểu chứ không hòa tan trở thành bất cứ điều gì, tất cả đều là hệ thống tư tưởng triết học và nó là cả 1 cuộc sống riêng trong đầu em, khi em càng đi sâu vào nó, em sẽ cảm thấy biển lớn thật tuyệt, tri thức thật tuyệt vời, và những giá trị em nạp vào đầu sẽ giúp em biết cách  sống nghệ, sống hạnh phúc hơn”.

Rồi tất cả cuối cùng, đích đến của những ước mơ, cũng là muốn bản thân mình hạnh phúc mà đúng không?

Cho bố mẹ đi du lịch, báo hiếu được bố mẹ mình mới hạnh phúc?

Xây dựng được cái gì đó lớn lao mình mới hạnh phúc?

Giúp được người khác hạnh phúc, mình mới hạnh phúc?

Bên ngoài phải đủ đầy, bên trong mới hạnh phúc?

Thôi thì “tự hạnh phúc đi, rồi tất cả mọi điều mình làm, đều hạnh phúc cả”. Và tất cả mọi người xung quanh đón nhận được nguồn năng lượng của mình, họ cũng sẽ tự động hạnh phúc.

Cho dù trong hành trình mình bước đi có sinh ra 100 cái ước mơ nhỏ đi chăng nữa, vẫn cứ hãy ghi nhớ ước mơ đầu tiên, ban đầu, dùng nó làm kim chỉ nam cho toàn bộ những điều mà mình làm sắp tới, thay đổi phương pháp, chứ không thay đổi đích đến cuối cùng.

Hãy sẵn sàng cho đi và cũng sẵn sàng được giúp đỡ khi hoạn nạn, ai cũng muốn trở thành người tốt mà đúng không? Ai cũng có hạnh phúc riêng của họ, đừng im lặng tự cho mình là người tốt rồi đoán mò và đừng tự đem đến họ thứ họ không cần, ví dụ như ba mình chả cần mình kiếm ra tiền, ba mình cần mình đi học để thành người, ba mình hạnh phúc thì mình hạnh phúc, vậy rốt cục điều tốt nhất là gì? Vậy nên mình chỉ cần biết mình thật sự muốn gì là được. Vậy trên tất cả chặng đường, hãy vẫn luôn hạnh phúc, hiểu, để thương, để hạnh phúc với tất cả  những gì mình đang bước đi trên hành trình của mình.

*Bài viết được gửi từ tác giả Nguyễn Như Bình; địa chỉ: Phường Đông Hưng Thuận, quận 12, TP.HCM.

Đức Châu